Theo tàu Bình Minh 02 “khám” thềm lục địa
Nghe có vẻ khoe lẫn... kiêu? Nhưng cũng phải nói thật, chả phải dễ dàng để được đặt chân lên con tàu biển mà mấy năm nay nổi trội trên biển Đông như một biểu trưng của chủ quyền Quốc gia và lãnh hải Việt Nam.
Vưu vật của cơ chế
Được tin Bình Minh 02 đang neo ở Vũng Tàu, hăm hở mò đến đại bản doanh PTSC, cơ quan chủ quản Bình Minh 02 ( BM2) thì Tổng giám đốc PTSC Nguyễn Hùng Dũng nhệch ra một cái cười qua hàng ria rậm dày đen nhánh ông lại chậm rồi. BM2 đã ra khơi làm nhiệm vụ đột xuất...
Từng là một thủy thủ rồi thuyền trưởng tàu biển, Nguyễn Hùng Dũng đã ngang dọc các hải trình biển Đông và quốc tế. Neo ở Vũng Tàu chả phải rửa tay gác kiếm, yên phận nghỉ ngơi mà nhiều năm nay lãnh một sứ mệnh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
Ở các quốc gia dầu khí, tỷ trọng đó gần một nửa hoặc hơn. Trong hàng loạt các công việc đương tiếp tục hoặc khai mở, BM2 là một trong những khai mở ấy. Tôi hiểu mang máng, BM2 như một sự đi tắt đón đầu lanh lẹ thông minh.
Nhưng PTSC không chỉ máy móc và chuẩn tắc khi triển khai áp dụng những thiết bị những công nghệ sẵn có của quốc tế. Cũng ngạc nhiên cùng chút tự hào khi được hay rằng BM2 là phương tiện đặc chủng thuộc hàng hiếm để trợ giúp đắc lực ngành thăm dò khai thác dầu khí.
Đâu như chỉ mấy công ty lớn trên thế giới hiện đang triển khai thiết bị này. Mà BM2 của PTSC Việt Nam là thứ 4! Biên lược ra như thế để thấy quyết tâm trong chiến lược an ninh năng lượng quốc gia của những người có trách nhiệm. Mà vinh dự cùng sự tin cẩn này, còn quá chọn mặt gửi vàng, con tàu BM2 trị giá gần 30 triệu USD đã được trao cho PTSC.
Nhưng làm lụng cày xới trên lãnh hải có chủ quyền thuộc vùng biển đặc quyền kinh tế quốc gia mà BM2 luôn bị kẻ khác ỷ thế càn rỡ, hăm dọa, cản trở. Chuyện đó xin được nói sau.
Ngó vẻ thất vọng của tôi, Hùng Dũng động viên, khoảng hơn tháng nữa BM2 lại sẽ vào bờ tiếp liệu. Ghé cảng nào sẽ tin sau. Về Hà Nội, cận Noel, bất đồ nhận được tin nhắn, BM2 mới ghé cảng Hải Phòng tối qua và chỉ ghé lại một ngày.
Người nhắn tin cho tôi là Lê Chí Thành phụ trách hoạt động BM2 của PTSC. Gã thủy thủ kiêm thuyền trưởng này nhiều năm vào bờ làm quân Nguyễn Hùng Dũng vẫn không mất đi vẻ sang sức điển trai. Mà cũng có chút gì đó lãng mạn, bay bổng? Hỏi nhiệm vụ chủ yếu của BM2 là gì?
Lê Chí Thành cười: Khảo sát địa chất. Khảo sát nghiên cứu địa vật lý. Khảo sát nghiên cứu công trình. Nghiên cứu công trình ngầm bằng robot lặn và các khảo sát đặc biệt khác.
Tóm lại năm nhiệm vụ chủ yếu ấy của BM2 như 5 dòng kẻ trên khuông nhạc của một bản nhạc. Thuyền trưởng và thủy thủ của BM2 được tùy ý tùy hứng viết lên khuông nhạc ấy những nốt nhạc của mình. Lê Chí Thành cười nói thêm, tùy ý tùy hứng là cách gọi năng động để BM2 hoàn thành nhiệm vụ mà PTSC giao.
