1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thao thức Trà Leng

(Dân trí) - Điện không có, sóng điện thoại tất nhiên không, dọc đường đi chỉ thấy rừng và rừng, một màu xanh hun hút tầm mắt. Đôi chỗ bà con phát nương làm rẫy, những mảng đồi trọc cháy nham nhở bốc lên những cụm khói in lên nền trời tím thẫm loang lổ...

Thao thức Trà Leng - 1
Núi rừng Trà Leng
 
Từ TP Tam Kỳ, chúng tôi theo tỉnh lộ lên huyện vùng cao Nam Trà My, một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Quảng Nam. Con đường đầy những ổ trâu, ổ voi xóc đến lệch người. Cách thị trấn Tăk Por, thị trấn sầm uất nhất của miền tây Quảng Nam dưới chân đỉnh Ngọc Linh khoảng 10km, chúng tôi theo đường mòn rẽ vào xã Trà Leng, một trong những xã đặc biệt khó khăn của cả nước, nơi chưa có đường ô tô đi tới.
 
Thao thức Trà Leng - 2

Vượt núi vào làng

Cơn mưa rừng buổi chiều níu bước chúng tôi chậm lại một chút, nhưng từng đó chưa đủ để diễn tả hết những khó khăn khi đến trung tâm xã. Cơn mưa ban chiều làm con đường đất đỏ lầy lội hơn. Chúng tôi đành phải gửi xe lại bên ngoài và bắt đầu lộ trình đi bộ vào trung tâm xã cách đó khoảng 17 km. Sông Tranh mùa này cạn nước nên vượt qua những con suối không mấy khó khăn. Những tiếng nước đập vào ghềnh đá như càng tăng thêm nỗi nhọc nhằn cho những người mải miết lên miền đại ngàn. Những mái nhà thuộc khu tái định cư thủy điện sông Tranh nổi bật lên giữa núi rừng Trường Sơn bằng màu vàng của tường vôi, màu đỏ của mái ngói và những tiếng trẻ con bi bô trong những lớp học làm ấm hơn cái không gian thâm u của đại ngàn hiu hắt.

 

Điện không có, sóng điện thoại tất nhiên không, chúng tôi dù đã nhiều lần lên rừng xuống biển nhưng vẫn cảm thấy những vất vả tưởng chừng như không thể vượt qua nổi khi đến trung tâm xã. Dọc đường đi chỉ thấy rừng và rừng, một màu xanh hun hút tầm mắt. Có đôi chỗ bà con đồng bào thiểu số phát nương làm rẫy, những mảng đồi trọc cháy nham nhở bốc lên những cụm khói in lên nền trời tím thẫm loang lổ. Những gốc cây cổ thụ ven đường qua nhiều năm tháng nắng mưa đã phơi những dăm gỗ trắng xóa trên những vạt cỏ tươi non… Thi thoảng gặp những chú trâu, những chú bò cặm cụi gặm cỏ bên những triền đồi dốc, mới thấy cuộc sống nơi đại ngàn thật sự yên bình.
 
Thao thức Trà Leng - 3
 
Thao thức Trà Leng - 4
Những đứa trẻ ở Trà Leng

 

Chúng tôi đến trường THCS Trà Leng thuộc trung tâm xã, một trong những điểm trường khó khăn nhất tỉnh Quảng Nam. Chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, chúng tôi phải băng qua cầu treo để đến được ủy ban xã. Chiếc cầu treo được xây dựng từ những năm 1980 nên đã xuống cấp nghiêm trọng, tưởng chừng có thể đứt và rơi xuống vực sâu bất cứ lúc nào.

 

Đến trung tâm xã, chúng tôi được chào đón hết sức thân tình, gặp ông Nguyễn Thành Tiêu - Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng - trong một buổi chiều muộn khi ông đang cố gắng giải quyết đống hồ sơ còn tồn đọng trước mặt. Ông chia sẻ: “Xã Trà Leng hiện có gần 2.800 khẩu, phân bổ trên 11 điểm, thuộc nhiều làng ở cách nhau nhiều giờ đi bộ. Mỗi làng có chừng 15 đến 22 nóc nhà ngoại trừ khu vực trung tâm xã. Đời sống nhân dân vô cùng khó khăn do chưa có điện, giao thông vô cùng trắc trở, trình độ dân trí thấp, kinh tế nương rẫy là chủ yếu nên việc thiếu đói là thường xuyên. Mặc dù Đảng và nhà nước cùng với tỉnh cũng đã hỗ trợ và đầu tư rất nhiều, nhưng đời sống nhân dân vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu”.

 

Dẫn khách đến một vài điểm dân cư thuộc thôn 3, ông Lê Hoàng Việt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã băn khoăn: “Địa hình không mấy thuận lợi, nên ngoại trừ một số cư dân người Kinh lên làm kinh tế mới có đời sống tạm ổn định, còn lại đa số đống bào người M’nông, người Cơ Tu ở đây đều rất nghèo. Mỗi mùa một vụ, làm những công việc khác nhau nên người dân ở đây vẫn chưa cải thiện được đời sống là bao so với những năm về trước. Hiện tại, tại trung tâm xã đã có trường học, có trạm y tế, điện đã về đến nơi, nhưng vẫn chưa có đường, chưa có nước sạch, và vấn đề giải trí tinh thần còn vô cùng thiếu thốn”.
 
Thao thức Trà Leng - 5


Thao thức Trà Leng - 6


Thao thức Trà Leng - 7
Những điểm làng nghèo "rớt mùng tơi"

 

Hiện tại tỉnh đã đầu tư làm các công trình giao thông đến trung tâm xã nhưng vẫn chưa hoàn thành được bao nhiêu, nhiều đoạn không thể đi được bằng xe máy nên hàng hóa vẫn phải nhờ vào sức người mang vác là chính. Đường đến các buôn làng vẫn là một vấn đề vô cùng khó khăn. Vượt qua 4 giờ đồng hồ theo đường mòn, chúng tôi đến thôn 4, Trà Leng, già làng Đinh Văn Nhày chia sẻ: “Mong sao Đảng và nhà nước quan tâm hơn nữa, cho đời sống người dân tộc chúng tôi bớt khó khăn. Nhất là làm đường, đưa điện về các bản làng để người dân có thể tiếp cận được với những chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước, chứ như bây giờ thì khó quá. Mỗi khi có việc, đi đến xã mất cả ngày đường. mùa khô còn khó, huống gì mùa nước lũ… Người dân tộc ở đây còn khổ lắm, mỗi năm làm một vụ lúa, thu cũng chẳng được bao nhiêu. Có năm ăn sắn 3-4 tháng liên tục, không có muối, đôi khi bắt được con cá dưới suối, bẫy được con thú trên rừng thì cả làng chia nhau. Thỉnh thoảng có cán bộ về dưới xuôi cõng lên muối, gạo, cá khô cũng chia cho bà con cả…”.
 
Thao thức Trà Leng - 8
Già làng Đinh Văn Nhày (thứ 2 từ trái qua)

 

Tạm biệt xã vùng sâu Trà Leng, chúng tôi vẫn còn biết bao nhiêu những điều thao thức khắc khoải. Ở nơi  ấy, những người dân tộc M’nông, Cơ Tu vẫn đang mong ngóng những đổi thay dù chỉ là chút  ít, để người dân được thỏa lòng.

 

Bùi Hữu Cường