1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Tham nhũng vẫn nghiêm trọng và ngày càng tinh vi”

(Dân trí) - “Tình hình tham nhũng nhìn chung vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, trong khi đó công tác phát hiện và xử lý còn ít, chưa tương xứng với tình hình và yêu cầu…”, UB Tư pháp của Quốc hội đánh giá.

Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010 của Chính phủ đánh giá, nhìn chung công tác xử lý tham nhũng đã có chuyển biến. Nhiều vụ án mới phát hiện đã được xử lý nhanh, kịp thời, dứt điểm. Các vụ án tồn đọng được tập trung xử lý. Các vụ việc nghiêm trọng, dư luận bức xúc được quan tâm chỉ đạo xử lý quyết liệt. Tuy nhiên, kết quả điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng trong những năm trở lại đây liên tục giảm cả về số vụ, số đối tượng.

Tán thành với kết quả và một số đánh giá của Chính phủ, tuy nhiên báo cáo thẩm tra của UB Tư pháp của Quốc hội cho rằng, vẫn còn rất nhiều tồn tại. Cho đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử hàng trăm vụ tham nhũng với hàng trăm đối tượng phạm tội, nhưng cả nước mới chỉ có 25 cơ quan, tổ chức, đơn vị tự phát hiện được tham nhũng.

Năm 2008, 2009, 2010 không ít vụ tham nhũng đã khởi tố, sau đó đình chỉ điều tra mà lý do chủ yếu là người vi phạm đã khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, có nhân thân tốt nên không xử lý hình sự mà chuyển sang xử lý hành chính.
 
“Tham nhũng vẫn nghiêm trọng và ngày càng tinh vi” - 1
Ông Huỳnh Ngọc Sỹ (nguyên Giám đốc dự án Đại lộ Đông Tây) vừa bị truy tố thêm tội danh "nhận hối lộ"

Cũng theo UB Tư pháp, số bị cáo phạm tội tham nhũng bị Tòa án phạt tù nhưng cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ 34,6%, số bị cáo bị phạt tù dưới 3 năm chiếm 22,7%. Số bị cáo bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền chiếm tỷ lệ 11,06%. Việc áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo tại mộ số địa phương còn chiếm tỷ lệ cao như Cà Mau (72%), Phú Thọ (69%), Lâm Đồng (68%)…

UB Tư pháp cho rằng, cần làm rõ về quan điểm xử lý và việc áp dụng pháp luật đối với những người có hành vi tham nhũng, nhất là việc bồi thường, khắc phục hậu quả của người tham nhũng để đình chỉ điều tra, xử lý nội bộ và căn cứ vào nhân thân tốt để cho hưởng án treo.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong năm qua, các cơ quan chức năng đã khởi tố 188 vụ án với 373 bị can về ác tội danh tham nhũng (giảm 23% số vụ án và giảm 28% số bị can so với cùng kỳ năm trước). Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 253 vụ với 631 bị can (giảm 13% số vụ và giảm 10% số bị can cùng kỳ năm trước). Tòa án nhân dân các cấp xét xử sơ thẩm 211 vụ án với 479 bị cáo (giảm 8% số vụ và 11% số bị cáo so với cùng kỳ năm trước).

Còn nữa, trong nhiều năm qua, số bị can bị khởi tố về hành vi tham nhũng là cán bộ cấp xã, phường chiếm tỷ lệ cao trên tổng số bị can bị khởi tố, với số tiền bị chiếm đoạt không nhiều, trong khi đó, số người phát hiện, xử lý thì số tiền bị chiếm đoạt lại rất lớn. Đây là một thực trạng cần được quan tâm, đánh giá đúng mức.

Việc giải quyết các vụ án tham nhũng, theo UB, nhìn chung tiến bộ điều tra, truy tố, xét xử còn chậm, có vụ kéo dài, phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, trong đó có những vụ án nghiêm trọng được Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng tập trung chỉ đạo từ những năm trước. Có vụ vi phạm pháp luật được phát hiện đã lâu, nhưng đến gần đây mới có quyết định khởi tố vụ án.

Đánh giá tình hình tham nhũng năm 2010, Chính phủ nhận định, tình hình tham nhũng năm 2010 tuy có giảm, nhưng trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp và trở nên tinh vi hơn. Nghiêm trọng nhất vẫn là tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng, thuế, quản lý tài sản công.

Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, “tình hình tham nhũng nhìn chung vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, trong khi đó công tác phát hiện và xử lý còn ít, chưa tương xứng với tình hình và yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng”.

Cấn Cường