"Quân xanh, quân đỏ" trong các phiên đấu giá tài sản ngày càng tinh vi
(Dân trí) - Bộ Tư pháp đánh giá chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung chưa có hiệu quả. Tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp.
Ngày 28/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp hội đồng thẩm định dự án Luật đấu giá tài sản (sửa đổi).
Đại diện Bộ Tư pháp đánh giá, sau hơn 5 năm triển khai luật đã đạt được nhiều kết quả, hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý về trình tự, thủ tục đấu giá chung, chặt chẽ trong hoạt động đấu giá. Đồng thời giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh một số bất cập, chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục, chưa phù hợp với thực tiễn. Từ đó gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức liên quan.
Bộ Tư pháp cũng nhận định chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung chưa có hiệu quả. Tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp…
Do đó, cơ quan soạn thảo khẳng định việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản hiện hành rất cần thiết và cấp bách.
Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng phản ánh, trường hợp người có tài sản lựa chọn hình thức trực tuyến để tổ chức đấu giá tài sản công vẫn còn ý kiến khác nhau.
Ý kiến thứ nhất cho rằng, khi lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến để đấu giá tất cả các loại tài sản (gồm tài sản công, tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức) thì tổ chức đấu giá có thể lựa chọn sử dụng Trang thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia hoặc Trang thông tin đấu giá trực tuyến của các tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá.
Ý kiến thứ hai đề nghị, khi chọn hình thức đấu giá trực tuyến để đấu giá tài sản công thì tổ chức đấu giá phải sử dụng Trang thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia (thuộc Cổng thông tin đấu giá tài sản quốc gia) để tổ chức.
Việc quy định sử dụng Trang thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia vừa đảm bảo thống nhất, tập trung, vừa đảm bảo tính khách quan, minh bạch, có sự kiểm soát chặt chẽ.
Đáng chú ý, ông Hồng cho biết dự thảo luật đề xuất bỏ quy định về việc đăng thông báo trên báo in hoặc báo hình của trung ương, tỉnh, thành phố nơi có tài sản đấu giá (theo quy định hiện hành), thay bằng quy định thông báo công khai ít nhất 2 lần trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 2 ngày làm việc.
Bà Nguyễn Thị Mai, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp đề nghị cân nhắc quy định một số tài sản lớn thì tiền đặt trước phải đưa vào tài khoản phong tỏa theo quy định của pháp luật ngân hàng.
Theo bà Mai, thực tế có những tài sản là quyền sử dụng đất ở các vùng sâu, vùng xa cũng có giá trị vài tỷ đồng. Nhưng có những tài sản không phải là quyền sử dụng đất như sân bay, cảng biển, cánh rừng cao su cần thanh lý cũng có giá trị rất lớn, mà dự thảo luật lại chỉ "chốt" tài sản có giá trị lớn là quyền sử dụng đất là chưa đầy đủ.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng yêu cầu việc sửa đổi luật cần phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp Hiến pháp, Nghị quyết số 18-NQ/TW về quản lý sử dụng đất đai, Bộ luật Dân sự, Luật Công chứng…
Ông Dũng lưu ý đưa vào luật những nội dung chọn lọc, thật sự cần thiết để khắc phục các hạn chế, đặc biệt là tình trạng thông đồng, dìm giá.
"Thực tế cho thấy việc bán hồ sơ đấu giá hiện nay còn rất nhiều vấn đề nhằm hạn chế quyền của người tham gia đấu giá. Việc niêm yết thông báo đấu giá thời gian còn ngắn, chưa hiệu quả. Do vậy, nếu việc bán hồ sơ qua mạng giúp tăng tính minh bạch thì chúng ta hoàn toàn có thể quy định", ông Dũng đề nghị.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp gợi mở nghiên cứu việc liên kết với các cơ sở dữ liệu khác có liên quan như công chứng, đất đai để tăng tính thuận tiện, minh bạch trong quá trình thực hiện đấu giá.