1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thắt kiểm soát để chống bóp méo chính sách miễn giảm thuế

(Dân trí) - “Việc miễn giảm thuế không phải liều thuốc cải tử hoàn sinh nhưng sẽ giúp vực dậy doanh nghiệp lành mạnh. Vấn đề là kiểm soát để hỗ trợ đến được đúng đối tượng, đúng mục đích, để chính sách không bị “méo mó” – Chủ nhiệm UB kinh tế Hà Văn Hiền phân tích.

Giải pháp đề xuất của Chính phủ về việc miễn giảm giãn thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, thúc đẩy phát triển kinh tế 2011 được UB Thường vụ QH thảo luận với không ít quan điểm trái chiều.
 
Lo ngại về tính hiệu quả của phương án đề xuất miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp của Chính phủ, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt vấn đề nên chuyển sang cơ chế hỗ trợ trực tiếp, không nên đưa vào chính sách chung về thuế.

Theo bà Mai, việc kiểm soát thuế với người kinh doanh nhà ở, phòng trọ cho công nhân, sinh viên, người lao động thuê không đơn giản, giám sát “lời hứa” không tăng giá khi đã được miễn giảm thuế càng khó hơn. Miễn giảm thuế thu nhập cá nhân theo kiểu “động viên là chính”, không mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt cũng chưa thấy được tính hiệu quả của hỗ trợ.

Chủ nhiệm UB dân nguyện Trần Thế Vượng cũng lật lại vấn đề, khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp hiện tại là lãi suất quá cao chứ không phải gánh nặng thuế. “Làm như đề xuất là bắt mạch, phát hiện bệnh, nhưng kê đơn lại không đúng thuốc” – ông Vượng ví von.
 
Thắt kiểm soát để chống bóp méo chính sách miễn giảm thuế - 1
Biểu đồ diễn biến lãi suất thời gian qua.

Với chủ trương giảm thuế với người kinh doanh nhà trọ, nhà trẻ kèm điều kiện không tăng giá, ông Vượng cho rằng khó khả thi. Trước đây, đề xuất ưu đãi cho người xây nhà cho công nhân, sinh viên thuê đã không nhận được nhiều đồng tình vì ai cũng thấy trước khả năng quản lý không nổi. Chỉ riêng hiện tượng chủ nhà trọ thu tiền điện nước cao phi lý mà vẫn không làm gì được.

“Tôi vẫn không tin lắm chính sách này đến được với các đối tượng khó khăn cần hỗ trợ” – ông Vượng nói.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm UB pháp luật Nguyễn Văn Thuận bày tỏ: “Thực sự phân vân khi nói là ủng hộ chính sách này”. Ông Thuận cũng đánh giá, khó khăn của doanh nghiệp là việc tiếp cận nguồn vốn. Có tiếp cận được cũng không trụ nổi với mức lãi suất quá cao mà khi đã làm ăn được, có lãi thì mới tính đến thuế. Giảm thuế theo đó không phải là hướng giải quyết.

Chủ nhiệm UB Pháp luật đề nghị nên tính cách hỗ trợ khác. “Kê thuốc đã cho kháng sinh nhưng lại không đúng bệnh. Giảm thuế như này… không trúng vấn đề” – ông Thuận nhận định.

Nhìn ở góc độ khác, ông Thuận phân tích, so với năm 2010, ngân sách hiện hụt thu 11.100 tỷ đồng. Chính phủ có giải pháp nào để bù đắp thêm khoản 13.000 tỷ đồng, không phải là nhỏ so với ngân sách quốc gia nếu thực hiện chính sách này, trong khi mỗi địa phương kiếm thêm 1-2 tỷ đồng cũng khó.

Bỏ một “phiếu thuận” cho đề án, Chủ nhiệm UB kinh tế Hà Văn Hiền cho biết, đánh giá tại các địa bàn sản xuất trọng điểm của cả nước vừa qua có thể thấy tình hình các doanh nghiệp rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp còn trụ được 6 tháng qua là vì dư âm những chính sách cũ. Nhiều doanh nghiệp khác đã xin ngừng sản xuất để không phải nộp thuế nữa. Dự báo, 6 tháng cuối năm, thử thách càng thêm chồng chất.

Việc miễn giảm thuế, theo ông Hiền, không phải là liều thuốc cải tử hoàn sinh với doanh nghiệp đã “cận kề cái chết” nhưng sẽ giúp vực dậy những doanh nghiệp lành mạnh, tạo điều kiện cho đơn vị tiếp tục các dự án đầu tư của mình.

Gạt lo ngại về hậu quả hụt thu ngân sách, Chủ nhiệm UB kinh tế phân tích, chính sách miễn giảm thuế lần này “khuôn” trong khoản 13.000 tỷ đồng, trong đó có 7000 tỷ đồng là giãn thuế, sẽ thu lại vào năm 2012. Việc này sẽ ảnh hưởng không lớn tới mục tiêu thu ngân sách 2011.

Ông Hiền chỉ lưu ý khi triển khai thực hiện cần rút kinh nghiệm từ việc kích cầu năm 2009, tăng cường kiểm soát để hỗ trợ đến được đúng đối tượng, đúng mục đích, để chính sách không bị “méo mó”.
 
Thắt kiểm soát để chống bóp méo chính sách miễn giảm thuế - 2
Giảm thuế để người kinh doanh không tăng tiền nhà với sinh viên, công nhân thuê trọ.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh xác nhận, miễn giảm thuế là giải pháp tình thế được triển khai trong tình huống rất đặc biệt của 2011, biến động cấp tập xuất hiện. Theo ông Ninh, để mức suy giảm tăng trưởng quá lớn sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Việc giãn thuế đã được tính toán sẽ giải quyết một phần khó khăn cho doanh nghiệp. Đơn vị được giảm thuế sẽ có được khoản tiền chưa phải nộp này để quay vòng, đỡ một phần vốn phải đi vay ngân hàng. Còn việc miễn thuế cho người kinh doanh nhà trọ, nhà trẻ vừa qua đã thực hiện khá thành công ở TP.HCM, vận động được hầu hết các cơ sở giữ giá như năm 2010.

Về vấn đề lợi dụng chính sách như khi triển khai kích cầu năm 2009, ông Ninh khẳng định, có sai sót nhưng rất nhỏ, chỉ khoảng 1%. Kinh tế quý IV phục hồi với mức tăng trưởng gấp đôi quý I cũng có phần kết quả từ chính sách miễn, giảm, giãn thuế lúc đó.

Về lo ngại hụt thu ngân sách, Bộ trưởng Tài chính cho biết, 6 tháng đầu năm qua thu ngân sách được 55,1% với mức thu từ dầu thô tăng khá do giá bán cao hơn dự đoán 20USD/thùng. Giải pháp điều chỉnh chính sách thuế, đánh vào nhà giàu chứ ko phải nhà nghèo như tăng thuế nhập khẩu ô tô cá nhân, ngân sách cũng sẽ thêm được một chút…

P.Thảo