Lê Chí Thành đã chu đáo trao đổi trước với thuyền trưởng BM2 Trần Anh Vũ. Con tàu BM2 có thể lọt thỏm giữa đại dương mênh mông nhưng neo ở cảng ngó khá bề thế và đỏm dáng với cái thân sơn màu trắng và mấy sọc viền màu xanh bắt mắt.
Kia là dáng cao đậm của thuyền trưởng Trần Anh Vũ thân ra boong đón khách bằng động thái vẫy tay nhiệt thành. Lợi thế của sông Cấm Hải Phòng hào phóng cho con tàu BM2 công suất 3.500 sức ngựa dài 64,8m, rộng 13,8m, tải trọng 3.500 tấn áp sát dễ dàng vào bờ Cảng.
Nhưng chủ chả thể kéo thốc khách lên và BM2 cũng không thể có một cầu thang nào ghếch thẳng vào bờ. Vậy nên tôi được nhập vào BM2 qua cái thang dây. Đu cái thân hình tuổi tác qua những nấc dây dập dềnh chao nghiêng chao ngửa, càng thấm thêm cái nghề của BM2 và sông nước nói chung, đích thị phải là những người trẻ!
Tận mắt với Bình Minh 02
Khen PTSC khéo lựa màu sắc lẫn chất vải khi thiết kế sắm sanh cho thuyền trưởng lẫn thuyền viên tàu BM2 bộ y phục sắc trắng cùng màu lửa ấm. Bởi sắc của vuông cờ Tổ quốc cùng chữ PTSC càng làm tôn nhan thêm những vóc dáng, và gì nữa, cả vị thế của những người chuyên hành nghề sông bể.
Lướt qua danh sách 41 thành viên của BM2 từ thuyền trưởng, thủy thủ, và cán bộ chuyên viên kỹ thuật trừ thuyền trưởng Trần Anh Vũ sinh năm 1963 còn toàn những người sinh năm 1975, 1976, 1979 và 1982, 1983...
Cứ như cái lắc đầu của thuyền trưởng Vũ, không phải dịp này dịp khác tất thảy đội hình BM2 nghiêm ngắn sắc phục mà ngay trên tàu giữa bể khơi quạnh vắng khi tác nghiệp, các thành viên của BM2 đều chĩnh chiện như thế!
Có một chút trịnh trọng tôi ghi vào sổ tay tọa độ BM2 đang neo đậu. 20051.987’ N (bắc) 106040, 856’E (Đông)
Điện thoại thuyền trưởng Vũ đổ chuông. Càng nghe nét mặt anh càng rạng. Hóa ra cậu con trai 4 tuổi đang líu lường gì đó với bố. Vị thuyền trưởng vậm vạp từng dày dạn bể khơi đang lúng túng tìm cách khất cậu con trai vì để nhỡ dịp Noel không về để đưa con đi chơi được. Ba rất bận xin lỗi con tí nữa ba gọi lại...
Vũ có cái na ná xê dịch của nghề bể khơi sông nước. Sinh ở Hà Nội, bố là cán bộ tập kết quê ở Đà Nẵng. Tốt nghiệp ĐH Hàng hải, Vũ tiếp tục học thêm ở Hải Phòng, Đà Nẵng, ở TPHCM rồi lênh đênh trên những hải trình trong nước, quốc tế. Có thời gian anh kiêm thêm việc giảng dạy tại Phân viện ĐH Hàng hải ở TP.HCM nay là phân viện ĐH Giao thông TP.HCM.
Có thể PTSC với nhiều cách đã hút được những cán bộ chuyên gia có đai có đẳng vào BM2. Có thể thu nhập hiện thời đủ sức mời gọi những chuyên gia ấy? Chả biết nữa nhưng theo chân Vũ đi qua các bộ phận đương tác nghiệp (tưởng là tàu neo đậu thủy thủ thuyền viên được lên bờ đi chơi) nhưng có vẻ như ai cũng bấn bíu với công việc. Hoặc trên máy tính hoặc đang thao tác gì đó.
Cụm từ gọn lỏn “BM2 ghé cảng tiếp dầu” có lẽ chưa chính xác? Mà phải dùng từ “tiếp liệu”. BM2 có lắm thứ đầu vào đầu ra và nhiều quy trình công việc trong thời gian mỗi khi ghé cảng.
