1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Tăng chế tài xử lý doanh nghiệp “móc túi” người lao động

(Dân trí) - “Nếu một DN lấy 1 tỷ đồng tiền BHXH của CN, không đóng cho BHXH mà đem gửi ngân hàng thì mỗi năm cũng có tiền lãi trên dưới 70 triệu đồng, dư sức đóng tiền phạt. Thế nên nhác thấy cán bộ BHXH đến là DN vui mừng… đóng phạt ngay”.

Đó là lời nói vui của ông Lâm Văn Tiếp, Phó Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM (Hepza) về tình trạng các doanh nghiệp vẫn thu tiền BH của công nhân nhưng lại không đóng BHXH cho công nhân - một hiện tượng vi phạm Luật lao động đang tồn tại khá nhiều tại các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM.

 

Tăng chế tài xử lý doanh nghiệp “móc túi” người lao động - 1

Dịp cận Tết Kỷ Sửu, nhiều công nhân lao đao vì khi thất nghiệp chẳng có một đồng BHXH nào.

 

Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người lao động

 

Tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM ngày 14/5, ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, bức xúc: “Bảo hiểm xã hội (BHXH) là do công nhân (CN) đóng, họ không đóng thì hàng tháng cũng bị công ty trừ thẳng 6% lương căn bản. Nhưng doanh nghiệp (DN) không đóng, giữ lại số tiền này thì phải gọi là công nhiên chiếm đoạt tài sản của người lao động (NLĐ) chứ sao gọi là nợ!”.

 

Theo ông thì lâu nay chúng ta dùng cụm từ “nợ BHXH” hay “nợ đọng BHXH kéo dài” là chưa chính xác. Vì nợ là quan hệ dân sự giữa một bên vay và một bên cho vay. Ở đây, DN không vay của CN mà buộc CN đóng vào và ngấm ngầm chiếm đoạt.

 

Ông cũng cho biết là đến nay các doanh nghiệp trên địa bàn đã “nợ BHXH” (nói theo cách hiện nay) đến mấy chục tỷ đồng. Để bảo vệ quyền lợi của NLĐ, Liên đoàn Lao động TP đã phối hợp với BHXH TP, đại diện cho NLĐ khởi kiện các DN nợ lương, nợ BHXH của CN. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ khởi kiện ra tòa gần 100 DN.

 

Ông chia sẻ: “Dù công tác khởi kiện rất nhiêu khê, thủ tục tại mỗi quận huyện mỗi khác, tòa án lại bắt chúng tôi đóng tạm ứng án phí… nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết làm để bảo vệ NLĐ”.

 

DN mừng vì “được phạt

 

Một thực tế mà bất cứ cán bộ ngành lao động nào cũng thấy là DN nợ BHXH kéo dài vì mức xử phạt quá nhẹ nhàng. Khung phạt cao nhất cho hành vi nợ BHXH (không đóng BHXH cho CN) là 20 triệu đồng, mà một năm mỗi DN chỉ bị phạt 1 lần.

 

Ông Lâm Văn Tiếp, Phó Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM (Hepza), ví von: “Nếu một DN lấy 1 tỷ đồng tiền BHXH của CN, không đóng cho BHXH mà đem gửi ngân hàng thì mỗi năm cũng có tiền lãi trên dưới 70 triệu đồng, dư sức đóng tiền phạt. Vậy thì không cần chúng ta đi phạt, chỉ cần nhác thấy cán bộ BHXH đến thì họ vui mừng đóng phạt ngay”.

 

Ông Trần Hoàng Thám, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM nói vui: “Một công việc cứ như mơ nhỉ!?”.

 

Việc xử lý hình sự chỉ thực hiện khi DN nợ đọng kéo dài quá lâu. Nhưng họ có thể dùng thủ thuật là đóng BHXH cho một phần nhỏ CN của DN. Khi đó, họ sẽ có cớ là chúng tôi đang thực hiện nhưng chưa hoàn thành chứ không phải là chúng tôi trốn đóng BHXH. Vậy là bó tay!

 

Tăng chế tài, cần thì xử hình sự

 

Từ thực tế trên, các quan chức ngành lao động TP đều thống nhất đề xuất Đoàn Đại biểu Quốc hội TP đề đạt lên Quốc hội xem xét thay đổi hàng lang pháp lý, tăng cường chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm pháp luật lao động để bảo vệ quyền lợi NLĐ tốt hơn.

 

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM, đề xuất: “Chúng ta cần tăng mức phạt lên, có thể là gấp 3, 4 lần số tiền mà DN nợ BHXH chứ không cần khung hình phạt. Có vậy họ mới sợ! Nếu cần thì xử lý hình sự, đóng cửa. Ở nước ngoài đều làm vậy, ở ta thì pháp luật chưa cho phép”.

 

Ông cũng kiến nghị Nhà nước nên có biện pháp hành chính, chế tài nhằm tăng cường công tác quản lý. Nếu chúng ta làm công tác kiểm tra thường xuyên thì DN khó mà nợ được.

 

Ông Danh dự báo: “Nếu tình hình quản lý như hiện nay thì đến năm 2010, khi Luật BH thất nghiệp có hiệu lực sẽ bất ổn. Vì đây là loại BH tác động lớn đến NLĐ. Khi họ thất nghiệp mà vỡ lẽ ra DN không đóng BH cho họ, BHXH không chịu chi trả BH thất nghiệp cho NLĐ… thì sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của họ. Khi đó, tình hình lao động sẽ rất phức tạp”.

 

Kết thúc hội nghị, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Thám, cam đoan trong kỳ họp Quốc hội tới, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM sẽ chú trọng vào các vấn đề pháp lý để giải quyết những vướng mắc trên.

 

Cũng trong buổi họp ngày 14/5, bà Đoàn Thị Thanh Hà - Trưởng phòng Quản lý lao động thuộc Hepza, đã đề xuất tăng thêm chế tài xử lý và quy định cụ thể hơn cho việc xử lý DN lách quy định thực hiện thang bảng lương và thành lập Công đoàn.

 

Bà cho biết: hiện nay có một thực tế là nhiều DN vẫn xây dựng thang bảng lương nhưng chỉ để đối phó. Thực tế khi CN đình công mới biết là DN không trả lương theo thang bảng lương đó. Nhưng ta không có quy định nào xử phạt trường hợp này.

 

Ngoài ra, luật quy định DN sau khi hoạt động 6 tháng phải thành Lập công đoàn và chủ DN không được cản trở CN lập Công đoàn. Nhưng thực tế là nhiều DN không có Công đoàn vẫn không bị xử lý vì chẳng có quy định nào xử phạt DN không lập Công đoàn, họ cũng không cản trở việc lập Công đoàn thì làm sao xử phạt?

 

Tùng Nguyên