1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Nam:

Thăm những căn hầm trú bão của phụ nữ “làng Chanchu”

(Dân trí) - “Nhờ căn hầm trú ẩn này mà cơn bão số 11 vừa qua chứa được mười mấy người đó. Mấy năm qua, nhờ có căn hầm này mà cả xóm ai cũng an toàn mỗi khi có bão”, bà Liên hãnh diện nói về căn hầm trú bão được bà xây cách đây 10 năm.

Trở lại “làng Chanchu” (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) sau khi cơn bão số 11 quét qua, đâu cũng thấy cảnh nhà cửa tốc mái, cây cối, trụ điện gãy đổ… “Làng Chanchu” là tên gọi buồn dành cho các thôn Bình Tân, Hà Bình, Bình Tịnh của xã Bình Minh - nơi cơn bão lịch sử Chanchu từng quét qua năm 2006, lấy đi mạng sống của gần 100 đàn ông, thanh niên trai tráng trên biển..
 
Không ai nghĩ ngôi nhà này lại có một căn hầm trú bão bên trong
Không ai nghĩ ngôi nhà này lại có một căn hầm trú bão bên trong
 
Sống chung với bão dữ nên người dân miền biển nơi đây cũng nảy ra nhiều sáng kiến để ứng phó. Một trong những sáng kiến là xây hầm tránh bão. Bà Huỳnh Thị Hải Liên được xem là người đầu tiên xây hầm chống bão ở đây.
 
Đây là căn hầm trú bão của bà Liên đã xây dựng được 10 năm
Đây là căn hầm trú bão của bà Liên đã xây dựng được 10 năm

Chỉ vào ngôi nhà có hầm trú bão bên trong, bà Liên kể: "Năm 2003, tôi tích góp được ít tiền dựng lại căn nhà ngói này. Cả ngôi nhà được xây với khoảng vài chục triệu đồng nhưng riêng căn hầm trú bão tôi làm hết hơn 10 triệu đồng".

Nhìn ngôi nhà ngói đơn sơ bên ngoài không ai nghĩ bên trong có một căn hầm trú bão chắc chắn với diện tích khoảng 8m2, cao gần 2m, tường dày 20cm, đổ 4 trụ bê tông, trên mái cũng đổ bê tông, có thể chứa được 15 người.

Bà Liên kể: “Mỗi khi có bão lớn là con cháu tôi và hàng xóm đều qua căn hầm này trú. Căn hầm này đã được 10 mùa mưa bão rồi đó. Như cơn bão số 11 vừa qua, có tất cả 12 người gồm con cháu và hàng xóm đến trú”.

Không những đủ cho hơn 10 người trú bão mà trong căn hầm này còn có thể để được một cái tủ lạnh đựng thức ăn cho từng đó con người cầm cự chờ bão qua. “Hầm này có thể chịu được bão cấp 12, 13 đó cháu à”, bà Liên tự hào khoe. Bà cũng chia sẻ rằng đàn ông ở đây đi biển hết, phụ nữ ở nhà mỗi khi có mưa bão chỉ biết vào hầm ẩn nấp.
 
Đây là căn hầm trú bão của bà Chấp
Đây là căn hầm trú bão của bà Chấp

Tại “làng Chanchu” này còn có nhiều căn hầm trú bão được xây ở sau nhà. Như căn hầm của bà Nguyễn Thị Chấp (75 tuổi, trú thôn Tân An). Bà Chấp cho biết, bà xây căn hầm vào năm 2010 hết khoảng 8 triệu đồng. Căn hầm có chiều rộng 2m, dài 2,5m, cao 1,5m gồm phần âm dưới đất 0,5m. Nhìn căn hầm rất chắc chắn với 4 góc được đổ trụ bê tông, trên mái cũng đổ bê tông, có lỗ thông gió.

Bà Chấp cho biết, cứ mỗi lần có bão là cả nhà cùng những người hàng xóm không có nhà kiên cố đều đến trú bão ở đây. Cơn bão số 11 vừa rồi có tất cả 8 người trú.

Thường khi trú bão trong căn hầm này, người dân thường mang theo mì tôm, nước uống, bếp ga để nấu ăn trong những lúc gió to. “Như cơn bão vừa qua, chúng tôi vào trú từ 17 giờ ngày 14/10 đến 13 giờ ngày 15/10 thì ra ngoài, không ai việc gì”, bà Chấp cho biết.

Đó là những nhà có điều kiện xây hầm trú kiên cố. Nhiều gia đình ở “làng Chanchu” này trước đây không có điều kiện thường đào một cái hố nhỏ rồi tận dụng chiếc thúng chai úp lên trên, chằng chống thêm cây bên trong và bao cát bên ngoài cũng thành nơi trú ẩn an toàn trong lúc có bão.

Giờ đây, nhiều gia đình có điều kiện đã xây nhà kiên cố, không cần phải làm hầm trú bão; những nhà không có điều kiện thì cũng ráng xây một căn hầm.

Chủ tịch xã Bình Minh - ông Trần Công Minh - cho biết, toàn xã có khảng vài chục căn hầm trú bão được người dân xây dựng. Đây là vùng biển, mỗi năm đón vài cơn bão nên người dân tự đầu tư xây dựng để đảm bảo tính mạng.

Ông Minh cũng cho biết, trước đây khi chưa có hầm thì xã phải tổ chức di dời dân đến các công trình công cộng kiên cố để tránh bão. Nhờ có những căn hầm này mà mấy năm nay người dân không bị tai nạn mỗi khi có bão đổ bộ vào.

“Đây là mô hình tránh bão mà xã khuyến khích xây dựng đối với những hộ dân chưa có điều kiện xây nhà kiên cố. Đây cũng là mô hình mà mỗi khi có hội nghị về phòng chống bão lũ ở huyện, tôi thường đem ra để phổ biến để người dân vùng khác học hỏi”, ông Minh cho biết.

Được biết, xã Bình Minh này hầu hết chỉ có cát trắng, trên 70% dân số làm nghề đi biển, còn nghề khác tại địa phương không phát triển, cuộc sống của người dân phụ thuộc vào biển và còn gặp rất nhiều khó khăn.

Công Bính