Thẻ BHYT có thể khám chữa bệnh tại bất cứ viện nào: Cảnh báo nhiều hệ lụy
(Dân trí) - Chính phủ cho rằng hiện nay chưa thể thực hiện ngay việc người dân có thẻ BHYT có thể đi khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào mà không phải làm thủ tục chuyển tuyến.
Việc thông tuyến, chuyển tuyến trong khám chữa bệnh BHYT là một trong những nội dung lớn còn ý kiến khác nhau trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế.
Dự thảo luật này được trình Quốc hội sáng 24/10, trước khi đem ra thảo luận tại tổ.
Chưa thể thông tuyến toàn quốc
Theo đánh giá của Chính phủ, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Bảo hiểm Y tế đã phát sinh những vướng mắc, bất cập cần được điều chỉnh.
Về thông tuyến, chuyển tuyến, Luật quy định việc đăng ký cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu theo địa giới hành chính là phù hợp, nhưng chưa tạo điều kiện thuận tiện cho người dân.
Với dự thảo lần này, Chính phủ trình sửa đổi quy định mang tính chất "thông tuyến" huyện toàn quốc đối với các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu và cơ sở thuộc cấp cơ bản đã được phân tuyến huyện trước ngày 1/1/2025, thay vì chỉ "thông tuyến" huyện toàn quốc đối với bệnh viện tuyến huyện như luật hiện hành.
Dự thảo luật quy định trường hợp người bệnh được chẩn đoán xác định với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến thẳng cơ sở có chuyên khoa, năng lực chuyên môn kỹ thuật cao.
Chính phủ cho biết đã chỉ đạo Bộ Y tế cùng các cơ quan nghiên cứu giải pháp để người dân có thẻ bảo hiểm y tế có thể đi khám, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào mà không phải làm thủ tục chuyển tuyến, theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng trong giai đoạn hiện nay chưa thể thực hiện được ngay việc này, mà cần có giải pháp từng bước để giữ ổn định hệ thống khám, chữa bệnh; chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đặc biệt phải tăng cường năng lực, quan tâm đãi ngộ cho y tế cơ sở.
Do đó, trước mắt Chính phủ đã bổ sung một số giải pháp để tạo thuận lợi cho người dân và thiết kế phương án mở có lộ trình để Quốc hội xem xét.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng thêm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế được tự đi khám, chữa bệnh.
Cụ thể, trường hợp khám, chữa bệnh tại các cơ sở thuộc cấp cơ bản (trừ trường hợp cấp cứu, mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo); các cơ sở thuộc cấp khám, chữa bệnh chuyên sâu được phân tuyến tỉnh trước 1/1/2025, sẽ được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú và 50% chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, từ 1/7/2026.
Cảnh báo mất cân đối trầm trọng, quá tải bệnh viện tuyến trên
Ưu điểm của phương án này, theo Chính phủ, là người tham gia bảo hiểm y tế có thể tới bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh cấp cơ bản (tương đương tuyến tỉnh hiện nay) để khám, chữa bệnh và được hưởng 50% chi phí ngoại trú.
Tuy nhiên, theo Chính phủ, phương án này có nguy cơ mất cân đối trầm trọng hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh, tăng tình trạng quá tải tại các cơ sở thuộc cấp cơ bản, chuyên sâu đang là cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc một số cơ sở tuyến Trung ương.
Việc này cũng làm tăng khoảng cách chênh lệch về chuyên môn giữa các cấp chuyên môn, kỹ thuật, phá vỡ phân cấp chuyên môn và lệch trọng tâm nhiệm vụ cơ bản của từng cấp, chưa phù hợp với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh vừa được Quốc hội thông qua.
Về quyền lợi của người bệnh, quy định này có thể làm tăng thời gian chờ đợi khám, chữa bệnh tại các cơ sở do người bệnh có xu hướng đi nhiều lên cấp cao hơn.
Việc này cũng làm tăng lượt khám đối với các bệnh thông thường ở tuyến trên, ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh nhân nặng, nguy cơ lạm dụng chỉ định xét nghiệm, khám sức khỏe, chỉ định thuốc, quá tải công suất sử dụng thiết bị y tế, giường bệnh…
Đặc biệt, theo Chính phủ, quy định này có thể làm suy yếu hệ thống y tế cơ sở, giảm điều kiện hành nghề của nhân viên y tế, giảm phát triển năng lực khám, chữa bệnh…
Bên cạnh đó, việc này có thể làm phát sinh các chi phí trong khám, chữa bệnh, chi phí đi lại, sinh hoạt của người bệnh; lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đồng thời có thể tăng chi ngân sách để tăng bao cấp cho y tế cơ sở nhiều hơn mức cần thiết.
Cần đánh giá tác động kỹ lưỡng
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Xã hội ghi nhận dự thảo Luật đã mở rộng thêm một bước quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế khi "thông cấp khám bệnh, chữa bệnh". Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng cần đánh giá tác động kỹ lưỡng đến khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế cũng như tổ chức và hoạt động của hệ thống khám, chữa bệnh, trong đó có y tế cơ sở.
Dự thảo luật quy định người bệnh được tự đến cơ sở khám, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cơ bản hoặc chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo danh mục bệnh, kỹ thuật quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú.
Ủy ban Xã hội thấy rằng cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc việc cho phép thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh với bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao do phạm vi bệnh cần phẫu thuật và kỹ thuật cao tương đối rộng.
Đồng thời, cần quy định mang tính nguyên tắc về 2 nội dung này để Bộ trưởng Y tế có thể ban hành danh mục một cách minh bạch và bảo đảm khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.
Theo cơ quan thẩm tra, khi thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh như dự thảo Luật có thể làm tăng chi từ quỹ bảo hiểm y tế cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Vì vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, quy định các giải pháp để tiết kiệm, tránh lãng phí, như thực hiện hiệu quả việc liên thông kết quả xét nghiệm cận lâm sàng giữa các cơ sở khám chữa bệnh; hạn chế việc giữ bệnh nhân các ngày thứ bảy, chủ nhật đến thứ hai mới làm thủ tục ra viện; tăng cường hiệu quả, chất lượng khám, chữa bệnh, quản lý sức khỏe nhân dân tại cấp ban đầu.