1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thông tin về chủ quyền biển đảo cho kiều bào

(Dân trí) - Sáng 23/11, ông Trần Duy Hải - Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia đã công bố những thông tin chính thức về chủ quyền biên giới, biển đảo Việt Nam bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa để gần 1.000 đại biểu kiều bào cập nhật, nắm rõ tình hình.

 

Thông tin về chủ quyền biển đảo cho kiều bào - 1

Ông Trần Duy Hải trong buổi báo cáo về tình hình Biển đảo Việt Nam. (Ảnh: Quốc Đô)

 

Biên giới hai nước Việt Nam và Trung Quốc có chiều dài 1.450 km. Trong đó có gần 400 km là địa hình hiểm trở như sông suối, núi cao, rừng thiêng…

 

Đường biên giới giữa 2 nước đã xác định được 314 mốc giới. Cột mốc nặng nhất lên đến gần 1.000 kg, nhẹ nhất là 350 kg. Quá trình vận hành việc cắm mốc thường gặp những khó khăn về địa hình cũng như nhiều bom mìn khu vực biên giới, cùng tồn tại với thời gian, nhiều mốc giới, bản đồ đã gần như không còn nguyên vẹn.

 

Từ năm 1992 đến 1999, với nỗ lực phân giới cắm mốc, cả 2 nước đã tiến hành hàng chục vòng đàm phán các cấp từ Chính phủ đến cấp chuyên viên để đi đến thống nhất mốc giới giữa 2 quốc gia.

 

Ngày 9/12/1982, HĐBT nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định thành lập huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai và huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngày 28/12/1982 huyện Trường Sa được chuyển sang tỉnh Phú Khánh. Sau khi chia tách tỉnh Phú Khánh (30/6/1989) huyện Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.

 

Huyện đảo Hoàng Sa được thành lập từ tháng 01/1997, là một quần đảo San hô nằm cách thành phố Đà Nẵng 170 hải lý (khoảng 315km) bao gồm 17 hòn đảo lớn nhỏ. Huyện đảo Hoàng Sa có diện tích 305km2 chiếm 24,29% diện tích thành phố Đà Nẵng. (Nguồn: Ủy ban Biên giới Quốc gia)

Ngày 18/11/2009, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam đã cùng Đại diện nhà nước Trung Quốc tiến hành ký mốc giới tại Bắc Kinh trên cơ sở Nghị định thư và các tuyên bố chung. Hiệp định mới quy định cụ thể hơn từ văn bản, bản đồ đến thực tế. Theo Hiệp định mới, hai bên sẽ mở thêm 13 cửa khẩu mới, ngoài 9 cửa khẩu hiện có.

 

Theo Công ước Quốc tế, mỗi quốc gia có quyền ấn định lãnh hải của mình là 12 hải lý kể từ đường cơ sở, vùng tiếp giáp lãnh hải rộng 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế được quy định với chiều rộng là 200 hải lý. Thềm lục địa cũng được tính cho đến 200 hải lý. Như vậy, Việt Nam có chủ quyền trên một vùng biển khá rộng lớn, khoảng 1 triệu km2 ở biển Đông .

 

Vùng biển Việt Nam hiện nay tiếp giáp với ranh giới, lãnh hải của tám quốc gia: Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei, Campuchia, Thailand và Singapore.

 

Với tranh chấp về 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nhà nước Việt Nam khẳng định lập trường về 2 quần đảo nói trên theo tuyên bố năm 1977, Công ước 1982 cũng như trong các tuyên bố chính thức khác.

 

Ông Hải cho biết thêm: “Vào năm 1992, một công ty của Trung Quốc đã ký hợp đồng với một công ty của Mỹ khai thác dầu lửa ngoài khơi nằm trong lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nước ta đã lập tức yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc khai thác bất hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam và việc chấm dứt khai thác đã được thực hiện ngay sau đó”.

 

Về tình hình giải quyết bản đồ “hình lưỡi bò” mà bên phía Trung Quốc đưa ra, ông Hải khẳng định: Ngay sau khi Trung Quốc cho vẽ bản đồ “hình lưỡi bò”, Việt Nam đã có phát ngôn và gửi công hàm đến Liên Hợp Quốc để phản đối “yêu sách” mà Trung Quốc đưa ra. Trước tình hình Biển Đông hết sức phức tạp, nhà nước Việt Nam đã kiên định, giữ vững lập trường và quan điểm cũng như có đầy đủ tư liệu về lịch sử, pháp lý để khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Đa số kiều bào cho rằng, với thông tin được ghi nhận như trên, họ hiểu rõ hơn và sẵn sàng kề vai sát cánh với nước nhà trong việc đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của đất nước.

 

Quốc Đô