Thêm một doanh nghiệp xả thải “đầu độc” sông Đồng Nai
Cục Cảnh sát phòng, chống và bảo vệ môi trường (C49) đã phát hiện nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Long Thành (thuộc Tổng Công ty Phát triển Khu công nghiệp Sonadezi) đang xả nước thải có mùi hôi nồng nặc ra rạch Bà Chèo, đổ ra sông Đồng Nai.
Khi các trinh sát C49 ập vào phòng điều hành hệ thống xử lý thì phát hiện hệ thống xử lý vi sinh không hoạt động.
Chiều 5/8, ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, nói: “Tôi bất ngờ vì Sonadezi là đơn vị lớn, có đầu tư khá tốt về bảo vệ môi trường và được đánh giá như hình mẫu, là “công viên công nghiệp”.
Chiếc đò hiếm hoi còn sót lại của ông Nguyễn Văn Hải đã gác mái cả năm nay.
“Phun” 9.300 m3 nước thải mỗi ngày đêm
Khu công nghiệp Sonadezi Long Thành có diện tích khoảng 488 ha, được đầu tư làm hai giai đoạn với tổng lượng nước xả thải lên đến 10.000 m3/ngày đêm. Hiện hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp này do Công ty Dịch vụ Sonadezi thuộc Tổng Công ty Sonadezi - cũng là đơn vị đảm nhận việc xử lý môi trường cho 11 khu công nghiệp của Sonadezi vận hành.
Theo ông Lê Văn Đức, Phó Chánh Thanh tra Sở TN&MT, hiện hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp này đang được nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý hóa lý, khử trùng... Tuy nhiên, hệ thống vẫn tiếp nhận một lưu lượng nước thải lớn, khoảng 9.300 m3/ngày đêm từ các công ty dệt nhuộm, hóa chất… “Trong lúc họ đang cải tạo thì C49 phát hiện. Bước đầu, Sonadezi thừa nhận đã xử lý nước thải chưa đạt tiêu chuẩn bởi không thực hiện đầy đủ các quy trình xử lý. Hiện kết quả phân tích mẫu nước thải chưa có nhưng tôi đánh giá rằng nước thải xả ra rạch không đạt tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, hệ thống ống xả thải không phải là ống ngầm được lắp đặt cho việc xả chui” - ông Đức nói.
Phản ánh liên tục nhưng không “xi nhê”
Theo ông Lê Viết Hưng, đây là doanh nghiệp lớn, do Bộ TN&MT cấp phép xả thải và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nên Sở chỉ có quyền kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Năm 2009, theo phản ánh của người dân, Sở TN&MT đã kiểm tra và nhận thấy các công tác bảo vệ môi trường cơ bản thì cũng chấp hành, “chỉ có một lần đó chúng tôi nhận được phản ánh từ người dân” - ông Đức nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Võ Văn Luật, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Tam An, cho biết năm 2006, từ khi khu công nghiệp này đi vào hoạt động, UBND xã liên tục nhận được các đơn thư phản ánh, tố cáo việc xả thải của khu công nghiệp này; đồng thời tại các lần tiếp xúc cử tri, người dân cũng đều có phản ánh. “Chúng tôi đều có báo cáo về huyện, tỉnh về tình trạng này nhưng tình hình vẫn không thay đổi”.
Theo bà Trần Thị Thu Hương (ấp 2, xã Tam An, huyện Long Thành), trong năm năm qua, người dân xung quanh khu công nghiệp phải gánh chịu sự ô nhiễm từ việc xả thải của khu công nghiệp này. Nghiêm trọng hơn, mỗi khi trời chuẩn bị mưa, nhân viên lại mở nắp cống dẫn nước thải ra rạch Vàm Mương (một nhánh của rạch Bà Chèo). “Mới đây, tôi bỏ cả triệu đồng ra mua 100 con gà về nuôi được vài bữa, đến khi chúng uống nước ở mương này thì lăn đùng ra chết. Ngoài ra, cứ đêm đến thì thở không nổi. Nhiều người già, trẻ em còn bị mắc bệnh hô hấp…” - bà Hương nói.
Tương tự, ông Trần Kim Ân (ấp 1, xã Tam An) cho hay trước đây nơi này là vùng đất nuôi vịt đẻ nhưng đến nay ở đây đã bị “tuyệt chủng”. Ông Nguyễn Văn Trai (ấp 2) cũng thông tin rằng các vườn cây nhạy cảm với thời tiết, nguồn nước như sầu riêng, măng cụt của gia đình chết hàng loạt một cách khó hiểu.
Ông Võ Văn Luật cho biết khoảng 500-700 ha vườn cây ăn trái của người dân địa phương đã bị ảnh hưởng nặng nề. Nghiêm trọng nhất là dọc theo các rạch Vàm Mương, Bà Chèo. “Việc C49 kiểm tra, bắt quả tang như vậy, người dân ở đây rất mừng”.
Nước vẫn đạt chuẩn, dân “tháo chạy” (?!)
Ngày 5/8, tại cửa xả thải của Khu công nghiệp Long Thành ở rạch Vàm Mương, cách khuôn viên khu công nghiệp khoảng 1 km, chúng tôi ghi nhận dòng nước của con rạch đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Vườn tược dọc rạch Vàm Mương, Bà Chèo nằm trong diện tích hàng trăm hecta xơ xác, chết khô; nước ở tám ao cá trong khu vực cũng bị ô nhiễm nặng.
