Hiện thực và truyền thuyết
Bến đò Chiểu Dương thuộc khu vực Làng Cả, phường Thọ Sơn, TP Việt Trì, 4h30 phút sáng trời mùa thu se lạnh! Chuyến đò đầu tiên cành cạch xé màn sương thu đưa các bà, các chị từ bên kia dãy núi Tam Đảo (huyện Ba Vì, Hà Tây cũ), gồng gánh những thứ rau, quả vượt sông Hồng mang sang thành phố Việt Trì bán.
Những tiếng gọi nhau í ới từ dưới mạn đò, những gánh hàng nặng trĩu trên đôi quang gánh cong hình cầu vồng, phần phật đè lên vai những “thân cò” nhỏ thó bước đi thoăn thoắt. Trong cánh phường buôn ấy có cả những người có điều kiện hơn, họ chở những sọt hàng trên xe máy, xe đạp.
Chuyến đò cuối cùng của một buổi chiều đưa họ vượt sông Hồng về với gia đình (ảnh: Hồng Ngân)
Từ những nét nhìn hiện thực, chúng tôi nhớ đến truyền thuyết kể rằng: “Vua đi mãi, đi mãi hết nơi này đến nơi khác mà chưa chọn được nơi nào để định đô. Cuối cùng đến một vùng đất, trước mặt hội tụ của 3 con sông, hai bên có Tản Viên, Tam Đảo chầu về, đồi núi gần xa, thế đất bày ra hình long chầu hổ phục... bốn bề cây cỏ xanh tốt. Vua cả mừng khen rằng, đây thực chất là đất họp muôn dân, thế đất vững bền có thể dựng nước được muôn đời và gọi tên là thành Phong Châu. Làng Cả nằm vào nội thành kinh đô Văn Lang xưa”. (*)
Sau ba lần tiến hành khai quật khảo cổ vào các năm 1974, 1976 - 1977 và năm 2005, với những hiện vật tùy táng được tìm thấy từ những ngôi mộ táng lớn kết hợp với tư liệu khoa học lịch sử khác, các nhà khoa học kết luận nơi đây chính là kinh đô Văn Lang - đất tổ của Người Việt.
Cho đến ngày nay dù trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, Làng Cả vẫn là nơi hội tụ đông vui, là nơi giao lưu buôn bán sầm uất của cư dân người Việt. Chỉ có điều, chẳng mấy ai có thể nhận ra đó là một khu Di tích lịch sử - kinh đô Văn Lang xưa.
Tan hoang kinh đô Văn Lang
Nằm trong thành phố Việt Trì, cách quốc lộ 2 chừng vài chục mét, khu Di tích lịch sử (DTLS) Làng Cả, ngoài cái cổng sừng sững được dựng lên trong dịp đón chứng nhận DTLS cấp quốc gia năm 2007 do Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) cấp tháng 8/2006, hiện vẫn còn nguyên vẹn, còn hầu hết những tấm biển khác thì nằm đâu đó xen kẽ với quán thịt chó, biển “WC”, có tấm biển đề “khu DTLS Làng Cả đã được xếp hạng cấp quốc gia” được cắm xuống ao nước đen xì, chữ còn, chữ mất. Xa xa những tấm biển di tích này là những bãi tập kết than, còn nhà máy Miwon sau khi được mở rộng, nhìn thực tế và trên bản đồ quy hoạch khu DTLS thì thấy rõ chỗ thò chỗ thụt tạo nên sự “lồi lõm” cho khu DTLS Làng Cả.
Bún thịt chó "xếp trên" DTLS. (ảnh: Hồng Ngân)
Được biết, khu DTLS Làng Cả đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt quy hoạch để bảo vệ từ tháng 3/2007, nhưng không biết vì lý do gì, trong khu di tích lại có những dịch vụ khó coi như vậy.
Tấm biển này có giá trị gì ?! (ảnh: Hồng Ngân)
Nếu UBND tỉnh Phú Thọ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch không có ngay những biện pháp tích cực để bảo vệ thì không biết khu DTLS đặc biệt quan trọng này sẽ đi về đâu?
Tranh thủ sự quản lí lỏng lẻo, thoải mái tập kết than.
(ảnh: Hồng Ngân)
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Doãn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ thừa nhận, cảnh quan môi trường của khu DTLS Làng Cả đang bị xuống cấp và do sự thiếu quan tâm chỉ đạo của chính quyền sở tại, các cơ quan chức năng. Tới đây UBND tỉnh sẽ chỉ đạo chính quyền sở tại, các cơ quan chức năng khẩn trương di dời các công trình làm xấu cảnh quan môi trường.
Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo phường Thọ Sơn cho biết, đến cuối năm 2008, chúng tôi sẽ cưỡng chế cho di dời toàn bộ những công trình đang vi phạm vào khu DTLS Làng Cả.
(*): Trích trong truyền thuyết Hùng Vương - Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Vĩnh Phú (cũ) xuất bản 1970 - trang: 42.
Hồng Ngân