1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tẩm quất "gia truyền"

(Dân trí) - Gần 2 giờ sáng, dãy tẩm quất ở vỉa hè phố Lê Duẩn, Hà Nội vẫn hoạt động. Tranh tối tranh sáng, những chiếc chiếu thoắt ẩn thoắt hiện làm tôi thấy... ghê ghê. Anh bạn đi cùng dụi mắt: “Lên Quán Thánh, chỗ ấy tẩm quất gia truyền. Tao cũng chưa thử bao giờ”...

Đoạn giữa phố Quan Thánh, mấy hàng tẩm quất vẫn để đèn điện sáng trưng như ban ngày.

 

Chúng tôi sà vào một hàng. Mấy tay tẩm quất xô ra chào mời đon đả. Ở đây ban ngày cũng như ban đêm. Chỉ cần đi xe chầm chậm qua là lập tức có người lao ra chào mời tẩm quất.

 

Thanh niên tên Dũng dẫn chúng tôi lên gác, rất hẹp, rồi vào một phòng nhỏ. Trong phòng kê 5-6 chiếc chiếu đơn. Tẩm quất cho chúng tôi, có Dũng và một thanh niên nữa, cũng khá vạm vỡ.

 

Dũng bảo chúng tôi cởi quần áo ngoài và nằm sấp lưng xuống chiếu. Ở đây, tôi không phải lo ngay ngáy vì sợ mất cắp đồ như ở Cửa Nam hoặc Thủ Lệ. Quần áo được treo lên móc đàng hoàng.

 

Hai tay tẩm quất bắt đầu hành nghề. Dũng lôi ra một bộ đồ lỉnh kỉnh những lọ giác, mấy chai cồn, bật lửa và chai dầu gió. Mới đầu là đấm nhẹ, sau càng lúc Dũng càng ra tay “nặng đòn”. Đấm ra đấm, bóp ra bóp, rồi véo, chặt... Căn phòng lúc ấy chỉ có hai khách là hai chúng tôi mà tiếng đấm chặt kêu lên vang phòng. Cũng lạ. Anh bạn tôi bị đấm mạnh thế, nhưng dường như anh chẳng thấy đau đớn gì, cứ thiếp dần.

 

Tôi uể oải quay cổ. Dũng hỏi: “Anh đau cổ à? Giờ sao lắm người bị thế nhỉ”. Tôi cười: “Thì thời đại công nghệ, suốt ngày cắm mặt vào máy tính, anh bảo làm gì chả đau”. Dũng dùng đôi tay cứng như gọng kìm bóp mạnh vào cổ tôi rồi vuốt đi vuốt lại mấy đường, day xuống hai bên bả vai, lại bóp mạnh. Nhẹ hẳn.

 

Tôi hỏi ngô nghê: “Các anh là truyền nhân đời thứ mấy của nghề này?” Thanh niên tên Tuấn- đang ra sức bóp lưng anh bạn tôi- bật cười: “Gia truyền... tay thôi anh ạ. Một đời làm nghề này đã khổ lắm rồi, nếm đủ nhục vinh. Đến 2-3 đời theo nhau làm nghề này thì chết, còn nói chuyện gì nữa”.

 

Căn phòng xếp đến gần chục chiếc mũ bảo hiểm, khá ngay ngắn. Tuấn nói: “Bọn em tất cả đều ngoại tỉnh lên đây kiếm sống. Như em, quê ở Bắc Giang. Nghề này là học lẫn nhau thôi, chứ làm gì có gia truyền nào”.

 

Tiếng là “truyền” tay, nhưng phải mất chừng một năm thì một người mới lĩnh hội được tất cả các “đòn pháp”. Làm nghề tẩm quất, cái khó nhất không phải là biết bấm huyệt đúng chỗ, biết giác hơi không bỏng, mà là biết... bóp để không mỏi tay. Tuấn cho biết, nếu không quen nghề, chỉ bóp 15 phút là tay mỏi rã rời. Bởi vậy, phải luyện cho đôi tay cứng cáp, nhưng đấm phải kêu rôm rốp. Tay cứng thì mới bấm sâu được vào các huyệt, nhất là khi đấm cho những người béo.

 

Tuấn nói: “Nếu không khoẻ không thể làm được. Ở đây bọn em làm đến 5h sáng rồi ngủ, đến 9-10h đã có khách, lại phải dậy. Nói chung mỗi ngày ngủ nhiều nhất là 5-6 tiếng. Anh bảo, nếu không có sức thì trụ sao được”.

 

Vất vả thế, nhưng mỗi tháng thợ đấm ở đây cũng chỉ được triệu bạc tiền lương. Tôi hỏi: “Có khách là con gái bao giờ không?”. Tuấn nói: “Nhiều chứ, chủ yếu là cave, hoặc bọn đi lắc dạt về tẩm quất cho đỡ mỏi người. Đấm cho bọn này thì được nhiều tiền, nhưng nhiều lúc nhục lắm”.

 

Gần 3h sáng, bên ngoài trời mùa thu se lạnh mà căn phòng vẫn nóng hầm hập, Dũng cởi cả áo ngoài ra. Mấy chiếc quạt bật hết công suất. Bất thần, Dũng nhảy bổ lên lưng tôi, hai tay bóp chặt hai bả vai còn hai đầu ngón chân cái thì ghì chặt xuống thắt lưng. Chẳng biết đây là đòn gì, nhưng tôi cứ tê rần khắp người, một cảm giác rất khó tả. Được vài phút, Dũng lại dịch hai đầu ngón chân cái xuống hai khớp dưới. Lại tê rần người...

 

Dũng vừa nhổ rôm rốp vừa nói: “Dù có học qua các lớp bấm huyệt, tẩm quất nhưng người giỏi phải là người nắm được vị trí các huyệt đạo càng nhiều càng tốt và biết vận dụng vào từng trường hợp cụ thể thì khi bấm mới có tác dụng. Phải biết với người đơn thuần chỉ mỏi cơ thì bấm những huyệt nào; người mắc bệnh về cơ, khớp thì nên sử dụng hoặc tránh những huyệt nào. Ở đây bọn em phải học hết. Tóm lại, đấm sao cho khách sướng, lần sau người ta còn đến tiếp”. Tay Dũng động vào đến đâu là kêu đến đấy.

 

Hết màn đấm bóp, tới màn giác hơi. Lọ giác lửa cháy đỏ rực mà úp vào lưng lại thấy cảm giác... mát mát. Dũng diễn giải: trong giác hơi cũng cần biết tẩm cồn nhiều hay ít vào que đốt và hơ vào ống giác lâu mau ra sao để đủ độ nóng kéo cơ lên mà vẫn không làm bỏng da khách hàng. Bỏng là coi như đi tong.

 

Sau một loạt các thao tác đấm bóp, hai chúng tôi bị dựng đứng dậy, ngửa lưng vào Dũng và Tuấn. Tuấn kêu anh bạn tôi ôm chặt vào đầu nó, rồi bất ngờ cúi gập người, giũ giũ mấy cái. Bên này tôi cũng bị nhấc bổng lên. Tuấn gọi đó là màn “đi mây về gió”. Chả biết mây gió thế nào, nhưng tôi thấy đúng là đỡ mỏi hơn thật.

 

Bài tẩm quất trị liệu mất đúng 1 tiếng đồng hồ. Hai người hết sáu chục nghìn, chúng tôi bước xuống cầu thang, ra phố Quán Thánh. Gió lạnh ùa vào mặt thật dễ chịu. Mấy tay tẩm quất kẻ đứng người ngồi, buôn chuyện gẫu. Giống như Dũng và Tuấn, họ sẽ phải đứng ngồi chờ khách như thế tới tận hơn 5 giờ sáng... Tự nhiên tôi nhớ lại lời Tuấn lúc trước: “Một đời làm nghề này đã khổ lắm rồi. Đến 2-3 đời theo nhau làm nghề này thì chết, còn nói chuyện gì nữa”...

 

Án Văn Long