Bữa ở Vũng Tàu, tôi có thoáng nghe Lê Chí Thành nói về cụm từ Việt hóa. Nôm na là qua 2 năm hành nghề trên bể Đông, một số chuyên gia, chuyên viên kỹ thuật người nước ngoài trên BM2 đã dần dần được thay thế bằng các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật trẻ Việt Nam.
Bằng cớ là đi qua mấy cup pê ( tạm gọi thế) tôi chỉ thoáng gặp vài gương mặt người nước ngoài. Cụ thể trên BM2 chuyến này có một ông bác sĩ, 2 chuyên gia về địa chất.
Thuyền trưởng Vũ, có một chút gì đó hơi trịnh trọng, chốc chốc lại giới thiệu với tôi những khuôn mặt Việt trẻ trung đây là chief (sếp). Chief về thu nổ, về lãnh vực này khác về địa chấn, địa chất...
Từ chief, đại loại có thể hiểu uyển chuyển là chuyên gia phụ trách về mảng công tác nào đó trên tàu hoặc kíp trưởng. Hay có thể là một cán bộ kỹ thuật thạo nghề... Mai Văn Phương là một chief như thế. Phương sinh 1982, quê Long An.
Làm việc trên BM2 gần năm nay, Phương đã khá chững chạc. Làm quen rồi đến làm chủ quy trình nổ địa chấn là cả một quy trình vất vả gian nan. Nhưng Phương đã làm được.
Trưởng ngành nổ, việc mà Phương đang đảm nhận hiện nay cũng chính là phần việc trước đó của một chuyên gia ngoại quốc. Màn hình computer trên bàn làm việc của Phương đang còn lưu dòng chữ bố có về đưa con đi chơi Noel không. Hình như con gái bé bỏng của Phương chat với bố?
Cũng hé một chút hệ thống thông tin trên BM2. Đại loại có thiết bị để điện thoại nối bờ khi BM2 làm việc ngoài khơi xa. Gần bờ thì sử dụng điện thoại di động. Và cũng có thiết bị để anh em dùng internet.
Tôi lật sổ tay để coi lại danh sách Việt hóa trên BM2 mà hôm ở Vũng Tàu, Lê Chí Thành cung cấp. Nguyễn Quang Tấn, Trưởng kíp vận hành nguồn nổ. Phan Hoàng Duy Thái, kíp trưởng địa chấn. Nguyễn Anh Đức cũng kíp trưởng địa chấn.
Phan Văn Mạnh, Trưởng ngành định vị v v... 15 trong 18 vị trí, phần việc quan trọng, chủ chốt trên BM2 đã được thay thế bằng những người Việt trẻ trung.
Thời gian không nhiều lắm (và có lẽ cũng chả cần thiết?) để tôi làm quen với khái niệm phương pháp thu nổ. Rồi những thiết bị rậm rì rắc rối những thuật ngữ chuyên môn những cáp thu tín hiệu địa chấn (Streamer) những bộ phận quan sát tín hiệu (Observer Pept) vv... này khác.
Nghĩ cũng hơi tiếc thời gian mà thuyền trưởng Vũ cùng mấy Chief người Việt, có lẽ rất quý khách đã nhiệt tình giải thích hướng dẫn.
Tôi có cảm giác các thiết bị đo địa chấn địa chất trên BM2 phục vụ cho việc thăm dò khai thác dầu khí nó hơi bị tương phản nhau? Đầu tiên là thứ hùng dũng cồng kềnh giàn súng bắn hơi như một quả tên lửa chứa không biết các thiết bị gì tua tủa bên trong.
Khi tác nghiệp, quả tên lửa sẽ được đưa từ hầm tàu lên khoang để thả xuống một độ sâu nào đó. Giàn súng sẽ phát tác với một áp lực hay áp suất phóng xuống đáy bể mà tôi tạm gọi bừa là kinh người! Tạo ra được áp suất áp lực ấy mới đủ sức xuyên qua hàng chục, hàng trăm mét nước và đất đá.
Rồi những hồi âm, những phản hồi dưới lòng đáy đại dương sẽ dội lại những tín hiệu mà các anh đây gọi là những thông số kỹ thuật cần thiết. Thông số đó trong tích tắc được ghi vào bộ nhớ máy tính đặt trên BM2.
