Thí điểm hạn chế phương tiện gây ô nhiễm ở Hà Nội là rất cần thiết
(Dân trí) - Chuyên gia, người dân cho rằng việc thí điểm hạn chế phương tiện gây ô nhiễm tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) là rất cần thiết và cần thực hiện quyết liệt mới có thể đem lại hiệu quả.
Dự kiến, từ năm 2025, Hà Nội sẽ áp dụng việc thí điểm mô hình vùng phát thải thấp (LEZ), hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm ở quận Hoàn Kiếm.
Hạn chế phương tiện ô nhiễm, không khí dần cải thiện
Trước việc quận Hoàn Kiếm thí điểm hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.
Ông Dương Minh Đức (70 tuổi, sống tại phố Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm) đánh giá, những năm gần đây không khí tại Hà Nội bị ô nhiễm nặng. Có nhiều ngày, mức ô nhiễm không khí tại Hà Nội xếp đầu thế giới.
Chính vì vậy, việc quận Hoàn Kiếm hạn chế các phương tiện gây ô nhiễm từ năm 2025 là rất cần thiết.
"Việc làm này của quận Hoàn Kiếm là rất cần thiết, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, nếu làm được chắc chắn không khí sẽ dần được cải thiện", ông Đức bày tỏ.
Ông mong muốn bên cạnh việc hạn chế các phương tiện ô nhiễm, quận Hoàn Kiếm cũng như TP Hà Nội cần triển khai thêm các tuyến xe buýt công cộng, xe buýt chạy bằng điện để thuận tiện trong việc đi lại của người dân cũng như đảm bảo môi trường.
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ
Ông Vũ Văn Lùng (83 tuổi, trú tại phố Gia Ngư, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, việc hạn chế hoặc cấm phương tiện gây ô nhiễm tại Hà Nội đã được các ban, ngành đưa ra bàn bạc, tính toán từ lâu.
Do đó, khi hay tin quận Hoàn Kiếm thí điểm việc này ông rất đồng tình, ủng hộ. Song ông cũng đề nghị khi thực hiện phải làm quyết liệt, có lộ trình cụ thể mới có thể đạt được những kết quả như mong muốn.
"Tôi hy vọng quận Hoàn Kiếm khi triển khai thí điểm cần phải làm quyết liệt. Bởi chỉ có như vậy mới có thể bảo vệ được môi trường, đem lại không khí trong lành cho người dân", ông Lùng bày tỏ.
Ông Cũng đưa ra ví dụ các nước phát triển, sử dụng rất hiệu quả phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân để bảo vệ môi trường.
"Nếu chúng ta không quyết liệt bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm ngay từ bây giờ tương lai sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề", ông Lùng nhận định.
Sau khi nắm thông tin quận Hoàn Kiếm dự kiến sẽ thí điểm hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm từ năm 2025, chị Nguyễn Thị Ánh (28 tuổi, sống tại phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm) quyết định nếu Hà Nội hạn chế phương tiện chạy xăng, dầu, thời gian tới chị sẽ sử dụng xe máy điện đi làm thay cho xe máy hiện nay.
Quãng đường từ nhà chị Ánh đến cơ quan khoảng 5km (từ phố Hai Bà Trưng đến đường Nguyễn Chí Thanh, quận Cầu Giấy).
Theo chị Ánh, việc hạn chế này cần thực hiện theo giai đoạn để người dân điều chỉnh phương tiện, thời gian cho phù hợp. Tuy nhiên, theo chị việc hạn chế xe ô nhiễm sẽ khiến nhiều người lao động bị ảnh hưởng đến việc đi lại, mưu sinh. Do vậy, chị cho rằng thành phố cần tính đến vấn đề này cho phù hợp.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đánh giá, việc quận Hoàn Kiếm thí điểm mô hình vùng phát thải thấp, hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm trong năm 2025 là rất cần thiết.
Song ông nhìn nhận việc thực hiện cần theo lộ trình, có tính toán cụ thể.
"Khi đưa ra việc này, người dân thấy rất phấn khởi khi xã hội ngày một phát triển, tiến bộ trong từng vấn đề nhưng việc thực hiện cần phải có quyết tâm, đồng bộ", ông Liên nói.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đến hết tháng 4, trên địa bàn Thủ đô có hơn 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó có hơn 1,1 triệu ôtô và hơn 6,9 triệu xe máy với gần 73% phương tiện đã sử dụng trên 10 năm.
Trước thực trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại Hà Nội luôn ở mức cao, đã tới lúc chúng ta cần có những biện pháp mạnh để giải quyết.
Trong đó hạn chế và tiến tới cấm phương tiện gây ô nhiễm trong các khu vực trọng điểm là một trong những biện pháp cần thiết.
Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định, tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố.
Đối tượng áp dụng của nghị quyết này gồm các tổ chức, cá nhân di chuyển vào vùng phát thải thấp bằng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn khí thải cụ thể, trừ ô tô điện, xe máy điện và các phương tiện ưu tiên theo quy định.
Theo đó, lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp năm 2025-2030, Hà Nội lựa chọn khu vực quận Hoàn Kiếm để thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp, đánh giá hiệu quả và đề xuất nhân rộng mô hình ở các địa phương.
Trong đó, cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp; ưu tiên ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4, xe máy đáp ứng tiêu chuẩn mức 2; 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng cho vùng phát thải thấp đạt 45-50%.
Các cá nhân, tổ chức sinh sống và làm việc tại vùng LEZ sẽ được ưu tiên lộ trình 12 tháng để chuyển đổi phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải cho phép lưu thông ở vùng này.
6 tiêu chí xác định các khu vực hạn chế phát thải
Một là thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải được xác định tại quy hoạch thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Tiêu chí này bao gồm các quận của Hà Nội hiện nay cũng như năm huyện sắp lên quận và hai thành phố mới sắp được thành lập.
Hai là khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
Ba là chất lượng không khí đánh giá trong tối thiểu một năm không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí.
Bốn là khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện giao thông.
Năm là các xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường được dán tem nhãn, nhận dạng biển số thì được lưu thông trong vùng phát thải thấp.
Sáu là khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp với tỷ lệ đồng thuận đạt từ 51% trở lên.