1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Thách thức lớn nhất của xe buýt nhanh là đường dành riêng”

(Dân trí) - “Cái khó nhất của mình là điều kiện đường sá dành riêng cho xe buýt nhanh. Trong khi các nước họ cam kết tạo được đường riêng cho xe buýt nhanh, ở mình diện tích dành cho giao thông còn nhỏ quá, không làm được như họ”, PGS. TS Doãn Minh Tâm - nguyên Viên trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT (Bộ GTVT) nói.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội sẽ đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2017, PGS.TS Doãn Minh Tâm - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT (Bộ GTVT) - cho rằng, khi áp dụng bất cứ một công nghệ mới nào vào Việt Nam, các cấp chính quyền, các nhà nghiên cứu phải xem xét kỹ cái được và chưa được.

- Ngày 1/1/2017, tuyến xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn (BRT) đầu tiên của Hà Nội sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng tuyến xe buýt nhanh từ Yên Nghĩa đến Kim Mã không còn phù hợp, do đường phố chật hẹp, xe lại cồng kềnh... Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Xe buýt nhanh đã được áp dụng và thành công ở một số nước đang phát triển như Brazil, Mexico... Và Ngân hàng Thế giới đã giới thiệu và khuyến cáo Việt Nam nên áp dụng. Việt Nam cũng có khoảng thời gian không dưới 10 năm nghiên cứu loại hình vận tải hành khách công cộng này.

Thực tế, so với những nước đã áp dụng, khi xe buýt nhanh đưa vào Việt Nam thì có những cái phù hợp, có những cái chưa phù hợp. Cái khó nhất của mình là điều kiện đường sá dành riêng cho xe buýt nhanh. Trong khi các nước họ cam kết tạo được đường riêng cho xe buýt nhanh, ở mình diện tích dành cho giao thông còn nhỏ quá không làm như họ được.

Tôi được biết, dự án này mới chỉ làm thí điểm một tuyến, sau khi thành công thì mới nhân rộng. Quan điểm của tôi là, khi áp dụng bất cứ một công nghệ mới nào vào Việt Nam, các cấp chính quyền, các nhà nghiên cứu phải xem xét kỹ cái được và chưa được của nó.

Sau nhiều năm triển khai, từ đầu năm 2017, tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội sẽ đi vào hoạt động. Theo tôi các quản lý phải quan sát kỹ quá trình này để kiến nghị Thành phố có chính sách điều chỉnh để phát huy hiệu quả của dự án.

Ông Doãn Minh Tâm - nguyên Viên trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT (Bộ GTVT)
Ông Doãn Minh Tâm - nguyên Viên trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT (Bộ GTVT)

- Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, xe buýt nhanh BRT chạy nhanh hơn xe buýt thường trên tuyến Yên Nghĩa – Kim Mã từ 5-10 phút. Điều đó khiến nhiều người hoài nghi về hiệu quả thực sự của dự án xe buýt nhanh này?

- Vì đây là tuyến buýt nhanh thí điểm của Hà Nội, nếu thành công thì mới nhân rộng. Do vậy, quá trình vận hành thử nghiệm nếu chưa thành công thì thành phố phải nghiên cứu điều chỉnh. Về hiệu quả kinh tế, do chưa có số liệu cụ thể nên tôi chưa thể nhận xét được.

Còn kinh nghiệm các nước đang phát triển, tôi được biết họ đón nhận loại hình vận tải công cộng này rất nhiệt tình và khai thác hiệu quả. Còn ở Việt Nam chúng ta đầu tháng 1/2017 mới có tuyến đầu tiên, nên giai đoạn trước mắt hãy cứ thí điểm đã. Cái này qua tổng kết kinh nghiệm các nước đang phát triển, Ngân hàng Thế giới khuyến cáo ta sử dụng. Còn chúng ta cũng chưa có kinh nghiệm về xe buýt nhanh nên hãy cứ thí điểm rồi rút kinh nghiệm vậy!

- Ông đánh giá thế nào với việc hàng loạt phương tiện khác sẽ phải nhường đường cho xe buýt nhanh hoạt động?

- Khi xuất hiện một loại hình phương tiện giao thông mới, các nhà chức trách của Hà Nội sẽ phải nghiên cứu tổ chức lại giao thông cho phù hợp. Như tuyến Nguyễn Trãi trước đây đã có làn đường dành cho xe buýt chạy cùng với xe thô sơ. Còn các tuyến Yên Nghĩa – Kim Mã, khi xe buýt nhanh vào hoạt động với mật độ nhiều như vậy, trong khi mặt đường không mở rộng được một mét vuông nào thì tất cả phải phụ thuộc vào công tác tổ chức giao thông.

- Các tuyến đường hướng tâm từ Hà Đông vào nội thành hiện nay có mật độ giao thông rất cao, do vậy khi hạn chế phương tiện hoạt động trên các tuyến đường xe buýt nhanh đi qua sẽ dẫn tới ùn tắc nghiêm trọng hơn, thưa ông?

- Tôi được biết khi đưa xe buýt nhanh vào hoạt động, mục tiêu đầu tiên là góp phần kéo giảm phương tiện cá nhân. Do vậy, nếu như không làm được điều đó, sẽ không đạt được mục tiêu ban đầu.

Thực tế, đây là giải pháp nhằm khuyến khích người dân để xe ở nhà để đi xe buýt nhanh. Có thể khi đường dành cho xe cá nhân ùn tắc, đường xe buýt nhanh vẫn thông, thì người dân sẽ nghĩ đến việc chuyển sang sử dụng xe buýt nhanh. Đó là những ý tưởng, do vậy chúng ta phải chờ xem thực tiễn nó xảy ra thế nào.

Xe buýt nhanh lần đầu lăn bánh dọc lộ trình từ bến Kim Mã đến Yên Nghĩa
Xe buýt nhanh lần đầu lăn bánh dọc lộ trình từ bến Kim Mã đến Yên Nghĩa

- Để người dân từ bỏ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân thì vận tải công cộng phải đồng bộ. Trong khi đó, một mình tuyến xe buýt nhanh chạy từ Yên Nghĩa đến Kim Mã không thể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến đường này?

- Vấn đề của Hà Nội hiện nay là việc kết nối, trung chuyển giữa các loại hình giao thông còn chưa đồng bộ, và loại hình vận tải công cộng đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu người dân. Đây là vấn đề mà Hà Nội cần phải tiếp tục thực hiện.

Vấn đề tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tất cả đừng đổ tại cho giao thông. Thực tế là thêm một mét vuông đường nào cũng khó, nhưng cứ hở ra một mét vuông đất nào ra là lại chuyển thành các khu đô thị mới, khu dân cư, nhà ở. Do vậy, nếu giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông phải đồng bộ, phải làm tổng thể.

Hiện nay, cả nước có 2 triệu ô tô, tôi khẳng định hệ thống đường bộ Việt Nam không ùn tắc. Vấn đề hiện nay là chỉ ùn tắc tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Do vậy, các nhà quản lý cần phải nhìn thẳng vào thực tế quy hoạch, vì chỉ cần thêm một khu đô thị là thêm cả vạn dân, còn đường sá không thay đổi thì làm sao có lối thoát.

Cho nên có thể nói xe buýt nhanh chỉ là một nỗ lực của Hà Nội, chứ chưa giải quyết được tận gốc của vấn đề giao thông hiện nay. Nếu như không giải quyết được vấn đề quy hoạch, các khu đô thị vẫn mọc lên hàng ngày, mỗi một tòa nhà bằng cả một phường, thì tất cả các giải pháp chúng ta đưa ra đều không giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông.

- Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (thực hiện)