Sẽ có những chuyên gia đọc, xử lý những thông số ấy để biết được ở độ sâu nào đó của lòng thềm Vịnh Bắc Bộ thuộc chủ quyền Việt Nam có thứ gì? Dầu hay khí hoặc loại khoáng sản nào đó!
Chao ôi cái nghề ăn cơm dương gian làm việc âm phủ. Có lẽ cũng chưa đến thời điểm lưu luyến tạm biệt những cần khoan nặng nề nhiêu khê ngất nghểu ngày đêm cần mẫn nhọc nhằn nhích từng mét vào lòng đất của ngành địa chất?
Nhưng với thiết bị này trên BM 2, như một thứ con hơn cha, cái nghiệp thăm dò khảo sát địa tầng hiện đang có thứ hậu duệ tinh ghê này làm nên cái phúc cho ngành địa chất lẫn dầu khí Việt? Cứ 6 tuần thay một lần thuyền trưởng, 12 tuần thay kíp thủy thủ chuyên viên kỹ thuật, trừ thời gian cập cảng tiếp liệu, cứ cần mẫn gần 2 năm như thế, BM2 đã cần mẫn qua lại bao nhiêu những luống cày trên mặt Biển Đông chủ quyền.
Qua bao hải trình, bao nhiêu những tọa độ cần thiết, họ đã làm cái việc đọc đáy biển- chữ của thuyền trưởng Vũ (tôi nghĩ khó có thể thay bằng một từ khác hay hơn?). Từ những lần đọc ( không rõ có tọa độ nào phải đọc đi đọc lại?) những lần giải mã ấy, ngành dầu khí quốc gia Việt Nam có thể nói đã và đang tích trữ bao nhiêu là thông số quý giá!
Ở trên tôi đã tạm vỡ vạc thiết bị khủng là giàn súng bắn hơi. Nhưng có một thứ mong manh bấy bớt so với mặt và lòng đại dương bao la. Thứ bấy bớt mong manh ấy là cái cáp mà tàu Hải giám Trung Quốc đã từng cắt và dọa cắt.
Tôi ngồi mân mê cái đoạn cáp từng bị cắt. Có cảm giác, tiết diện bị cắt ấy nó ngọt và hiểm. Còn chỗ nếu bị đứt nó có vẻ lành lành tự nhiên như bị... đứt vậy?
Đường kính chỉ 62 milimet. Bọc ngoài mớ dây xanh đỏ bên trong là lớp nhựa vằn vện như một thứ dây điện loại nhớn. Trên tàu BM2, anh em đã thu hồi nhiều đoạn cáp bị đứt do kỹ thuật và cả cái búi có những đoạn cáp bị cắt một cách thô bạo hồi tháng 5-2011.
Nhỏ nhoi vậy mà đã gây nên một hiệu ứng cuồng phong của dư luận. Nghĩ đến ở những nơi vời xa so với thềm lục địa Việt, các tập đoàn truyền thông bự tổ chảng những BBC, New York Times, Wall Street Journal... cùng hàng loạt các phương tiện thông tin đại chúng khác đã lên tiếng về cái đoạn cáp bị cắt này. Đã rành rẽ trước bàn dân thiên hạ việc nó bị cắt như một tang chứng vật chứng của việc xâm phạm thô bạo chủ quyền biển đảo.
Nghĩ vậy nhưng cũng căng tai để nghe thuyền trưởng Vũ đang cố công giải thích về chức năng vượt trội của việc truyền những thông tin, tín hiệu của sợi cáp mỏng manh kia.
Cáp thăm dò địa chấn địa chất như một thiết bị trợ giúp đắc lực cho cái ngành đọc đáy đại dương. Và khi nào nó hoạt động ở độ sâu 6-8m. Khi nào gặp nguy hiểm thì sử dụng thiết bị cứu cáp. Rồi thiết bị lái thể đánh chìm cáp ở độ sâu 25m như thế nào? vv...
Muốn gạ thêm thuyền trưởng Vũ để tường thêm mấy khúc nhôi gian nan bị tàu nước ngoài cắt cáp và dồn ép này khác nhưng Vũ cười, trên thông tin đại chúng đã nói kỹ cả rồi.
