Thu hồi đất "bồi thường một giá rất rẻ", sau tăng giá gấp hàng trăm lần
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng việc xác định giá đất hiện nay còn mang tính chủ quan, đôi khi áp đặt. Đại tướng Lương Cường nói xác định giá đất là vấn để nổi lên nhất hiện nay.
"Đất đai có thể dẫn đến đổ máu trong gia đình"
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 3/11, đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đánh giá, sau nhiều lần lùi đi lùi lại, dự án luật được trình ra Quốc hội lần này đã cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước.
"Chúng ta đều biết khiếu kiện đất đai rất nóng và chiếm tới 80% các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai, có thể dẫn đến đổ máu trong gia đình giữa những người ruột thịt như vụ việc vừa diễn ra ở Hưng Yên gần đây, rất đau lòng"- ông Vân nói.
Theo ông, một phần lỗi do cơ chế, chính sách của chúng ta chưa minh định được các quan hệ, đặc biệt quan hệ về sở hữu, quan hệ sử dụng, định đoạt với tư cách một chế định sở hữu. Vì vậy, sửa đổi Luật Đất đai lần này phải nhằm khắc phục được những hạn chế, những vấn đề nổi cộm, bức xúc nhất. Đồng thời trả lời cho được đâu là nguyên nhân của các xung đột mà đỉnh cao là các mâu thuẫn trong quan hệ liên quan đến đất đai.
Ông Vân đặc biệt quan tâm tới quy định về phân loại đất và đề nghị cơ quan soạn thảo cần có nhận thức đúng hơn, bởi đây là cốt lõi dẫn đến xung đột trong quan hệ đất đai.
"Tôi cho rằng nên phân loại đất tường minh hơn, đất nào là khu vực nhà nước thực hiện quyền sở hữu, còn đất nào liên quan đến sử dụng của tư nhân thì chúng ta phải thừa nhận quyền tài sản, quyền sử dụng. Chúng ta không thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai nhưng phải thừa nhận quyền tài sản nằm trong quyền sử dụng"- ông nói và dẫn ví dụ như đất nông nghiệp, nếu không coi quyền sử dụng của họ như quyền tài sản thì việc thu hồi đất có thể dẫn đến tranh chấp rất quyết liệt, như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng.
Hơn nữa, theo vị đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, việc xác định giá đất còn mang tính chủ quan, đôi khi áp đặt. "Chúng ta nói theo thị trường nhưng thực ra chúng ta có theo hết thị trường đâu"- ông Vân thẳng thắn.
Ông lấy ví dụ, một sào đất nông nghiệp mỗi năm thu hoạch hai vụ lúa, một vụ màu, mang lại giá trị sau khi trừ chi phí đầu tư có thể được 100 triệu đồng. Mảnh đất sau khi được Nhà nước thu hồi để đầu tư dự án công cộng, đầu tư công hoặc mục đích thương mại thì đã lên giá rất nhiều, 5-10 lần, có chỗ hàng trăm lần.
"Chúng ta bồi thường một giá rất rẻ, đẩy người nông dân ấy vào một tình huống họ không có ruộng để canh tác"- ông Vân nêu thực trạng.
Đại tướng Lương Cường - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam (đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa) cũng đề nghị nghiên cứu làm rõ các tiêu chí, quy trình kiểm soát chặt chẽ trong việc phân công địa phương xác định giá đất. "Đây là một vấn đề nổi lên nhất hiện nay"- ông nói.
Theo ông Cường, sau này phân cho cấp huyện quy định giá cụ thể còn phức tạp nữa. "Tôi cho rằng đây là vấn đề cần phải nghiên cứu rất kỹ. Thế nào là giá bình thường, làm sao để xác định giá đất gần nhất với thực tế của đất?"- ông đặt vấn đề.
