Thanh tra Đại học Ngoại thương: “Có biểu hiện bao che người có sai phạm”
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ khẳng định “có biểu hiện bao che người có sai phạm”, kết quả xử lý cán bộ ở Trường Đại học Ngoại thương về hình thức kỷ luật không tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2012 đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần nhận được đơn tố cáo, phản ánh về Trường Đại học Ngoại thương nhưng đến thời điểm hiện nay chưa có bất kỳ quyết định thụ lý giải quyết tố cáo nào của Bộ này.
Hình thức kỷ luật không tương xứng với tính chất, mức độ
“Bộ Giáo dục và Đào tạo không thụ lý, giải quyết đơn tố cáo thuộc thẩm quyền là không thực hiện quy định Luật Tố cáo 2011. Năm 2013, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành thanh tra các nội dung có liên quan đến nội dung tố cáo nhưng có nội dung chưa được xem xét, có nội dung xem xét không đầy đủ, có nội dung đã xem xét nhưng kết luận chưa đúng bản chất sự việc”- kết luận cho hay.
Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, việc xử lý trách nhiệm và xử lý kỷ luật sau khi có Kết luận số 548/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với người có vi phạm của Đại học Ngoại thương không đúng quy định tại Nghị định 34/2011 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
“Kết quả xử lý không khách quan, có biểu hiện bao che người có sai phạm trong đó: Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo né tránh trách nhiệm tổ chức kiểm điểm, xử lý. Tổ công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với lãnh đạo Đại học Ngoại thương thực hiện chưa đúng nhiệm vụ, đánh giá thiếu nhất quán, tham mưu không đúng quy định pháp luật”- cơ quan thanh tra kết luận.
Bộ Giáo dục và Đào tạo không thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét, kỷ luật đối với Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương là không đúng với Nghị định 34/2011 của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức. Kết quả kiểm điểm người chịu trách nhiệm về các sai phạm là ông Hoàng Văn Châu (Hiệu trưởng) và bà Đào Thị Thu Giang (Phó hiệu trưởng) chưa nhận khuyết điểm, trách nhiệm; kết quả xem xét không có ai phải chịu hình thức kỷ luật.
Cơ quan thanh tra đánh giá quá trình thực hiện kiểm điểm, xử lý vi phạm có trường hợp chưa đúng quy định về xử lý kỷ luật đảng viên. Kết quả kiểm điểm, xử lý thiếu khách quan, không công bằng.
So sánh các vi phạm cụ thể, trách nhiệm của từng cá nhân nêu trong Kết luận 109 của Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Hà Nội với Quy định 181-QĐ/TW/2013 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên thì kết quả xử lý nêu trên về hình thức kỷ luật không tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm.
Liên kết đào tạo với doanh nghiệp trái Luật Giáo dục
Việc thực hiện Dự án Mutrap III-FTU2, kết quả xác minh của đoàn thanh tra cho rằng Đại học Ngoại thương chi lương cho cán bộ số tiền gần 1,5 tỷ đồng không tuân thủ Điều kiện chung của Hợp đồng với EU.
Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu và Phó hiệu trưởng Đào Thị Thu Giang chủ trương thu lại tiền lương (trên 1,2 tỷ đồng) của các giáo viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế tham gia dựa án dự án không phải để sửa lỗi chi sai, không có sự tự nguyện của người nộp tiền, không đúng với quy định trong hợp đồng đã ký với người lao động.
“Không kết luận được cá nhân bà Đào Thị Thu Giang có thu, giữ khoản tiền nêu trên nhưng quá trình thu lại tiền thực hiện một cách không minh bạch và vi phạm quy định Luật Kế toán năm 2003”- kết luận nêu.
Trong khi thu lại tiền lương của những người làm quản lý tiểu dự án, Hiệu trưởng quyết định chi 221 triệu đồng phụ cấp cho cán bộ tham gia quản lý dự án Mutrap III trong đó có người được chi trả không có tên trong danh sách người quản lý dự án theo quyết định ban đầu càng làm tăng thêm bất bình đẳng trong trường, gây bức xúc cho người bị thu lại tiền lương.
Trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng phụ trách vật chất, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính giai đoạn 2010-2012 và Ban điều hành tiểu dự án Mutrap III-FTU2.
Cơ quan thanh tra cũng đã làm rõ nội dung tố cáo Đại học Ngoại thương liên kết đào tạo đại học tại chức với Tổng công ty xây dựng Hà Nội (Handico) là đơn vị không có chức năng đào tạo.
Kết quả xác minh cho thấy, năm 2007, Đại học Ngoại thương ký 3 hợp đồng liên kết đào tạo đại học tại chức với Handico, trong khi Handico không có chức năng đào tạo là trái với Luật Giáo dục 2005 quy định về vừa học, vừa làm.
Ngoài ra, Đại học Ngoại thương còn thỏa thuận giao cho Handico quản lý lớp học, thu học phí, cử cán bộ tham gia giảng dạy và có thể mời giáo viên giảng dạy các môn khi có sự đồng ý của Đại học Ngoại thương là không đúng quy định tại Điều 58 Luật Giáo dục 2005.
“Nội dung tố cáo là đúng. Trách nhiệm đối với các vi phạm này thuộc về Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo và Trưởng khoa đào tạo tại chức của Đại học Ngoại thương giai đoạn 2005-2010”-kết luận nêu.
Thế Kha