Bắc Giang, Hưng Yên "không có điểm" trong việc tiếp công dân năm 2021
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ nêu rõ, trong năm 2021, một số nơi việc tiếp công dân còn sơ sài, như Bắc Giang và Hưng Yên không có điểm; Đắk Nông tiếp công dân được 1 lần trong năm…
Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo tổng hợp đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2021 (PACA INDEX 2021).
Báo cáo này dựa trên cơ sở điểm tự chấm và tài liệu minh chứng, cho thấy điểm trung bình công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh trong năm 2021 đạt 62,12 điểm trên thang điểm 100 (trong đó, điểm xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng chống tham nhũng là 20 điểm; thực hiện biện pháp phòng ngừa tham nhũng 30 điểm; phát hiện và xử lý tham nhũng 40 điểm; thu hồi tài sản tham nhũng 10 điểm).
Kết quả cho thấy, trong năm 2021 điểm phòng chống tham nhũng giảm, một số địa phương vẫn tiếp tục duy trì kết quả khá tốt như Quảng Ninh, TPHCM, Thanh Hóa. Trong khi đó, một số địa phương khác không giữ được kết quả khả quan, đạt điểm thấp hơn nhiều như Hà Tĩnh, Bình Định, Lai Châu, Hòa Bình, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Đình, Quảng Bình và Khánh Hòa.
Một số địa phương chưa có dấu hiệu nỗ lực cải thiện kết quả đánh giá công tác phòng chống tham nhũng như Bạc Liêu, Yên Bái, Bến Tre, Đắk Lắk.
Tiếp công dân sơ sài, "không có điểm"
Năm 2021, việc phát hiện và xử lý tham nhũng chưa đạt kết quả khả quan khi chỉ đạt gần 47% yêu cầu (thấp hơn năm 2020 - gần 53%). Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản tham nhũng có chiều hướng chuyển biến tích cực khi tăng ở mức hơn 60% yêu cầu (cao hơn năm 2020 - 57%).
Cụ thể hơn, Thanh tra Chính phủ cho biết, trong công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật, hầu hết các địa phương trên cả nước đã triển khai rất tốt - đây cũng là nội dung đạt điểm cao nhất. Tuy nhiên vẫn còn 4 địa phương chỉ đạt điểm dưới mức trung bình 50% trên thang điểm 20 là Đắk Lắk, Cà Mau, Cao Bằng, Phú Yên.
Việc tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh có điểm trung bình là 1.37/2 điểm, đạt trên 68,6% so với yêu cầu (tăng đáng kể so với năm 2020).
"Trong bối cảnh năm 2021 đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, kết quả này cho thấy nỗ lực nghiêm túc hơn của lãnh đạo địa phương trong việc tổ chức, lắng nghe, đối thoại và xử lý trực tiếp đối với các nguyện vọng của người dân", Thanh tra Chính phủ đánh giá.
Dù vậy, báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng đề cập đến một số nơi việc tiếp công dân còn sơ sài, như Bắc Giang và Hưng Yên không có điểm; Đắk Nông tiếp công dân được 1 lần trong năm; các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa tiếp công dân được 2 lần trong năm 2021.
10 địa phương điểm cao nhất trong công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ nhận định, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng năm 2021 nhìn chung chưa có nhiều chuyển biến tích cực so với năm trước, khi điểm trung bình chỉ đạt 19,23/30.
Địa phương thực hiện tốt nhất việc này là Hậu Giang đạt gần 25 điểm, cao gấp đôi so với địa phương có kết quả thấp nhất là Đắk Lắk đạt hơn 12 điểm.
Năm 2021, kết quả chung của công tác phát hiện và xử lý tham nhũng chỉ đạt gần 19/40 điểm. Chênh lệch điểm giữa địa phương cao điểm nhất (Quảng Ninh, hơn 28 điểm) và địa phương thấp điểm nhất (Lai Châu, 5 điểm) tương đối lớn.
"Điều đó cho thấy giữa các địa phương có mức độ thực hiện không đồng đều và thiếu ổn định so với các mặt khác của công tác phòng chống tham nhũng", cơ quan thanh tra nêu.
10 địa phương có điểm cao nhất trong công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đạt mức yêu cầu dao động từ gần 62 đến hơn 70% gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Hưng Yên, Quảng Nam, Phú Yên, Cà Mau, TPHCM, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh.
Trong khi đó, 2 địa phương có kết quả thấp nhất là Lai Châu (12,5%) và Trà Vinh (hơn 22%).
Các địa phương nằm trong nhóm điểm thấp nhất còn lại là Cần Thơ, Gia Lai, Đồng Tháp, Hà Giang, Lâm Đồng, Bến Tre, Bình Thuận, Khánh Hòa (mức độ đạt yêu cầu dao động từ hơn 29 đến gần 34%).