Thành phố Huế trực thuộc Trung ương: Quyết định mang tính lịch sử

Hoa Lê

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Nội vụ, kỳ này Quốc hội xem xét quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Đây là quyết định mang tính lịch sử để có thêm thành phố đặc trưng, đặc thù.

Tổ chức chính quyền đô thị ở Hải Phòng có điểm gì khác biệt?

Tại buổi họp tổ sáng 31/10 về tổ chức chính quyền đô thị của thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cả nước đã có 3 mô hình tổ chức chính quyền đô thị là Hà Nội với tư cách thành phố thủ đô có mô hình đặc thù riêng và TPHCM, Đà Nẵng.

Việc tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng cơ bản thực hiện theo đúng mô hình của TPHCM, Đà Nẵng, tuy nhiên có một số khác biệt.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu những điểm tương đồng như quyết định chuyển chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố cho cơ quan khác, thành lập đơn vị sự nghiệp công thuộc UBND thành phố.

Quy định về ủy quyền của chủ tịch UBND thành phố cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác, thành phố Thủy Nguyên áp dụng tương tự thành phố Thủ Đức.

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương: Quyết định mang tính lịch sử - 1

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Gia Hân).

"Quan điểm của Trung ương, Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ tập trung phải phân cấp, phân quyền nên trong những nội dung này nên thực hiện triệt để phân cấp", Bộ trưởng Trà nhấn mạnh.

Điểm khác biệt, theo nữ bộ trưởng, là quy định về trách nhiệm của HĐND thành phố Hải Phòng.

Liên quan đến thành phố Thủy Nguyên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, thành phố này sẽ trở thành trung tâm hành chính mới và trung tâm kinh tế xã hội của Hải Phòng, tương lai sẽ là trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ, công nghệ để thay thế trung tâm hành chính hiện nay.

Liên quan đến số lượng các chức danh, bà Trà cho biết sẽ cân nhắc đảm bảo phù hợp trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Tới đây sẽ tiếp tục thúc đẩy, thực hiện rất quyết liệt việc sắp xếp đơn vị cấp huyện, xã cũng như các cơ quan, đơn vị trong hệ thống.

TP Huế trực thuộc Trung ương: Quyết định mang tính lịch sử

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Chính trị đã có nhiều chủ trương, định hướng phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đủ sức, đủ điều kiện để có thể sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Bên cạnh nhiều nghị quyết cho việc xây dựng, thực hiện chủ trương này, theo bà Trà, kỳ này Quốc hội xem xét quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Đây là quyết định mang tính lịch sử để có thêm thành phố trực thuộc Trung ương rất đặc trưng, đặc thù.

Từ đó, thành phố này góp phần làm cho hệ thống đô thị trực thuộc Trung ương thêm đa dạng, phong phú.

Bộ trưởng Nội vụ khẳng định, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã chín muồi, hội tụ đầy đủ những yếu tố.

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương: Quyết định mang tính lịch sử - 2

Một góc thành phố Huế (Ảnh: Vi Thảo).

Thành phố Huế có tiêu chí đặc thù là thành phố di sản nên áp dụng 2 tiêu chuẩn thu nhập bình quân đầu người hằng tháng và tiêu chuẩn số lượng đơn vị hành chính đô thị của địa phương.

"Chỉ trong 1-2 năm nữa thành phố Huế sẽ đạt 5/5 tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương", bà Trà kỳ vọng.

Tuy nhiên, bà Trà lưu ý những thách thức đối với thành phố Huế trực thuộc Trung ương rất lớn như còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội, số đơn vị hành chính cấp huyện còn là nông thôn...

Về giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trà cho hay, chắc chắn sẽ có đánh giá lại và sớm đề nghị với Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, đảm bảo "đúng như là một cái áo toàn diện, đầy đặn và đủ sức để có thể hội nhập".