Tại tổ TPHCM, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ như thế nào là chuyên gia về giá đất, bởi không phải ai cũng làm chuyên gia được. "Cần có tiêu chí, điều kiện cụ thể để xác định chuyên gia về giá đất, bảo đảm sự nghiêm minh, đúng đắn khi triển khai thẩm định giá" - bà Châu nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng phản ánh, dự thảo luật có tới trên 80 điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết là quá lớn, có thể dẫn đến "va chạm" quyền lợi giữa người dân, doanh nghiệp, nhà nước. Do đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét để quy định chi tiết hơn trong dự thảo luật.
Chung mối quan tâm về vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thư ký Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên) đề nghị cơ quan soạn thảo cần tổ chức thêm các cuộc tiếp xúc với người dân thông qua Mặt trận Tổ quốc để ghi nhận thêm ý kiến về đất đai từ thực tiễn.
Bày tỏ băn khoăn về quy định thu hồi đất trong dự thảo luật, ông Trần Hoàng Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí đối với từng trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
"Việc thu hồi đất trên thực tế vừa qua đã gây bức xúc trong người dân liên quan đến vấn đề giá bồi thường. Một khu đất của người dân quy hoạch làm công viên thì chúng ta thu hồi đất, đền bù với giá thấp hơn. Trong khi đó, một khu đất kế bên được quy hoạch sử dụng cho mục đích xây dựng nhà ở thương mại, thì đền bù mức giá cao hơn. Hai khu đất gần nhau, nhưng quy hoạch mục đích sử dụng khác nhau, có mức giá đền bù chênh lệch rất lớn, thiệt cho người dân có đất"- ông Ngân nêu thực tế và đề xuất có thể đưa ra một mặt bằng giá để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Giá đất không được mang ý chí chủ quan
Có mặt tại tổ TPHCM, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã giải đáp một số vấn đề đại biểu Quốc hội đề cập.
Theo ông Hà, việc đưa ra các tiêu chí thu hồi đất cho các dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh thì dễ, song với mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì rất khó.
"Lượng hóa được tiêu chí, điều kiện thì không có gì phải bàn thêm, nhưng cho đến giờ phút này, phải nói là các cơ quan bên lập pháp và hành pháp chúng tôi cũng chưa có được phương án tốt hơn"- Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.
Đề cập giá đất, ông Hà khẳng định các phương pháp chưa bao giờ sai, đây là thông lệ thế giới. "Giá sơ cấp, Nhà nước giao đất thì chủ yếu cũng không đấu thầu, đấu giá mà giao không thu tiền, tính giá theo bảng, theo khung. Mà khung, bảng đã không theo thị trường rồi thì đây là bất cập rất lớn"- ông phân tích.
Phương pháp mới nhất là định giá theo vùng giá trị, xác định các thửa đất chuẩn mà thế giới đã làm khi có bản đồ về địa chính số và thiết lập được mạng lưới, thu được thông tin về giá đất hàng ngày và chuẩn.
"Chúng ta hoàn toàn có phương pháp và hoàn toàn có thể làm được, tất nhiên phải chế định để thông tin này chính xác. Cái quan trọng nhất là giá đất không được mang ý chí chủ quan và mọi phương pháp làm phải là phương pháp thống kê, toán học; độc lập với những người định giá"- ông Hà thông tin.
Từ đó, ông cho rằng vẫn cần hội đồng, cần cơ quan tư vấn, sau này cũng cần nhưng tất cả việc này sẽ có phần mềm do Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các chuyên gia định giá quốc tế đưa ra. Như thế giá phổ quát trên thị trường không phải là giá mang tính chất lý trí mà dựa trên việc thu thập từ các thửa đất chuẩn và ở các vùng định giá trị quy định.
"Có thể không cần đến 1 triệu thửa đất chuẩn nhưng có thể cần đến khoảng 300 nghìn hoặc bao nhiêu đó thửa đất chuẩn thì chúng ta hoàn toàn có thể quy đổi và qua phương pháp thống kê tìm ra các giá trị thể hiện tính ổn định tương đối của thị trường. Còn thực tế, chúng ta không thể có được một giá thị trường duy nhất"- Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nêu quan điểm của cơ quan soạn thảo.