1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ TN-MT đề nghị 5 tỉnh điều tra việc mua bán đất hiếm trái phép

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ, Thanh Hóa, Lào Cai điều tra, xác minh tình trạng khai thác, mua bán trái phép đất hiếm với số lượng lớn.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên vừa ký văn bản gửi UBND tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ, Thanh Hóa và Lào Cai đề nghị xác minh những phản ánh của báo chí về tình trạng khai thác, buôn bán trái phép đất hiếm.

Bộ TN-MT đề nghị 5 tỉnh điều tra việc mua bán đất hiếm trái phép - 1

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên (Ảnh: Trung Đình).

Theo ông Kiên, báo chí phản ánh một số đối tượng đã tổ chức khai thác trái phép, tuyển, chiết suất và buôn bán đất hiếm từ khu vực xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu (cạnh mỏ đất hiếm Đông Pao) và khu vực xã Tân Hương, huyện Yên Bình, Yên Bái với khối lượng quặng tinh sau tuyển với quy mô lớn.

Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nêu trên của các đối tượng được phản ánh là xuất phát từ việc đào trộm, hạ cốt nền có người bảo lãnh.

"Đây là hoạt động có tính chất phức tạp, giá trị khối lượng khoáng sản lớn. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các tỉnh khẩn trương chỉ đạo lực lượng chức năng điều tra, xác minh thông tin, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm", Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị.

Đồng thời, UBND tỉnh Lào Cai chủ động rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác, tuyển, tiêu thụ quặng đất hiếm, tăng cường hơn nữa công tác giám sát, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.

5 địa phương trên phải gửi kết quả kiểm tra, rà soát về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 29/7.

Bộ TN-MT đề nghị 5 tỉnh điều tra việc mua bán đất hiếm trái phép - 2

Mỏ đất hiếm Đông Pao tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu (Nguồn ảnh: Huyện Tam Đường).

Đất hiếm từ lâu được coi là "vitamin của nền công nghiệp hiện đại" vì có thành phần không thể thiếu trong sản xuất các loại thiết bị và linh kiện trong công nghệ thông tin, y khoa, giao thông, hóa lọc dầu, luyện kim, quân sự và nhiều lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, việc trích xuất nguyên tố đất hiếm từ quặng thô rất khó khăn và tốn kém, do hiếm khi chúng tập trung một chỗ với hàm lượng đủ lớn để việc khai thác đạt được hiệu quả kinh tế.

Hơn nữa, việc khai thác và xử lý đất hiếm lại tàn phá môi trường rất nghiêm trọng, nên các quốc gia phương Tây rất hạn chế cấp phép khai thác trong nước. Đó cũng là nguyên nhân của tên gọi "đất hiếm".

Việt Nam có trữ lượng đất hiếm khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc (44 triệu tấn). Tuy nhiên, việc khai thác, xuất khẩu đất hiếm đang gặp nhiều khó khăn. Hai mỏ được cấp phép khai thác đất hiếm ở Lai Châu và Yên Bái "án binh bất động" rất nhiều năm qua.

Vừa qua, Hàn Quốc và Việt Nam đã có thỏa thuận, biên bản ghi nhớ thành lập trung tâm chuỗi cung ứng Việt Nam - Hàn Quốc về đất hiếm và khoáng sản cốt lõi.