Thăng Long - Hà Nội từ Lý Thái Tổ đến Hồ Chí Minh
(Dân trí) - 1.000 năm trước, mùa thu năm 1010, Lý Công Uẩn sau khi lên ngôi sáng lập vương triều Lý, đã ban “Chiếu dời đô” từ kinh đô Hoa Lư về lập đô mới ở thành Đại La. Tương truyền, khi thuyền ngự vừa cập dưới chân thành thì rồng vàng xuất hiện.
Coi đó là điềm lành, nhà vua đã đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long. Từ buổi đó, “Thăng Long - Rồng bay” đã đi vào lịch sử dân tộc, trở thành biểu tượng của một dân tộc anh hùng mà nhân hậu “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”, trở thành nỗi khát khao của bao thế hệ con dân nước Việt.
Hồ Gươm
“Ai về ải Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ thủa mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”
(Huỳnh Văn Nghệ)
Thăng Long - Hà Nội miền đất cổ
Vùng đất Thăng - Long Hà Nội được hình thành cùng với lịch sử tiến hóa của vỏ trái đất, kinh qua nhiều giai đoạn tiến hóa khác nhau, trải bao lần biển tiến - biển lùi, bao phen “bãi bể nương dâu”… để có được “hình hài” như ngày nay.
Theo “Thần núi Rốn Rồng - thánh sông Tô Lịch” trích trong cuốn “Kể chuyện ngàn xưa Thăng Long - Hà Nội” của Nhà xuất bản Hà Nội xuất bản và phát hành nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội thì: “vào khoảng đầu Công nguyên, một nhóm người Việt cổ đi dọc dòng sông Mẹ, tìm chỗ định cư giữa đồng bằng lầy lội. Từ xa đã thấy núi Rốn Rồng nhô cao, lại có một nhánh sông Mẹ uốn quanh chân núi, vừa tiện đường thủy để đi lại vừa có nguồn nước mát để ăn uống, họ quyết định lập làng”.
Người già làng đầu tiên đứng đầu “hương Long Đỗ” họ Tô tên Lịch. Là người nhân hậu, tử tế, nên già được dân hương tôn kính. Đến khi “trăm tuổi” thường hiển linh phù hộ dân làng. Dòng sông quanh co uốn khúc quanh hương Long Đỗ được gọi là sông Tô Lịch. Đất lành chim đậu, thời gian thấm thoắt đưa thoi, người đến sinh cơ lập nghiệp bên dòng sông Tô mỗi ngày mỗi đông.
Năm 544, sau khi dựng cờ khởi nghĩa đánh thắng quân xâm lược nhà Lương, Lý Bí tự xưng là Nam Việt Đế, đặt niên hiệu là “Thiên Đức” và đặt tên nước là Vạn Xuân. Năm sau, Lý Nam Đế cho xây dựng một tòa thành bên dòng sông Tô Lịch gọi là “Tô Lịch Giang thành”.
Tuy tòa thành được dựng chủ yếu chỉ bằng gỗ, và tre nứa, song, đó là tòa thành kiên cố đầu tiên của cư dân Thăng Long xa xưa. Lý Nam Đế cũng chính là người đầu tiên trong lịch sử chọn mảnh đất ven dòng Tô trong xanh để xây dựng trung tâm quyền lực đầu tiên của nước Việt.
Sử sách ghi chép lại thì, vào năm, 824 Lý Nguyên Gia đắp một cái thành nhỏ gọi là La Thành bên dòng Tô Lịch. Năm 866 Cao Biền (người nhà Đường sang cai quản Giao Châu) đã cho đắp lại thành lớn hơn và gọi là thành Đại La. Bốn mặt thành dài 1.982,5 trượng (6,6km); cao 2,6 trượng (8,67m). Bên ngoài đắp một con đê dài 2.125,8 trượng (7,09 km) bao bọc thành… Bên trong Cao Biền cho làm 55 lầu vọng địch, 6 úng môn, 3 hào nước, 34 đường đi; dựng 400.000 nóc nhà cho dân ở. Thành Đại La do Cao Biền quy hoạch chính là địa điểm mà vị vua đầu triều nhà Lý nhắm tới trong kế koạch thiên đô của mình.
Thăng Long - Hà Nội “nơi thắng địa”
Vị vua sáng lập vương triều Lý sau khi đăng quang, đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của kinh đô - đầu não chính trị - đối với vận mệnh của đất nước nói chung và với vương triều nói riêng. Ngài cho rằng: Hoa Lư - kinh đô của hai triều vua Đinh và vua Lê đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nền độc lập, tự chủ của dân tộc trong buổi đầu dựng nước. Đã góp phần “kháng Tống bình Chiêm” thắng lợi, dẹp yên cát cứ, thu non sông về một mối.
