1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cho xây bể nước thải lên di tích lịch sử:

“Thất bại” lớn của Phú Thọ trong bảo tồn văn hóa!

(Dân trí) - Cả truyền thuyết và sử liệu khoa học đều chứng minh Làng Cả chính là kinh đô của nước Văn Lang xưa. Thực tế bản thân lãnh đạo tỉnh Phú Thọ biết đây là khu di chỉ quan trọng về “dựng nước và giữ nước” nhưng không hiểu sao vẫn cấp đất cho Miwon?

Trao đổi với báo chí vào chiều 6/10, ông Đặng Đình Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, năm 1970 trong khi san ủi mặt bằng để xây dựng Nhà máy Miến - Mì chính, tiền thân của Miwon bây giờ và khu Công nghiệp Việt Trì, đã phát lộ nhiều mộ cổ.

Đến năm 1976-1977, các nhà khảo cổ học đã tiến hành một đợt khai quật sơ bộ khu vực Làng Cả, rồi sau đó một quãng thời gian dài "ngủ quên" cho đến khi tái lập tỉnh (năm 1997), Phú Thọ mới tiếp tục thực hiện các dự án nghiên cứu thời kì Hùng Vương.

Nhiều hiện vật khảo cổ thu lượm được cùng với các hội thảo khoa học khẳng định Làng Cả chính là kinh đô của nước Văn Lang. Đến năm 2005, Sở Văn hoá Thông tin Phú Thọ chính thức làm hồ sơ trình Bộ Văn hoá - Thông tin xin công nhận là khu di tích lịch sử.

"Năm 2007 khu khảo cổ Làng Cả mới được nhà nước công nhận là di tích lịch sử quốc gia, thế nhưng từ cuối năm 2006 dự án Miwon mở rộng đã được UBND tỉnh phê duyệt" - ông Vượng cho biết thêm.

Nói như ông Vượng thì việc khu di tích lịch sử khảo cổ Làng Cả chỉ được xếp hạng sau khi dự án mở rộng Miwon đã được phê duyệt. Chính vì điều này mà nó không được bảo vệ bởi luật Di sản văn hoá.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì khu di tích khảo cổ Làng Cả được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) ra quyết định xếp hạng là khu di tích lịch sử cấp quốc gia từ ngày 22/8/2006.

“Thất bại” lớn của Phú Thọ trong bảo tồn văn hóa! - 1
  

Ông Đặng Đình Vượng (bên phải),
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ.

Thêm 1 dẫn chứng nữa, cũng theo ông Vượng, năm 2005 khi tiến hành khảo cổ lần 3, Sở Văn hoá - Thông tin khi đó đã làm hồ sơ trình Bộ Văn hoá Thông tin đề nghị công nhận Làng Cả là khu di tích lịch sử, thì có thể khẳng định: thời điểm đó lãnh đạo tỉnh Phú Thọ thừa biết đây là một khu khảo cổ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với dân tộc Việt Nam.

Thật ra, khi UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt cho Miwon mở rộng xây dựng hệ thống chứa nước thải vào một phần khu di tích lịch sử, lúc đó đã có rất nhiều ý kiến phản đối từ các sử gia, các cơ quan ngôn luận lúc bấy giờ cũng đã lên tiếng cảnh báo thế nhưng tất cả đều "thất bại" trước những quyết định cứng rắn của UBND tỉnh Phú Thọ.

Chưa hết, qua tìm hiểu của PV Dân trí về vấn đề cấp đất cho Miwon mở rộng nhà máy đã có biểu hiện hết sức "lạ lùng". Đó là khi Công ty Miwon xin mở rộng về cả 2 phía (phía Bắc (khu C) nằm trên một hồ nước của phường Tiên Cát, phía Nam (khu B) nằm trên một nửa hồ nước thuộc khu di tích Làng Cả) được UBND tỉnh phê duyệt xong thì Miwon xin trả lại phần đất ở phía bắc.

Ông Lee Doong Joon, Giám đốc Công ty Miwon nói, việc Miwon trả lại đất ở khu vực phía bắc vì đó là một hồ nước. Còn ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Miwon thì trả lời rất thực tế: Nếu mở ra hướng bắc, Miwon sẽ phải đến bù cho một số hộ dân và việc giải phóng mặt bằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Đề cập vấn đề này với ông Vượng là vì sao tỉnh không kiên quyết buộc Miwon mở rộng lên phía bắc để không xâm hại vào khu di tích, không lẽ vì tạo thuận lợi kinh tế cho Miwon mà tỉnh quên mất đó là một khu di tích lịch sử? Ông Vượng trả lời "cái này để tôi bàn lại với các cơ quan chức năng xem sao đã".

Một lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, vào thời điểm đó chúng tôi cũng có "đòi" phần đất này về khu di tích lịch sử Làng Cả nhưng không được UBND tỉnh chấp thuận vì những lí lẽ "cần cho sự phát triển kinh tế".

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí: Vì sao trong suốt quãng thời gian dài từ khi phát hiện ra Làng Cả là dấu tích của kinh đô Văn Lang xưa, các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ không lập phương án xin bảo tồn khu di tích? Vị lãnh đạo này chua chát thừa nhận: "Đây là một sự thất bại lớn trong vấn đề bảo tồn di tích lịch sử của tỉnh Phú Thọ".

Hồng Ngân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm