1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Nam:

Nặng lòng với căn hầm trú bão của cậu học sinh lớp 6

(Dân trí) - Vùng ven biển xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) còn có một cái tên rất buồn là “xóm Chanchu” - nơi cơn bão Chanchu từng cướp đi gần 100 mạng người. Nay bão số 11 quét qua, xóm Chanchu càng thêm hoang tàn...

Hai bà cháu từ ngoài biển về
Hai bà cháu từ ngoài biển về

“Xóm Chanchu” là tên được gọi chung cho các thôn Hà Bình, Bình Tân, Bình Tịnh của xã Bình Minh. Sở dĩ nơi đây có tên gọi này là do vào năm 2006, cơn bão Chanchu đã cướp đi sinh mạng của gần 100 đàn ông, thanh niên trai tráng làm nghề biển. Nhiều người vĩnh viễn không được tìm thấy thi thể...

Trưa 18/10/2013, trở lại “xóm Chanchu” sau cơn bão dữ Nari, chúng tôi tìm đến thăm ngôi nhà nhỏ của cháu Lại Hoàng Quang Sang (SN 2002, học sinh lớp 6 trường THCS Phan Đình Phùng), một trong những đứa trẻ có bố bị nạn trong cơn bão Chanchu.

Giữa trưa nhưng cửa nhà đóng im ỉm, hỏi thăm hàng xóm mới biết cháu cùng bà nội ra biển phụ ông nội kéo lưới kiếm con cá con tôm. Nhờ hàng xóm đi kêu, hơn 10 phút sau chú ruột của Sang chở hai bà cháu về.

Trong căn nhà trống hoác chẳng có gì đáng giá, trên bàn thờ là di ảnh của bố Sang - anh Lại Xuân Sâm (SN 1977) và em ruột của Sang, cháu Lại Hoàng Văn Sâm (SN 2003).
 
Căn hầm trú bão của bai bà cháu
Căn hầm trú bão của bai bà cháu

Nội của Sang, bà Nguyễn Thị Đi năm nay đã 65 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn chỉ lên di ảnh của hai bố con nói: "Một bên là con trai, một bên là cháu nội, giờ chỉ còn mình hắn (cháu Sang) thôi".

Tôi hỏi cháu Sang mẹ đâu. Sang không nói, bà nội tiếp lời: "Mẹ hắn bôn ba đi làm ăn ở tận Tây Nguyên rồi, ở đây biết làm gì cho ra tiền để nuôi con. Mỗi năm hắn về một vài lần, tháng vừa rồi cúng giáp năm thằng Sâm hắn về làm mâm cơm cúng rồi lại đi nữa.

Mẹ của Sang, chị Hoàng Thị Tính (SN 1979) vì cuộc sống ở quê quá khó khăn, sau khi chồng và con trai nhỏ mất nên để Sang lại cho bà nội cùng các chú nuôi rồi đi làm ăn xa, lâu lâu có tiền thì gởi về cho Sang mua quần áo, sách vở.

Theo lời bà Đi, căn nhà này giờ chỉ còn mình cháu Sang ở, tối bà xuống ngủ với cháu. Ăn uống thì bữa ăn với chú, bữa ăn với bà, có gì ăn nấy. Ngoài giờ đi học, Sang cũng hay giúp ông bà nội ra biển phụ kéo lưới kiếm con cá.

Đã quá trưa nhưng khi tôi hỏi Sang đã ăn cơm chưa. Sang lí nhí trong miệng “dạ chưa”. Sao hôm nay Sang không đi học? Sang bảo nhà trường cho nghỉ vì mới bão xong, trường bị hư chưa sửa lại nên ở nhà, tuần sau mới đi học lại.

Chú ruột của Sang, anh Lại Xuân Lộc kể, trong cơn bão Chanchu năm đó nhà có 3 anh em đi biển nhưng có 2 người đã chết, một người anh là Lại Thanh Đào (SN 1974) đi cùng chuyến tàu với bố của Sang đến nay vẫn chưa tìm được thi thể. Cũng may là vài ngày sau, thi thể của bố Sang được tìm thấy đang trôi ngoài biển nên đưa về an táng. Còn phần mình, anh Lộc nói mình đi gần bờ nên may mắn thoát chết.
 
Căn hầm được làm rất đơn sơ vì ít tiền
Căn hầm được làm rất đơn sơ vì ít tiền

Dắt tôi ra thăm căn hầm chống bão sau nhà, bà Đi cho biết đây là vùng sóng gió nên nhà phải làm căn hầm này. Bà nói năm 2009, bà phụ giúp tiền với mẹ của Sang làm hết hơn 5 triệu đồng. “Vì mẹ hắn đi làm ăn xa, chỉ có mình hắn ở nhà nên xây cho hắn vào núp bão mỗi khi mẹ không có nhà”, bà Đi kể.

Vì không có nhiều tiền nên căn hầm chống bão của Sang cũng không bằng người ta. Họ có tiền thì đúc bê tông trụ và trên mái, còn căn hầm của Sang chỉ được xây bằng gạch nhưng chưa tô, chiều ngang khoảng 1,5m và chiều dài khoảng 2m, trên lợp mấy tấm tôn xi-măng thấp tè, tấm cửa bằng các miếng tôn hỏng ghép lại. Để gia cố mái, Sang dồn cát vào bao rồi chặn lên trên cho gió khỏi tốc.

“Nhờ căn hầm này mà bão vừa qua tôi cùng cháu Sang và vài đứa cháu nữa nấp ở đây an toàn. Nếu không có căn hầm này chắc phải đi trú nhờ hàng xóm vì nhà không dám ở, sợ gió giật sập lắm”, bà Đi tâm sự.

Bà Đi kể tiếp: "Chiều ngày 14, khi gió bắt đầu to, tôi đưa thằng Sang cùng mấy đứa cháu nữa rồi mang theo mì tôm, nước uống vào trú trong đó cả đêm. Chiều hôm sau khi bão tan, trở ra thấy xung quanh tan hoang, nhà thì bị giật bay vài tấm tôn".

Hỏi cháu Sang có thích đi học hay thích đi biển, Sang bẽn lẽn không nói gì. Bà nội đỡ lời: “Hắn phải đi học, học để mai mốt kiếm cái nghề nuôi thân chứ tôi không cho hắn đi biển nữa. Nhà giờ chỉ còn mình hắn là đàn ông con trai. Nghề biển nguy hiểm lắm, lỡ có chuyện gì ai lo cúng giỗ cho cha với em hắn”.

 Công Bính