Nay, vận nước đã chuyển, trước yêu cầu mới của lịch sử thì, “thành Hoa Lư ẩm thấp, chật hẹp”, không hội đủ điều kiện để phát triển kinh tế, văn hóa, bang giao với các nước. Điều đó khiến nhà vua ngày đêm trăn trở. Quyết định tìm đất định đô mới cứ lớn dần, chín dần, cho đến một ngày nhà vua ban “Chiếu dời đô”.
Việc thiên đô ra thành Đại La, mảnh đất nằm giữa ba con sông gần quê hương Cổ Pháp của Ngài là một sự lựa chọn sáng suốt của vị vua anh minh, có ý nghĩa lớn lao trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.
Sử gia Ngô Thì Sĩ trong “Đại Việt sử ký tiền biên” đánh giá rất cao: “Đất Long Đỗ là nơi Cao Biền đóng đô ở đấy, núi Tản Viên chống vững một cõi, sông Phú Lương như hào trời sinh ra, ngàn dặm bằng phẳng trăm họ giàu có, phía Tây thông với Sơn Tây, Tuyên Hưng, phía Bắc thấu đến Ninh Sóc, Kinh Bắc. Miền đông nam thì vận chuyển bằng thuyền, miền Cần Xương thì liên lạc bằng Trạm, là nơi trung tâm của nước, bốn phương chầu về, núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiểm, rộng mà dài, có thể làm cho nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền. Hình thế nước Việt thật không nơi nào hơn được nơi này” và “Lý Thái Tổ lên ngôi, chưa vội làm việc khác, mà trước tiên mưu tính việc định đô… Xét về sự quyết đoán sáng suốt, mưu kế anh hùng, thực những vua tầm thường không thể theo kịp”.
Ý tưởng thiên đô là một quyết định quan trọng bậc nhất trong cuộc đời của Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn. Đó là một yêu cầu tất yếu của lịch sử, phù hợp với lợi ích của dân tộc. Ngài tìm nơi định đô bởi muốn tìm “kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”, để “mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu” và thành Đại La đô cũ của Cao Vương chính là “chốn hội tụ của bốn phương”, là “trung tâm” của trời đất.
Thuở đó, Thăng Long được giới hạn bởi ba con sông. Phía Đông là sông Hồng, phía Bắc là sông Tô và phía Nam là sông Kim Ngưu với hàng trăm hồ lớn nhỏ bao bọc. Khu Hoàng thành được nhà Lý quy hoạch gần hồ Tây, với tám điện ba cung. Đó là trung tâm quyền lực chính trị, cũng là nơi sinh hoạt của hoàng gia.
Triều Lý và các triều Trần, Lê… đã quan tâm xây dựng, kiến thiết kinh đô Thăng Long một cách khoa học, bài bản. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thì, “vào thời điểm cách ngày nay 1.000 năm mà một vị vua Việt Nam đã xây dựng thành lũy như vậy có thể sánh ngang các vị vua của Châu Âu cùng thời”.
Dưới thời Lý - Trần - Lê… Thăng Long trải bao phen binh lửa, vẫn vững vàng ngẩng cao đầu, vẫn hiên ngang và kiên cường cùng dân tộc “phá Tống, bình Nguyên, diệt Minh, đạp Thanh” làm nên những chiến thắng rực rỡ. Năm tháng qua đi, các triều vua nối tiếp nhau trị vì, Thăng Long vẫn được chọn là kinh đô của cả nước. “Nơi thắng địa” này ngày một phát triển, mở mang, sầm uất, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao… của dân tộc.
Thế kỷ thứ XVII, Thăng Long - Kẻ Chợ còn là nơi giao lưu buôn bán tấp nập, có quan hệ ngoại thương với nhiều quốc gia trong khu vực và thế gới. Năm 1831, Minh Mạng (Nhà Nguyễn) khi lên ngôi đã đổi tên Thăng Long thành Hà Nội (thành phố trong sông). Thời Pháp thuộc, người Pháp coi Hà Nội là một trong những trung tâm đầu não chỉ huy của chính quyền bảo hộ và đã tiến hành xây dựng một số khu vực ở Hà Nội…
Thăng Long - Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh
Kể từ thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại vườn hoa Ba Đình, một lần nữa Thăng Long xưa - Hà Nội nay khẳng định được vai trò lịch sử của mình trong tiến trình phát triển của dân tộc.
