1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thanh tra Chính phủ: Cựu Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương thể hiện sự độc đoán

(Dân trí) - Trong thời gian dài các quy định về quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy định của Đảng không được thực hiện tại Trường Đại học Ngoại thương, thể hiện sự độc đoán của Hiệu trưởng trường này.

Ngày 5/3, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đã có thông báo Kết luận thanh tra việc giải quyết tố cáo một số nội dung về quản lý tài chính, đầu tư cơ sở vật chất và công tác cán bộ tại Trường Đại học Ngoại thương.

Ngoài việc chuyển hồ sơ để Cơ quan điều tra - Bộ Công an tiếp tục làm rõ, xử lý theo pháp luật việc để ngoài sổ sách số tiền 197.200 USD từ tháng 9/2006 đến tháng 5/2013 trong Chương trình liên kết đào tạo với Trung Quốc, có dấu hiệu tội "cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", Thanh tra Chính phủ còn phát hiện hàng loạt sai phạm khác.

Thanh tra Chính phủ: Cựu Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương thể hiện sự độc đoán - 1

Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Điểm tên lãnh đạo Đại học Ngoại thương chịu trách nhiệm

Kết quả thanh tra cho thấy, giai đoạn 2005-2015, Đại học Ngoại thương đã có nhiều vi phạm quy định trong quản lý đào tạo, quản lý mua sắm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, quản lý tài chính và công tác cán bộ.

Những vi phạm trong công tác quản lý tài chính, kế toán là nghiêm trọng, việc để ngoài sổ kế toán số tiền thu từ liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo của Trung Quốc, quản lý đầu tư tại Nhà A có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, quản lý đầu tư tại Nhà B vi phạm pháp luật phòng, chống tham nhũng.

“Đặc biệt trong thời gian dài các quy định về quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy định của Đảng không được thực hiện. Công tác đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ vi phạm quy định về quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thể hiện sự độc đoán của Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương. Những sai phạm trên là nguyên nhân chính gây ra bất bình trong cán bộ, viên chức và mất đoàn kết trong Ban giám hiệu của Đại học Ngoại thương nhiệm kỳ 2010-2015”- kết luận nêu rõ.

Giai đoạn 2015-2017, công tác cán bộ đã ban hành được Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm theo đúng quy định của Nhà nước, đã xây dựng được quy hoạch cán bộ thuộc thẩm quyền của Đại học Ngoại thương nhiệm kỳ 2015-2020, công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đã được thực hiện cơ bản đúng quy định tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp chưa đúng quy định về trình tự thủ tục.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, trách nhiệm của lãnh đạo Đại học Ngoại thương giai đoạn 2005-2015, trực tiếp là Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu, Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Quy, Phó Hiệu trưởng Đào Thị Thu Giang, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính và các cán bộ tham mưu khác đã được chỉ ra trong Kết luận thanh tra 548/2013 của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kết luận 109-KL/UBKTTU/2015 của Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội.

Vi phạm trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, xử lý kỷ luật giai đoạn từ 2015-2017 thuộc trách nhiệm của Hiệu trưởng, Trưởng phòng Tổ chức hành chính giai đoạn từ 2015-2017.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo thiếu trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra, giám sát, không sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các sai phạm về về tài chính, về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đặc biệt về công tác quy hoạch, quản lý cán bộ. Không tiến hành thụ lý, giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết theo quy định của Luật Tố cáo 2011; tiến hành thanh tra nhưng chưa xem xét, đánh giá toàn diện các nội dung phản ánh.

Ban cán sự Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2010-2015 thiếu trách nhiệm trong phối hợp với Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội trong xem xét, xử lý trách nhiệm cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý sau kiểm tra của Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà nội.

Thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh: Cục Thuế Hà Nội có trách nhiệm trong việc không xem xét đầy đủ việc thu, quản lý và thực hiện nghĩa vụ thuế của Đại học Ngoại thương trong liên kết đào tạo với Trung Quốc từ năm 2006-2010 là thực hiện không đầy đủ nội dung đơn tố cáo.

Ngoài ra, giai đoạn 2005-2015, Đại học Ngoại thương đã mắc nhiều sai phạm, quá trình giải quyết phản ánh, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền không kịp thời, có nội dung không khách quan; kết quả thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra sai phạm nhưng việc xử lý trách nhiệm không đúng quy định, thiếu khách quan, không công bằng là nguyên nhân chính dẫn đến tố cáo kéo dài.

Thanh tra Chính phủ: Cựu Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương thể hiện sự độc đoán - 2

Ông Hoàng Văn Châu (Ảnh: Phan Chính).

Cán bộ sai phạm sẽ bị kiểm điểm, kỷ luật?

Thanh tra Chính phủ kiến nghị các cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền xem xét, kiểm điểm trách nhiệm đối với Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2005-2015 trong việc lãnh đạo, quản lý để xảy ra các vi phạm tại Đại học Ngoại thương; kiểm điểm trách nhiệm trong việc kiểm tra, thanh tra, giải quyết tố cáo, xử lý kỷ luật tại trường này để tố cáo kéo dài.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội tổ chức kiểm điểm, xử lý đối với lãnh đạo Đại học Ngoại thương có vi phạm được nêu trong các kết luận kiểm tra, thanh tra trước đây nhưng kiểm điểm, xem xét trách nhiệm chưa khách quan.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý đối với các cá nhân có trách nhiệm trong việc tham mưu, quản lý về tài chính, đầu tư cơ sở vật chất, quản lý cán bộ, thanh tra, giải quyết tố cáo để xảy ra vi phạm.

Đối với các cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Đại học Ngoại thương, Thanh tra Chính phủ kiến nghị đối với những người mà đã kiểm điểm, xem xét trách nhiệm chưa khách quan cần được xem xét xử lý lại mới đảm bảo công bằng, kỷ cương, kỷ luật của Đảng, Nhà nước.

“Yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Đại học Ngoại thương kiểm điểm, xử lý đúng quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước”- cơ quan thanh tra nêu rõ.

Kiến nghị xử lý sai phạm về tài chính

Kết luận thanh tra cho biết, về nguyên tắc, khoản thu học phí cao hơn quy định năm học 2006-2007 và khoản thu hỗ trợ đào tạo từ năm học 2007-2013 số tiền gần 2,9 tỷ đồng trái với quy định và khoản thu tiền phạt chậm nộp học phí trái thẩm quyền chưa trả lại cho người nộp số tiền gần 1,4 tỷ đồng phải trả lại người nộp. Tuy nhiên thời gian thực hiện đã trên 5 năm, số lượng người nộp lớn, việc trả lại người nộp không thể thực hiện nên cơ quan thanh tra yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất với Bộ Tài chính để xử lý.

Yêu cầu Đại học Ngoại thương trả lại cho người thụ hưởng số tiền gần 492 triệu đồng thu của các giảng viên đi học theo Chương trình tiên tiến vì việc thu không có cơ sở pháp lý và khoản chi đã quyết toán với ngân sách nguồn chi Chương trình tiên tiến.

Ngoài ra, Đại học Ngoại thương đã vi phạm điều kiện của Hợp đồng tài trợ và đã bị EU xuất toán vì thế yêu cầu trả lại tiền của những người tham gia chương trình Mutrap III-FTU2 bị thu lại tiền lương là không thể thực hiện.

Thế Kha