1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tầm nhìn vượt thời đại ở dòng kênh đào lớn nhất Việt Nam

Bảo Trân

(Dân trí) - Kênh Vĩnh Tế là dài gần 100km, rộng 30m, là dòng kênh đào lớn nhất Việt Nam. Tính đến nay dòng kênh này đã trải qua 200 năm lịch sử (1824-2024), đóng góp to lớn vào sự phát triển nông nghiệp ĐBSCL.

Tầm nhìn đi trước thời đại của bậc tiền nhân 

Nhân dịp kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824-2024), phát biểu tại Hội thảo "200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và Tầm nhìn tương lai", Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh, giá trị lịch sử 200 năm của kênh đào Vĩnh Tế với những ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện. 

"Đây là công trình quy mô nhất thời bấy giờ với chiều dài 91km, rộng 30m, sâu 2,55m, được thi công bằng sức người, trong thời gian 5 năm", Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang thông tin. 

Công trình là minh chứng cho sự sáng suốt, tài tình của các bậc tiền nhân trong chinh phục thiên nhiên, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ, khai khẩn vùng đất phương Nam, phát triển kinh tế và củng cố sức mạnh quốc phòng. 

Tầm nhìn vượt thời đại ở dòng kênh đào lớn nhất Việt Nam - 1

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang phát biểu tại Hội thảo "200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và Tầm nhìn tương lai" (Ảnh: BT).

Bàn luận về ý nghĩa lịch sử kênh Vĩnh Tế, PGS.TS Vũ Quang Đạo - nguyên Viện trưởng Lịch sử quân sự Việt Nam - cho biết, con kênh này đóng vai trò như một công trình đánh dấu, xác lập và khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ. 

"Kênh Vĩnh Tế như một chiến hào nhân tạo dài và rộng đủ độ sâu cần thiết để ngăn chặn âm mưu, hành vi xâm lấn của đối phương. Ngay sau khi tuyến kênh khai thông, vùng đất Nam Bộ được khai phá và dần mở rộng. 

Việc xây dựng tuyến kênh song song tuyến biên giới cũng đã thể hiện tư duy chiến lược về chủ động phòng thủ. Cùng với mốc chủ quyền biên giới, kênh Vĩnh Tế đóng vai trò như một công trình đánh dấu, xác lập và khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ", PGS.TS Vũ Quang Đạo nêu. 

Cùng ý kiến với PGS.TS Vũ Quang Đạo, PGS.TS Nguyễn Văn Nhật - Phó tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - cho biết, Vĩnh Tế là kênh đào lớn nhất ở An Giang, một trong 4 kênh lớn ở Nam Bộ.

Theo PGS Nhật, giá trị của Kênh Vĩnh Tế tiếp tục được khai thác và phát huy cho đến ngày nay.

Tháng 7/1996, nhận thấy rõ vai trò quan trọng của kênh Vĩnh Tế, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định phóng tuyến kênh T5 (sau này gọi là kênh Võ Văn Kiệt) với chiều dài 36,7 km, đưa nước ngọt từ kênh mẹ Vĩnh Tế xuyên qua vùng Tứ giác Long Xuyên ra tới biển Tây.

"Nhờ tuyến kênh này, chương trình khai thác Tứ giác Long Xuyên sau 10 năm (1989-1999) thành công, góp phần quan trọng đưa sản lượng lúa của An Giang thuộc nhóm đầu của cả nước", ông Nhật nói.

Còn theo GS.TS Nguyễn Ngọc Trân - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - nước ngọt và phù sa mà kênh Vĩnh Tế đổ về được hệ thống kênh chuyển đến các địa bàn rõ ràng là điều kiện cần cho sự thay đổi các hệ sinh thái và đi theo là hệ thống canh tác vùng Tứ giác Long Xuyên.

Nước ngọt đã giúp bà con đồng bằng cải thiện chất lượng sản xuất, năng suất lúa tăng. 

"Về mặt kinh tế, sản xuất tăng, tiếp cận thị trường ngày càng thuận lợi, đời sống của bà con nông dân khấm khá lên, nhiều hộ trở thành tỷ phú. Kênh Vĩnh Tế cha ông đã tốn bao công sức, kể cả sinh mạng để tạo nên là một tài sản vô cùng quý giá của quốc gia, trách nhiệm của chúng ta là giữ gìn và phát huy cao nhất để truyền lại cho đời sau", ông Trân nói.

Tầm nhìn vượt thời đại ở dòng kênh đào lớn nhất Việt Nam - 2

Kênh Vĩnh Tế khai thông "huyệt đạo" làm cho mạch máu giao thông thủy vùng Tứ giác Long Xuyên được vận hành trơn tru, kết nối vùng biên giới Tây Nam thành một dải (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Kênh đào lớn nhất Việt Nam được xây dựng ra sao? 

Kênh Vĩnh Tế chảy qua tỉnh An Giang và Kiên Giang, là dòng kênh đào thủ công lớn nhất Việt Nam. Đến nay, dòng kênh này đã trải qua 200 năm lịch sử (1824-2024). 

Theo sử sách, năm 1819, tức năm Kỷ Mão, sau khi đã nghiên cứu, vua Gia Long ban sắc dụ, giao quan Trấn Thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế.

"Đào con sông này công việc rất khó nhọc. Kế sách của nhà nước, mưu hoạch về biên thùy, đều quan hệ không nhỏ. Các ngươi dẫu ngày nay khó nhọc mà thực có lợi cho muôn đời", nội dung của sắc dụ nêu. 

Kênh được thiết kế song song tuyến biên giới, thông từ Châu Đốc đến Giang Thành - Hà Tiên, để tháo lũ rửa phèn cho vùng, đồng thời tạo nên một con đường thủy trọng yếu có tính chiến lược trong việc trấn giữ miền biên viễn.

Trải qua hai đời vua triều Nguyễn - Gia Long và Minh Mạng, kênh đã hoàn thành dài hơn 90km, rộng 30m, với sự tham gia của hơn 80.000 nhân công, đào bằng tay trong 5 năm (1819-1824).

Tầm nhìn vượt thời đại ở dòng kênh đào lớn nhất Việt Nam - 3

Kênh đào Vĩnh Tế giúp cho nông nghiệp vùng quanh nó màu mỡ (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Kênh đi qua nhiều đoạn đất cứng rất khó đào, lại gặp phải thời tiết thất thường của sơn lam chướng khí, việc huy động nhân lực gặp nhiều khó khăn, nạn thú dữ… 

Vua Minh Mạng ra lệnh cho tướng Lê Văn Duyệt lúc bấy giờ là Tổng trấn Gia Định thành, huy động thêm nhiều dân binh ở các đồn Uy Viễn, Vĩnh Thanh, Định Tường hơn 45.000 người, chia làm 3 phiên, đào đắp bằng tay với dụng cụ thô sơ hàng triệu mét khối đất đá và có khi phải thay nhau thi công suốt ngày đêm. Nhưng hết mùa xuân sang mùa hè, việc đào kênh tiếp tục tạm hoãn vì hạn hán.

Với số lượng lớn nhân công được huy động, qua 3 tháng thi công, con kênh đào được khoảng 70km. Công việc chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế giai đoạn 2 kết thúc.

Đợt cuối được tiến hành vào tháng 2 năm Giáp Thân (1824), với chiều dài hơn 5.000m, từ cuối rạch Giang Thành trở vào tới nơi đã đào xong. Việc đào kênh được tiến hành tích cực với sự hỗ trợ của Phó Tổng trấn Trần Văn Năng và hơn 25.000 người binh và dân, đào cả ngày lẫn đêm. 

Việc đào kênh Châu Đốc - Hà Tiên là một thành quả rất to lớn với số nhân công lên đến trên 80.000 người, thời gian đào kênh suốt 5 năm, từ năm 1819 đến năm 1824 mới hoàn thành. 

Quá trình đào kênh Vĩnh Tế rất khổ cực và nguy hiểm, nhất là những đoạn băng qua "rừng thiêng nước độc, lam sơn chướng khí" cùng với thú dữ tấn công, nhiều dân phu gặp nạn... Khi con kênh hoàn thành, vua Minh Mạng ban tên kênh là "Vĩnh Tế Hà" - kênh Vĩnh Tế. 

Theo kênh Vĩnh Tế, người Hoa từ Hà Tiên về An Giang ngày càng nhiều, khai mở đất, trồng hoa màu, cây ăn trái ở vùng Tứ Giác Long Xuyên… Từ đây, một vùng kinh tế - xã hội mới đã mở ra, đúng ý định chiến lược của vua Gia Long và vua Minh Mạng.

Năm 1830, Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt báo về triều đình rằng đồn Châu Đốc đã lập được 41 xã, thôn, phường, với dân số dân hơn 800 người.

Đến năm 1832, dân số đã tăng lên 1.100 người, ruộng đất được 9 thửa và lập thêm được 15 thôn phố mới, với hơn 300 người.

Đây cũng là thời kỳ mà các làng dọc kênh Vĩnh Tế nói riêng và vùng đất An Giang nói chung đi vào ổn định và ngày càng phát triển.

Kênh Vĩnh Tế khai thông "huyệt đạo" làm cho mạch máu giao thông từ Châu Đốc đến Hà Tiên được vận hành trơn tru để kết nối vùng biên giới Tây Nam thành một dải, thiết lập thế trận phòng thủ biên cương, khẳng định chủ quyền đất nước và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình khai hoang, lập ấp.  

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm