Thanh tra Chính phủ công khai loạt vi phạm đất đai, xây dựng ở Nam Định
(Dân trí) - Tỉnh Nam Định phải tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm để xảy ra hàng loạt vi phạm, thiếu sót trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng và quản lý đất đai vừa được Thanh tra Chính phủ chỉ ra.
Ông Trần Ngọc Liêm - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ vừa ký văn bản thông báo Kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Nam Định trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng; quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng đất tại tỉnh Nam Định (giai đoạn 2015-2020).
Chưa xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng đã triển khai dự án
Qua thanh tra 6 dự án đầu tư xây dựng vốn ngân sách nhà nước, Thanh tra Chính phủ nhận thấy còn một số hạn chế, thiếu sót.
"Thường trực HĐND tỉnh Nam Định đồng ý chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mà không thông qua HĐND tỉnh; áp dụng hình thức quản lý dự án, bố trí nguồn vốn cho dự án chưa phù hợp; điều chỉnh, bổ sung dự án chưa phù hợp. Thực hiện chỉ định thầu một số gói thầu chưa đầy đủ về trình tự, thủ tục", kết luận nêu.
6 dự án thuê đất với tổng diện tích 1,77ha, chủ đầu tư dự án đã sử dụng đất nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất.
UBND tỉnh Nam Định chậm triển khai thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; cho Công ty TNHH MTV Phương Hiền thuê trên 512m2 đất tại thị trấn Cổ Lễ (huyện Trực Ninh) nhưng không thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất. Theo thanh tra, UBND tỉnh Nam Định đã chủ động khắc phục và ban hành quyết định thu hồi đất của công ty này, giao UBND huyện Trực Ninh quản lý theo quy định.
"Vẫn còn 17 doanh nghiệp được cổ phần hóa đang sử dụng khoảng 57,52ha đất chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý như lập, phê duyệt phương án sử dụng đất và ký hợp đồng thuê đất", Thanh tra Chính phủ thông tin.
Giai đoạn 2011-2015, có một số diện tích đất đã được UBND huyện/thành phố cho phép chuyển mục đích sử dụng nhưng không có trong kế hoạch sử dụng đất.
Giai đoạn 2015-2018, các huyện, thành phố (trừ UBND huyện Trực Ninh) đã cho phép các hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ đất ao vườn sang đất ở không có trong kế hoạch sử dụng đất.
"Có một số dự án sử dụng dưới 10ha đất lúa có văn bản chấp thuận của Thường trực HĐND tỉnh Nam Định nhưng không có Nghị quyết của HĐND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa. Ngoài ra còn có dự án đầu tư công xây dựng đường tỉnh lộ 489C đoạn từ nút giao Quốc lộ 21 cầu Lạc Quần đến cầu Sa Cao (huyện Xuân Trường) sử dụng 27,5ha đất trồng lúa nhưng chưa xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích đất lúa", Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ 3 dự án sử dụng đất có một số hạn chế, thiếu sót.
Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp Yên Dương xảy ra việc xác định tiền thuê đất theo phương pháp thặng dư của cơ quan chức năng còn nhiều lúng túng. Một số khoản doanh thu, chi phí của dự án được xác định chưa phù hợp. Chủ đầu tư Dự án hạ tầng Cụm công nghiệp Yên Dương đã xây dựng nhà điều hành, cụm bể nước thải trên ô đất hạ tầng kỹ thuật khi chưa được cơ quan chức năng bàn giao đất và tính tiền thuê đất.
Tại dự án đầu tư xây dựng nhà máy đóng tàu Thịnh Long (huyện Hải Hậu), UBND tỉnh Nam Định giao trên 825.257 m2 đất cho Công ty TNHH MTV Đóng tàu Thịnh Long thực hiện dự án thiếu thủ tục quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Chủ đầu tư không tổ chức lập, điều chỉnh dự án và điều chỉnh quy hoạch chi tiết khi diện tích đất dự án giảm còn trên 418.000 m2 theo quyết định của UBND huyện Hải Hậu, triển khai san lấp mặt bằng và đầu tư một số hạng mục vào năm 2007-2008 khi chưa được giao đất và cấp giấy phép xây dựng, chậm triển khai dự án từ năm 2013, không làm thủ tục điều chỉnh, gia hạn tiến độ thực hiện dự án.
"Để xảy ra các hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong công tác thanh tra, tiếp công dân, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng đất đai nêu trên thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực; Giám đốc, Phó giám đốc các sở ngành phụ trách lĩnh vực…", kết luận thanh tra nêu trách nhiệm.
Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm hình sự thì chuyển cơ quan chức năng
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc 17 doanh nghiệp được cổ phần hóa khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý về đất đai, yêu cầu chủ đầu tư 6 dự án chậm ký hợp đồng thuê đất thực hiện việc ký hợp đồng thuê đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất từ khi được giao đất. Việc rà soát, truy thu tiền thuê đất không được để thất thoát ngân sách và phải có hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan.
Nam Định cũng phải xác định lại vị trí thửa đất để tính tiền thuê đất đối với 2 dự án (Dự án sản xuất tôn xốp và kinh doanh vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Dụng Lan, xã Trung Thành, huyện Vụ Bản; Dự án Mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thương mại hỗn hợp Nam Hải Minh của Công ty CP Nam Hải Minh, xã Nam Vân, TP Nam Định và xã Nghĩa An, huyện Nam Trực) đã được xác định chưa đúng; truy thu phần chênh lệch khi xác định lại tiền thuê đất, không để thất thoát ngân sách.
Chỉ đạo chủ đầu tư làm việc với nhà thầu thi công xây lắp giảm trừ khối lượng thanh toán, giá trị hợp đồng số tiền không đúng quy định tạm tính, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp đường Thành- Xá, huyện Ý Yên trên 127 triệu đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp khẩn cấp tuyến đường phòng chống lụt bão, đảm bảo an ninh quốc phòng từ Quốc lộ 38B đến đường Chợ Lời- Đại Thắng đi đê Hữu Hào số tiền trên 2,57 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp khẩn cấp tuyến đê tả sông Đào, huyện Nghĩa Hưng số tiền trên 2,7 tỷ đồng.
Yêu cầu chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy nộp ngay tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa với số tiền tạm tính trên 2 tỷ đồng.
Cục Thuế tỉnh Nam Định yêu cầu 106 tổ chức, cá nhân nộp tiền thuê đất còn nợ trên 24,3 tỷ đồng, tiền chậm nộp tiền thuê đất trên 2,2 tỷ đồng.
"UBND tỉnh Nam Định tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền được phân cấp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Đồng thời chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các thiếu sót, vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra".
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có ý kiến về kết luận thanh tra này. Trong đó giao UBND tỉnh Nam Định và các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Tiếp công dân định kỳ chưa đầy đủ
Kết luận thanh tra cho hay, Chủ tịch UBND các cấp, sở, ngành ở Nam Định chưa thực hiện tiếp công dân định kỳ đầy đủ, vẫn tồn tại việc ủy quyền, phân công cho cấp phó tiếp.
Công tác phối hợp trong tiếp công dân còn chưa kịp thời. Việc mở sổ, ghi chép tại sổ tiếp công dân còn chưa đầy đủ thông tin. Một số cơ quan, đơn vị chậm hoặc chưa sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế tiếp công dân theo Luật Tiếp công dân năm 2013.