Tiến tới Đại hội XIII của Đảng:

Tầm nhìn chiến lược của Đảng - khát vọng phát triển của dân tộc

Nguyễn Sự

(Dân trí) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đồng tâm nhất trí, chung sức đồng lòng, chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng.

Tầm nhìn chiến lược của Đảng - khát vọng phát triển của dân tộc - 1

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận buổi làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 3/9. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN


Đúng dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, có bài viết quan trọng: "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới".

Bài viết đã nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội XII, đề cập phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ XIII và giai đoạn sắp tới, khái quát hóa những vấn đề lý luận và sâu sát chỉ đạo thực tiễn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và khát vọng phát triển, đi lên của cả dân tộc, thu hút sự quan tâm, đồng tình, đánh giá cao của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Mỗi kỳ Đại hội Đảng đều có ý nghĩa rất quan trọng, là sự kiện chính trị lớn nhất của Đảng, của đất nước trong từng giai đoạn, từng thời kỳ phát triển. Đại hội là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, là dịp đánh giá những thành tựu, kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua; quyết định đường lối, mục tiêu nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.

Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào thời điểm có tính bước ngoặt lịch sử, đất nước đã trải qua 35 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, hướng tới 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (2045), nên càng có ý nghĩa quan trọng, định hướng tương lai.

Hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ Đại hội là công tác văn kiện và công tác nhân sự. Việc chuẩn bị thật tốt công tác nhân sự Đại hội không chỉ bảo đảm thành công của Đại hội, mà còn là nhân tố quyết định việc triển khai thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối mà Đại hội đề ra.

Bác Hồ từng nói: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, coi đây là khâu "then chốt" của nhiệm vụ "then chốt".

Qua đại hội đảng bộ cơ sở và cấp trên cơ sở vừa qua, công tác nhân sự đã được tiến hành bài bản trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Trung ương, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng đảng bộ.

Đối với công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Vấn đề quan trọng hàng đầu là phải xây dựng một tập thể Ban Chấp hành Trung ương thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất cao ý chí và hành động; tiêu biểu cho toàn Đảng và gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Trong đó, từng đồng chí Ủy viên Trung ương phải thật sự là những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc.

Cùng với công tác nhân sự, công tác văn kiện đã và đang được chuẩn bị công phu, bài bản để văn kiện Đại hội thực sự là kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; thể hiện được những quan điểm, chủ trương, phương hướng lớn, cho thấy tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng, khát vọng phát triển của dân tộc.

Đại hội cấp cơ sở và trên cơ sở vừa qua đã tiến hành thảo luận kỹ lưỡng các dự thảo Văn kiện Đại hội, đóng góp ý kiến phong phú, đa dạng, nhiều chiều, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và quân ta đối với tương lai, vận mệnh của đất nước.

Sau 75 năm giành độc lập dân tộc, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã đoàn kết, đồng lòng, đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Từ một nước nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu, trình độ rất thấp, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có quy mô dân số gần 100 triệu người, đang phát triển, có thu nhập trung bình; có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, là thành viên, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh khu vực và thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao (khoảng 6%/năm), là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên một bước. Xã hội cơ bản ổn định, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao (tỉ lệ hộ nghèo từ 58% năm 1993 giảm xuống 9,88% năm 2016 và hiện còn dưới 3%). Các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam... có nhiều chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, năm 2020, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát, ngăn chặn được sự lây lan của đại dịch COVID-19 trong cộng đồng, hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”; đồng thời từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2020 và cả giai đoạn 2016 - 2020, trở thành một điểm sáng về phòng, chống đại dịch COVID-19, được thế giới ghi nhận, đánh giá cao, góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ (tụt hậu xa hơn về kinh tế; chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và tệ quan liêu; "diễn biến hòa bình") mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn hiện hữu. Sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng tinh vi, nguy hiểm, phức tạp trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, sự bùng nổ của hệ thống thông tin truyền thông toàn cầu, chiến tranh mạng...  

Trong bối cảnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Tư tưởng xuyên suốt và nhất quán của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”. Trong đó, nếu chỉ "kiên định" một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ, nhưng nếu không kiên định mà "đổi mới" một cách vô nguyên tắc thì cũng rất dễ rơi vào chủ nghĩa xét lại, chệch hướng, "đổi màu". Cho nên, kiên định phải gắn liền với sáng tạo và sáng tạo phải trên cơ sở kiên định phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.

“Phát triển nhanh và bền vững” được xác định là mục tiêu chiến lược của đất nước ta trong giai đoạn tới. Để đạt mục tiêu đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cần huy động cả nguồn lực vật chất và tinh thần để tiếp tục bứt phá, vươn lên; phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phấn đấu đưa nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng XHCN. Đó là tâm huyết, trí tuệ và niềm tin, là "ý Đảng, lòng Dân" hòa quyện cùng mong muốn, khát vọng và ý chí vươn tới một tương lai rạng rỡ của đất nước và toàn dân tộc.

Khẳng định quan điểm "dân là gốc", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, phải thật sự tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Đồng thời, Đảng phải kiên quyết, tích cực củng cố và xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, làm cho Đảng thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng phải được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đây là bài học kinh nghiệm quý báu mà Đảng ta đã đúc rút qua quá trình 90 năm xây dựng, trưởng thành và lãnh đạo cách mạng Việt Nam.  

Bác Hồ từng căn dặn: "Đại hội Đảng rất quan hệ với tương lai cách mạng của Đảng ta và của nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa". Với tinh thần đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đồng tâm nhất trí, chung sức đồng lòng, chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc".

Dòng sự kiện: Đại hội Đảng XIII