Ông Nguyễn Văn Hải (ấp 1) cho biết trước đây có khoảng 20 chiếc đò làm nghề đánh bắt thủy sản tại các rạch này nhưng nay hầu hết đã bỏ nghề. Theo ông, do nguồn nước bị ô nhiễm nặng nên không còn một con cá, con tôm gì ở đây… Trước tình trạng ô nhiễm, bệnh tật phát sinh, nhiều hộ gia đình đã bỏ xứ đến nơi khác. Dù vậy, ông Nguyễn Hoàng Hùng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc chất lượng môi trường (Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai), đơn vị thường xuyên quan trắc chất lượng nước sông Đồng Nai, vẫn xác định nước ở khu vực này đạt chuẩn.
Theo ông Lê Viết Hưng, đặc thù của khu công nghiệp này là tiếp nhận nguồn nước thải từ các công ty hóa chất, dệt nhuộm nên khó xử lý đạt độ màu theo quy định. Chính vì đặc thù này, Tổng cục Môi trường cho lộ trình đến tháng 6/2012, khu công nghiệp phải xử lý màu đạt chuẩn. “Lẽ ra khi họ cải tạo hệ thống xử lý nước thải thì phải báo cáo với cơ quan chức năng, trong đó có Sở TN&MT. Họ đã không làm việc với các doanh nghiệp, đề nghị giảm lượng nước thải để phù hợp với khả năng xử lý của nhà máy”.
Tổng giám đốc Sonadezi: “Đang họp Quốc hội nên chưa biết rõ”
Bên lề hành lang Quốc hội chiều ngày 5/8, giới báo chí đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Thu Hằng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Sonadezi, cũng là ĐBQH.
Thưa bà, C49 vừa bắt quả tang nhà máy của Sonadezi xả thải vượt chuẩn ra môi trường. Bà đã biết việc này chưa và hướng xử lý của bà thế nào?
Hiện tôi đang họp Quốc hội ở Hà Nội nên chưa biết được cụ thể vụ việc. Nhưng về cơ bản, chủ trương của Sonadezi lúc nào cũng làm theo đúng quy định của pháp luật. Hiện công ty đang xem xét về mọi mặt để biết chi tiết cụ thể sau.
Nhưng khi công an phát hiện, công ty đã ký vào biên bản vi phạm?
Đến giờ này tôi chưa có thông tin đầy đủ nên chưa trả lời được.
Công ty đã báo cáo cho bà biết chưa?
Cái này có thể là công ty thành viên, vì thế có thể là tổng công ty sẽ báo cáo sau. Đến giờ này thì tôi chưa nhận được báo cáo chi tiết. Về nguyên lý thì lúc nào Sonadezi cũng làm theo đúng quy định của pháp luật.
Khi nào thì bà sẽ làm việc với các cơ quan chức năng?
Hiện tôi đang họp nên sau kỳ họp này tôi quay về và sẽ làm việc về vấn đề trên.
Nếu đúng là có sai phạm thì bà sẽ xử lý với đơn vị trực thuộc như thế nào?
Hiện nay tôi chưa biết thông tin cụ thể nên chưa thể nói được.
Thế còn thông tin một ngày xả đến 9.300 m3 nước thải không đủ tiêu chuẩn?
Tôi xin khẳng định một lần nữa là tôi đảm bảo Sonadezi không làm ăn gian dối.
Khi ra tranh cử Quốc hội, bà nói rằng sẽ bảo vệ môi trường, nay xảy ra vụ việc trên thì bà có thể nói gì?
Đấy là quan điểm nhất quán từ đầu đến cuối của tôi cũng như Sonadezi.
Xin cảm ơn bà. (Thành Văn) |
Trước đó các cơ quan chức năng đã nhiều lần phát hiện Sonadezi Long Thành xả thải vượt tiêu chuẩn:
Năm 2009, đơn vị này đã hai lần bị phát hiện và bị phạt tiền 17 triệu đồng/lần.
Năm 2010, Sở TN&MT tiếp tục ra quyết định xử phạt 31 triệu đồng.
Tháng 2/2011, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) lại lập biên bản và xử phạt 75 triệu đồng.
***
Hiện Sở TN&MT đang lập đề án lắp đặt hệ thống quan trắc tự động tại các họng xả thải của các khu công nghiệp trên toàn tỉnh. Trước mắt, tỉnh sẽ bỏ chi phí để lắp đặt ở các khu công nghiệp có tỉ lệ lấp đầy cao nhằm theo dõi chặt chẽ chất lượng nước thải sau xử lý.
Liên quan đến những thiệt hại của người dân, phải chờ kết luận của C49 mới có căn cứ đánh giá mức độ ảnh hưởng. Sở TN&MT sẽ quan trắc toàn diện ở khu vực để đánh giá tổng thể và đề xuất những biện pháp nhằm đảm bảo, bảo vệ quyền lợi của những người dân.
(Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai) |
Theo Minh Phong - Nguyên Lộc
Pháp luật TPHCM