Nhưng có một chuyện này. Sau sự kiện hồi tháng 5 - 2011, những chàng trai Việt trên tàu BM2 dường như đã được miễn dịch về những hiểm nguy trong khi ý thức về chủ quyền biển đảo như là một thứ phản xạ thường trực.
Họ coi cái trò quấy phiền gây rối của tàu Hải giám ấy là một sự thường. Nhưng một vài chuyên gia kỹ thuật nước ngoài lại thấy xao xuyến. Một chuyên gia người Canada đệ đơn xin được thôi việc. Vũ đã nói lại với họ tất cả những gì như đã nói với anh em mình về chủ quyền của Việt Nam trên thềm lục địa.
Về những hải trình của BM2 sẽ được các tàu hộ tống bảo vệ chu đáo như thế nào. BM2 sẽ không bao giờ đơn độc vv... Một thời gian sau thấy yên yên. Họ đã yên tâm bám tàu. Duy chỉ có anh chàng nọ vẫn giữ ý định. Vũ đành chấp thuận.
Qua ngách khác, òa ra một cây thông Noel. Hóa ra tôi đang đứng trước gian bếp có phòng ăn của BM2. Cây thông đặt trang trọng trong phòng ăn, quà của lãnh đạo PTSC tặng BM2 bữa mới rồi.
Gian bếp như một thứ CLB phụ anh em trên BM2 hay lui tới nên đặt cây Noel ở đây cũng phải! Đâm nhớ lâu hơn cái rổ bún tươi ở gian bếp. Hóa ra bún ấy được bảo quản trong ngăn lạnh mới được đem rã đá.
Bún lạnh mà rã đá thành bún nóng? Chuyện bếp núc cỏn con nhưng làm ấm lòng người nhà tàu trên những chặng hải trình hun hút ngái xa. Mà những thức ấy tuyền là bàn tay đàn ông trên BM2 chế ra!
Ghé một gian con con. Nơi ở kiêm làm việc của kỹ sư điện tử Khôi Phạm, quốc tịch Canada. Kỹ sư Khôi Phạm về làm việc ở BM2 là cả một câu chuyện dài. Ông bố Khôi Phạm, trước năm 1975 là một chuyên viên tham gia giảng dạy ở trường Đại học Sài Gòn rồi Tokyo. Sau đó cả nhà Khôi Phạm sang Nhật ở.
Từ Nhật, sang định cư ở Canada. Tốt nghiệp Trường hàng hải Halifax, Khôi Phạm được bố gợi ý nên về Việt Nam làm việc. Dịp may PTSC đang cần người. Khôi Phạm có mặt ở BM2 và cũng là lần đầu Khôi Phạm đặt chân về đất mẹ!
Thử ngả lưng trên cái giường con con của Khôi Phạm có một chốc. Tàu đang đứng yên trong cảng đấy nhé nhưng mới chút chút dập dềnh của sông Cấm mà đã thoáng ngay một cảm giác của say sóng. Thế mà cái giường be bé kia đã bao lần nhồi lắc của các đợt hải trình ở biển xa?
Cảm giác ngạc nhiên lẫn khâm phục khi ngồi với Khôi Phạm. Rời Sài Gòn còn tí hin mới chưa được 2 tuổi mà qua bao đồng đất xứ người, Khôi Phạm vẫn dùng rất thạo tiếng Việt giọng Nam.
Có lẽ được nhiều sự rèn cặp của cha? Anh bộc bạch đây là lần đầu tiên được đến Hải Phòng cũng là lần đầu đến đất Bắc. Khôi Phạm dùng từ rất chính xác là đến chứ chưa được đặt chân. Noel đấy nhưng không có dịp lên bờ. Chỉ một ngày tiếp liệu, BM2 lại tiếp tục hải trình như đã định
Binh boong. Binh boong. Trong âm thanh gió mùa Đông Bắc ràn rạt gieo, nằm nghe tiếng chuông Nhà thờ gần nhà điểm thời khắc Emanuel- Noel- Chúa ở cùng ta đang điểm... Tôi biết cũng tầm này BM2 vừa nhổ neo rời cảng Hải Phòng nối thêm một đường cày cần mẫn trên cánh đồng thềm lục địa chủ quyền.
Theo Xuân Ba
Tiền phong