Lịch sử 1.000 năm hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội đã trải nhiều thăng trầm, có lúc rực rỡ huy hoàng, có lúc trầm lắng đau thương. Do nhãn quan chính trị của người đứng đầu đất nước nên mảnh đất này, khi mang tên Thăng Long, khi Đông Đô, Đông Quan, khi Hà Nội. Có thời kỳ không giữ vị trí kinh đô. Song khí phách Thăng Long, cốt cách Thăng Long vẫn trường tồn với thời gian, rạng rỡ từng trang sử.
Và điều đó càng được soi tỏ, được chứng minh một cách hùng hồn trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là: Mùa đông năm 1946 - Hà Nội “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”! Đó là: Trận “Điện Biên Phủ trên không” quyết liệt diễn ra trên bầu trời Hà Nội vào mùa đông năm 1972, đã góp phần chấm dứt vĩnh viễn chiến tranh leo thang của không lực Hoa Kỳ ra miền bắc Việt Nam.
Hà Nội cùng quân dân cả nước tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối. Suốt dặm dài của lịch sử đấu tranh bảo vệ non sông, bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc; nhiều thế hệ sinh sống trên mảnh đất này đã cùng đồng bào cả nước hy sinh máu xương, quên đi niềm thương nỗi nhớ, quên đi hạnh phúc cá nhân để bảo vệ nền độc lập của dân tộc nói chung, bảo vệ Thăng Long - Hà Nội - trái tim của cả nước nói riêng, mãi mãi trường tồn cùng đất nước.
Cũng tại mảnh đất có “vượng khí đế vương muôn đời” này, kể từ 10/10/1954, ngày giải phóng Thủ đô khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp đến nay đã trở thành trung tâm quyền lực của nhà nước trong thời đại Hồ Chí Minh.
Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Quốc hội khóa 1, kỳ họp thứ hai, tháng 10 năm 1946 đã, quyết định Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Kháng chiến chống đế quốc Mỹ thắng lợi, tháng 7 năm 1976, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI quyết định Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất.
Hiến pháp 1992; Nghị quyết 15-NQ/TƯ ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị một lần nữa đã khẳng định Hà Nội là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và ngoại giao của cả nước.
Thăng Long - Hà Nội ở vào thời đại Hồ Chí Minh đâu còn giới hạn bởi ba vòng thành, đâu chỉ vỏn vẹn có “36 phố phường”, đâu chỉ là “thành phố trong sông”, mà sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, Thăng Long xưa Hà Nội nay, đã không ngừng phát triển về mọi mặt: không gian mở rộng hơn, dân số đông đúc hơn; kinh tế - văn hóa - xã hội... đều khởi sắc. Không những thế Thăng Long - Hà Nội còn được thế giới tôn vinh là “Thành phố vì hòa bình”! Là Thủ đô của “lương tri và phẩm giá con người”!
Việc định vị kinh đô Thăng Long, của nhà vua có tầm nhìn “thiên niên kỷ” - Lý Công Uẩn, là nền tảng để muôn đời con Lạc cháu Hồng xây dựng và phát triển thành Thăng Long - Hà Nội hôm nay. Đó là sự thật lịch sử sống động minh chứng cho vị trí đắc địa của vùng đất thiêng này.
Ngày 1 tháng 8 vừa qua, Hoàng thành Thăng Long - linh hồn của Thăng Long xưa đã được Ủy ban di sản thế giới của UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới bởi “chiều dài lịch sử văn hóa, tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú”.
Mùa thu này, mùa thu năm 2010, Thăng Long - Hà Nội từ thời đại Lý Thái Tổ đến thời đại Hồ Chí Minh, đã trải 1.000 năm lịch sử, đã tròn nghìn tuổi! Nhìn lại lịch sử phát triển của dân tộc và lịch sử phát triển của Thăng Long - Hà Nội, kinh đô xưa Thủ đô nay, luôn là nơi “lắng hồn núi sông”.
Với sức mạnh của Thánh Gióng, với thế bay lên của rồng thiêng, Thăng Long - Hà Nội đã và đang vươn lên, nắm bắt vận hội mới, vươn tới những tầm cao mới, để mãi mãi xứng đáng là Thủ đô ngàn năm văn hiến, trung tâm chính trị kinh tế, văn hóa, ngoại giao của cả nước. Mãi mãi xứng đáng với niềm tin tưởng của vị vua khai sáng kinh thành Thăng Long; xứng đáng với niềm tin yêu và ngưỡng mộ của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.
Thương Hường (sưu tầm và biên soạn)
Thanglonghanoi.gov.vn