1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Thanh Hóa lệnh khẩn cấp bảo tồn di tích "mẹ bồng con" nhiều lần bị sét đánh

Trần Lê

(Dân trí) - Hòn Vọng Phu, ở phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa, nhiều lần bị sét đánh gây sạt lở, tỉnh Thanh Hóa đã có lệnh khẩn cấp bảo tồn, gia cố di tích này.

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp bảo tồn, gia cố di tích Hòn Vọng Phu, thuộc Cụm Di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (núi Nhồi), phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư công trình.

Thanh Hóa lệnh khẩn cấp bảo tồn di tích mẹ bồng con nhiều lần bị sét đánh - 1

Hòn Vọng Phu nằm ở địa bàn phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa (Ảnh: Quách Tuấn).

Mục tiêu đầu tư là đưa ra giải pháp bảo tồn, gia cố, gia cường bảo đảm sự bền vững và ổn định của di tích Hòn Vọng Phu; tạo độ cứng ổn định, chống đỡ được các chuyển dịch dưới bất cứ tác động nào của thời tiết, môi trường xung quanh.

Phương án bảo tồn, gia cố là khoan rút lõi, cấy thép gia cố và chèn vữa Sika (một loại vữa chống thấm gốc xi măng, được làm từ các chất phụ gia mang hoạt tính chống thấm).

Theo đó, di tích Hòn Vọng Phu sẽ được gia cố, gia cường bằng các sợi thép được chèn vữa Sika, gia cố dọc theo phương đứng của di tích; thiết kế hệ thống các đường ống khoan rút lõi từ đỉnh di tích Hòn Vọng Phu, bố trí các cốt thép trong đường ống và lấp đầy bằng vữa không co ngót Sika.

Dự án có tổng mức đầu tư không quá 17 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Thanh Hóa, hoàn thành trước 30/4/2025.

Thanh Hóa lệnh khẩn cấp bảo tồn di tích mẹ bồng con nhiều lần bị sét đánh - 2

Chính quyền địa phương dựng biển cấm khai thác đá dưới chân Hòn Vọng Phu (Ảnh: Quách Tuấn),

Tỉnh Thanh Hóa giao các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu, bố trí nguồn vốn; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư sớm triển khai thực hiện và hoàn thành dự án theo quy định; thường xuyên thực hiện công tác quản lý nhà nước, đảm bảo việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo đúng quy định...

Nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 3km, núi Nhồi còn có tên gọi khác là núi Khế, núi An Hoạch, Nhuệ Sơn hay núi Vọng Phu, thuộc phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa (trước đây là địa phận 2 xã Đông Hưng và Đông Tân, huyện Đông Sơn).

Trên đỉnh núi Nhồi có một trụ đá sừng sững mà người dân vẫn thường gọi là Hòn Vọng Phu, cao khoảng 20m.

Theo truyền thuyết về Hòn Vọng Phu, từ thuở xa xưa, có một đôi vợ chồng nghèo khó nhưng hết mực yêu thương nhau. Một ngày nọ, họ nghe nói về loài cỏ quý có thể đổi được bạc, vàng. Vì không muốn vợ con chịu cảnh khổ cực, người chồng đã lên đường đi tìm cỏ quý.

Nhiều năm trôi qua, không thấy chồng trở về, người vợ bèn bồng con trèo đèo, vượt suối tìm chồng. Đến một ngày, người mẹ bồng con tìm đến ngọn núi cao với hy vọng đứng từ đây sẽ thấy người chồng yêu quý. Thế rồi, người phụ nữ bồng con đứng trên đỉnh núi, mặt ngoảnh ra biển Đông, đợi chồng đến hóa đá ngàn năm…

Hòn Vọng Phu đã nhiều lần bị sét đánh. Lần gần đây nhất vào tháng 6/2022, sét đã đánh trúng Hòn Vọng Phu, gây sạt lở khối đá với kích thước 1x3m (phía Tây) và khối đá kích thước 2,5x3m (phía Đông).

Di tích thắng cảnh Hòn Vọng Phu cùng một số di tích khác nằm trong Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch như: Chùa Tiên Sơn (tức chùa Quan Thánh), Chùa Hinh Sơn (tức chùa Thánh Mẫu), Đình Thượng (còn gọi là đình Bốn Ban), Lăng Quận Mã (hay lăng Lê Trung Nghĩa) đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia năm 1992.