1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ô nhiễm trên sông Đồng Nai: Do cả hai?

Đại diện 11 tỉnh, thành trong lưu vực sông Đồng Nai có cuộc họp cuối tuần qua để đánh giá diễn biến môi trường, tình hình triển khai đề án sông Đồng Nai. Tình trạng ô nhiễm của con sông này là mối nguy hiểm tấn công con người hằng ngày.

Trên lưu vực sông Đồng Nai có 103 khu công nghiệp, hàng chục cụm công nghiệp và khoảng 20 triệu người dân. Các nhà máy, nhà dân thải hàng triệu mét khối nước ra sông, phần lớn là nước chưa qua xử lý.

Trong hàng ngàn nhà máy, cơ sở sản xuất đang ngày đêm đổ nước thải và nhiều chất độc hại khác ra môi trường, xin được hỏi có được bao nhiêu đơn vị tự giác thực hiện xử lý nguồn nước thải đúng quy định? Có bao nhiêu bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở sản xuất nuôi trồng thủy sản có hệ thống xử lý nước thải? 

Nước thải sinh hoạt của người dân trong khu vực tính ra khoảng 2,7 triệu mét khối/ngày đêm  cũng chảy ra sông. Chưa kể mỗi ngày có hàng chục loại xe lén lút đổ nhiều loại chất thải khác nhau, kể cả phân hầm cầu, sông gánh hết.

Con người cư xử với sông như vậy nhưng không mấy ai nghĩ rằng mình đang uống nước từ dòng sông ấy. Thông tin từ cuộc họp trên cho biết, chỉ số N-NH4, COD trong nguồn nước sông Đồng Nai đều vượt mức cho phép. Điều này nói lên rằng, con người đang tự đầu độc chính mình.  

Bệnh nan y ngày càng phổ biến, trong đó có sự đóng góp của các loại chất độc có trong nguồn nước sông Đồng Nai!

Con người bệnh tật vì nguồn nước ô nhiễm, còn vật nuôi cây trồng thì chết ngay lập tức. Những khu vực có nước thải đổ ra trực tiếp, tôm cá không sống nổi. Nguồn nước ô nhiễm của sông Đồng Nai, sông Sài Gòn còn tấn công sang Long An, các hộ nông dân nuôi tôm dọc lưu vực sông là nạn nhân của ô nhiễm, thiệt hại được tính cụ thể bằng tiền, sau đó là sức khỏe, một thứ thiệt hại khó định lượng được.

Các doanh nghiệp đổ chất thải chưa qua xử lý ra sông là vì mục đích lợi nhuận, dù cho họ cũng biết rằng nguồn nước sông chứa các loại chất độc thì chính họ, con cái họ sẽ là nạn nhân.

Tuy nhiên, doanh nghiệp, người dân vì mục đích lợi nhuận, vì sự thiếu hiểu biết mà thờ ơ trước sự ô nhiễm của con sông là một chuyện, nhưng chính quyền thì dứt khoát không thể có thái độ như vậy. Nhưng bao năm qua, các con sông vẫn bị đầu độc, tình trạng ô nhiễm ngày càng tồi tệ hơn. Thực tế đó là do sự thờ ơ hay do trình độ quản lý, hay là do cả hai?

Lê Thanh Phong
Báo Lao động