1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Di tích lịch sử bị xâm lấn:

UBND tỉnh Phú Thọ “giải trình” thiếu thuyết phục!

(Dân trí) - Tại cuộc họp báo sáng 23/10, PV <i>Dân trí</i> đặt một số câu hỏi nhằm làm sáng tỏ việc khu di tích LS Kinh đô Văn Lang có bị xâm lấn hay không, nhưng đáp lại chúng tôi là những câu trả lời vòng vo, thiếu thuyết phục.

Ngày 23/10, UBND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức cuộc họp báo “giải trình” những vấn đề liên quan đến việc nhà máy Miwon gây ô nhiễm môi trường và việc UBND tỉnh đã cấp đất cho nhà máy Miwon mở rộng xâm lấn vào khu DTLS Làng Cả - Kinh đô Văn Lang cổ. Tham dự cuộc họp có bà Nguyễn Thị Kim Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, ông Phạm Bá Khiêm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc bảo tàng Hùng Vương, Phú Thọ.

“Né” sự can thiệp của Bộ

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Kim Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định diện tích đất mà UBND tỉnh giao cho nhà máy Miwon mở rộng để xây bể xử lí nước thải là hoàn toàn nằm ngoài vùng quy hoạch khu DTLS Làng Cả. 

PV Dân trí: Đầu năm 2006 UBND tỉnh Phú Thọ chuẩn bị cấp đất cho nhà máy Miwon mở rộng xây bể chứa nước thải nằm trên một phần diện tích đất của ao Làng Cả, theo tài liệu và ý kiến của các nhà khoa học phần diện tích đất này phải được nằm trong khu DTLS, vì nó chưa được khai quật. Lúc đó một số cơ quan ngôn luận, các nhà khoa học đã lên tiếng phản đối, nhưng UBND tỉnh vẫn kiên quyết cấp đất cho nhà máy Miwon mở rộng, vậy UBND tỉnh Phú Thọ đã xem xét vấn đề này như thế nào?

Ông Phạm Bá Khiêm, Phó giám đốc Sở VHTT và DL: Khu vực này chúng tôi đã cho tiến hành khai quật nhưng không tìm thấy hiện vật gì.

Vậy lúc đó các ông có lập báo cáo trình lên các cơ quan chức năng về vấn đề này để thẩm định không?

Chúng tôi không lập báo cáo về vấn đề này (ông Khiêm lúng túng).

Vào thời điểm UBND tỉnh Phú Thọ trình lên Bộ VHTT (cũ) đề nghị công nhận khu DTLS Làng Cả là DTLS cấp quốc gia, Công văn 186 của Cục Quản lí di sản Văn hóa (Bộ VHTT&DL) đề nghị Sở VHTT tỉnh Phú Thọ bổ sung diện tích ao ở phía tây nam vào khu vực 2. Vậy vì sao Sở VHTT lại bỏ phần ao này ra ngoài khu DTLS, để rồi UBND tỉnh cấp cho nhà máy Miwon mở rộng vào hơn một nửa của diện tích ao đó, phần còn lại sau này được thỏa thuận trả lại cho Sở VHTT đưa vào khu DTLS cần được bảo tồn. Tỉnh Phú Thọ giải thích sao về vấn đề này?

(Trước câu hỏi này, ông Phạm Bá Khiêm, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc bảo tàng Hùng Vương, đã trả lời vòng vo).

Dư luận có thể đặt câu hỏi, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ bỏ diện tích đất ao ra khỏi DTLS vào đúng thời điểm nhạy cảm như vậy, sau đó lại cấp cho nhà máy Miwon mở rộng. Liệu đây có phải là cách mà UBND tỉnh “né” được sự can thiệp của Bộ VHTT lúc bấy giờ?

(Câu hỏi của phóng viên Dân trí không nhận được câu trả lời).

Kinh đô Văn Lang sẽ là niềm kiêu hãnh trong tương lai

Phóng viên Dân trí dẫn chứng, Làng Cả là Kinh đô Văn Lang xưa. Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc bảo tàng tỉnh Phú Thọ phản bác: “Kinh đô Văn Lang thì phải có thành quách, giống như Hoàng thành Thăng Long, còn nói là Kinh đô Văn Lang thì “chỉ là truyền thuyết”. 

PV Dân trí: Trong các tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học mà chúng tôi từng đọc, trong tờ trình của UBND tỉnh Phú Thọ gửi lên Bộ VHTT (cũ), do bà Nguyễn Thị Kim Hải, Phó Chủ tịch kí khẳng định “khu di tích Làng Cả là Kinh đô Văn Lang xưa”, các nhà khoa học đều khẳng định “Kinh đô Văn Lang có thật trong lịch sử”. Là một nhà nghiên cứu khoa học, ông cho rằng “Kinh đô Văn Lang chỉ là truyền thuyết” vậy ông có ý định làm một đề tài nghiên cứu để phản bác lại những vấn đề này không?

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn: Nói đến việc nghiên cứu khu DTLS Làng Cả thì vẫn còn là câu chuyện dài. 

Trước khi kết thúc họp báo, bà Nguyễn Thị Kim Hải thừa nhận: “Khu DTLS đã được Bộ VHTT phê duyệt và chúng tôi đã lập dự án khoanh vùng bảo vệ, nhưng lại chưa được bảo vệ một cách nghiêm ngặt. Chúng tôi nghiêm túc nhận khuyết điểm... Sang đầu năm 2009, khu di tích này sẽ được xây tường bao quanh để bảo vệ, và chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng khu DTLS Làng Cả xứng tầm với tên gọi kinh đô Văn Lang”.

Chúng tôi, các cơ quan ngôn luận và dư luận hy vọng, đúng như lời bà Nguyễn Thị Kim Hải nói, khu DTLS Làng Cả - Kinh đô Văn Lang, nơi có nhiều dấu tích của Người Việt cổ, là cội nguồn của dân tộc, sẽ được bảo tồn đúng với tầm vóc của mình để trở thành niềm kiêu hãnh của người Việt Nam trong tương lai.

Hồng Ngân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm