Tầm cao lịch sử
Nếu cả ngàn năm dưới các triều đại phong kiến, ông cha ta cuốn vào những tư tưởng Nho giáo, thì Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã mở ra chân trời mới: nhìn về phương Tây với tư tưởng tự do và bình đẳng.
Chào mừng 65 năm ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc, cũng là thời điểm nhân dân Việt Nam náo nức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Với hào khí bừng bừng
Cách nay tròn 1.000 năm, Lý Công Uẩn viết Chiếu dời đô công bố với quần thần, tỏ ý định chuyển kinh đô từ Hoa Lư ra thành Đại La (Hà Nội ngày nay) là muốn “trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân” nhằm giữ cho “vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”.
Tuy là quyền đang nằm trong tay, nhưng Lý Công Uẩn không độc đoán làm theo ý của riêng mình, dẫu rằng đó là ý tốt, vì nước vì dân cả thôi. Ngài hỏi: “Trẫm dục nhân thử địa lợi dĩ định quyết cư, khanh đẳng như hà?” (Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở, các khanh nghĩ sao?). Nhiều thức giả đã đánh giá đây là câu hay nhất trong bài Chiếu dời đô.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2/9/1945.
Cách nay tròn 65 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình trước gần một triệu đồng bào nội, ngoại thành Hà Nội.
Đang đọc giữa chừng, Người dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Cả rừng người đồng thanh hô “Có!”. Lịch sử ngàn năm như lặp lại với hào khí bừng bừng, với tình cảm dân tộc nồng nàn, thể hiện cao độ tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Nếu cả ngàn năm dưới các triều đại phong kiến, ông cha ta cuốn vào những tư tưởng Nho giáo, về cơ bản chỉ biết xoay quanh trục quyền lực, chứ không cung cấp cho nội tâm con người một hệ thống giá trị có thể đối kháng quyền lực thế tục, thì Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã mở ra chân trời mới: nhìn ra bốn phương tám hướng với tư tưởng tự do và bình đẳng.
Từ những tư tưởng mới
Nếu Chiếu dời đô, Lý Công Uẩn dẫn điển các vua thời Tam Đại bên Tàu, cùng với thuật phong thủy của phương Đông: “Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất; được thế rồng cuộn hổ ngồi, đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng”…, thì Tuyên ngôn Độc lập của thời đại Hồ Chí Minh dẫn điển từ tiên tiến với những tư tưởng mới liên quan tới số phận của từng con người: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ảnh: Tư liệu.
Đây là tư tưởng chủ đạo, tiêu biểu cho nguyện vọng các dân tộc thuộc địa đấu tranh để giành độc lập tự do cho nhân dân, đã được Hồ Chí Minh vận dụng vào Tuyên ngôn Độc lập 1945. Bên cạnh đó, Người còn tham khảo Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791.
Đây là bản Tuyên ngôn có ảnh hưởng lớn đến phong trào của nhân dân các nước đang đấu tranh chống chế độ phong kiến lúc bấy giờ: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Và Hồ Chí Minh khẳng định: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”, bởi đây là mối quan hệ biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc. Do đó, sau khi đánh đổ các xích xiềng thực dân gần 100 năm qua từ tay phát xít Nhật, nhân dân Việt Nam có quyền “lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”.
Nhìn đúng về tương lai
Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra những cơ sở lý luận vững chắc, rồi vững tin tuyên bố: “Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.
Không chỉ vậy, Người còn trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Nhìn lại 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt 65 năm khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, chúng ta tự hào về công cuộc giữ nước và dựng nước của dân tộc. Với niềm tin ấy, với tinh thần ấy, những ngày này, chúng ta không chỉ “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, mà còn có quyết tâm mới - quyết tâm nhìn đúng về tương lai - thực hiện bằng được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Theo Vu Gia
Báo Đất Việt
Báo Đất Việt