Thống nhất mức tiền chi cho công ty đấu giá biển số xe
(Dân trí) - Để đảm bảo minh bạch, Bộ Công an sẽ ký hợp đồng với một tổ chức độc lập để thực hiện các bước đấu giá biển số xe.
Theo quy định tại Nghị định 39/2023 của Chính phủ về thí điểm đấu giá biển số ô tô, quá trình đấu giá sẽ được thực hiện bởi các tổ chức, doanh nghiệp đấu giá độc lập.
Cụ thể, Điểm a, Khoản 1, Điều 7 của Nghị định nêu rõ Bộ Công an sẽ ký hợp đồng dịch vụ đấu giá với một tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá biển số ô tô.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Thiếu Tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết, Bộ Công an sẽ lựa chọn một công ty đấu giá độc lập với các cơ quan quản lý Nhà nước và công ty này sẽ thực hiện đấu giá biển số ô tô trực tuyến trên mạng.
Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ đấu giá này sẽ vận hành theo phương án tài chính như thế nào? Tại Nghị định 39/2023, tiền chi cho dịch vụ đấu giá được quy định rõ.
Cụ thể, với mỗi biển số ô tô được đấu giá thành công, thù lao dịch vụ đấu giá thanh toán cho tổ chức đấu giá tài sản được tính bằng 8% giá khởi điểm, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và chi phí đấu giá.
Như vậy, với mức giá khởi điểm được quy định là 40 triệu đồng, công ty cung cấp dịch vụ đấu giá sẽ thu về 3,2 triệu đồng cho mỗi biển số đấu thành công.
Ngoài ra, công ty sẽ có thêm nguồn thu 10.000 đồng cho mỗi biển số xe được đưa ra đấu giá (không bắt buộc việc đấu giá thành công hay không).
Theo quy định, Bộ Công an chịu trách nhiệm xác định, phê duyệt các khoản chi phí tổ chức đấu giá để làm căn cứ tính số tiền đấu giá thu được. Số tiền bán đấu giá sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước.
Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 73/2022 cho phép thí điểm đấu giá biển số xe, Chính phủ đã ban hành Nghị định 39/2023 hướng dẫn chi tiết việc triển khai Nghị quyết 73.
Theo nghị định này, việc thí điểm đấu giá biển số ô tô được thực hiện trong 3 năm (1/7/2023 đến 1/7/2026).
Bộ Công an dự kiến phiên đấu giá biển số ô tô đầu tiên diễn ra từ ngày 15/8 đến ngày 20/8.