1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sừng tê tiêm thuốc độc, bị làm giả và những mù quáng có thật

Khi được Quỹ bảo tồn tê giác (Rhino Fundation) của Nam Phi và Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV) mời chọn là nhà báo Việt Nam duy nhất sang châu Phi điều tra về nạn săn bắn, buôn bán sừng tê giác, cảm giác của tôi đan xen lẫn lộn.

Vui, tự hào. Lo lắng cho công việc, lo lắng cho những đêm ngủ rừng và những ngày ngồi chênh chao trên trực thăng xuyên sa mạc và rừng thẳm. Một phần lớn nữa, là nỗi chua xót về sự mù quáng của những người mà số phận buồn hoặc vui đưa họ đến niềm tin đăm đắm vào công dụng “thần dược” của sừng tê giác.
 
Thợ săn và... chiến lợi phẩm.

Thợ săn và... chiến lợi phẩm.

Người bị bệnh hiểm nghèo muốn neo giữ sự sống còn sót lại của mình bởi một thứ thần dược nghe đồn là chữa được bá bệnh; người giàu có muốn sở hữu cái sừng mài uống sau khi nhậu nhẹt để được tiếng là biết cách giải độc cơ thể mình kiểu “đại gia”. Không phải là nhà khoa học, trước khi sang Nam Phi, bằng tư duy bình thường, tôi đã thấy sự mù quáng của cái “niềm tin” vào “những đồn thổi vỉa hè” kia. Đáng tiếc, niềm tin lơ mơ kia đã rất nhiều khi được đánh đổi bằng tiền trăm triệu đồng, bằng tiền tỉ để mua sừng tê giác rởm. Thậm chí nó còn được đánh đổi bằng tính mạng người sử dụng khi uống dính sừng tê tiêm, nhuộm thuốc độc trong đề án chống săn bắn tê giác của Nam Phi.

Nước mắt của những người nằm chờ chết vẫn bị lừa đảo

Trước thảm họa đó, cơ quan chức năng của nước bạn Nam Phi đã tính toán kỹ, đã dùng đến phương án cuối cùng khi mà các phương án chống săn bắn và buôn lậu trong nước họ đã nỗ lực hết mình mà chưa hiệu quả: kêu gọi “quốc tế” cùng vào cuộc. “Quốc tế” này là những ai? Là thông điệp cho người dân ở những khu vực có niềm tin mù quáng, rồi trở thành một trong những “thị trường cuối cùng” nóng bỏng nhất địa cầu trong việc buôn bán, sử dụng sừng tê giác. Điều đáng… buồn là họ đã chọn Việt Nam. Sau chuyến đi “mở màn” của tôi, khá nhiều nhà báo khác tiếp tục được mời theo chủ trương này. Tôi chua xót gọi, đó là những chuyến đi để chống lại sự mù quáng.
 
Thợ săn và... chiến lợi phẩm.


Tại sao người ta chọn tôi - một gã ở bên kia quả địa cầu so với nơi họ sống, nơi những đàn tê giác đang hoảng hồn rồi gục ngã trước đám thợ săn trộm với súng dài, cùng các cỗ trực thăng tối tân nhất? Đơn giản trước đó, ENV biết tôi và nhóm nhà báo quan tâm đến môi trường đã điều tra khá kỹ về thị trường bát nháo, náo loạn và “điên khùng” của sừng tê giác ở Việt Nam. Tôi đã lần theo một “đầu mối” cung cấp sừng tê giác ở nhiều tỉnh, trong đó có Phú Thọ, rồi lọt vào thiên la địa võng của những kẻ lừa đảo.

Vẫn là chiêu bài người quen giới thiệu, rỉ tai, gửi thông tin “đã công bố” rất “chính thống” trên mạng internet (mạng loạn thế thì con buôn dại gì nó không lợi dụng!). Và các cuộc gặp ngoài quán nhậu. Xe hơi láng cóng, ông chủ ăn mặc kiểu thợ săn. Nhà ông chủ cũng trưng bày la liệt voọc, khỉ, vượn, gấu dạng tiêu bản, ý rằng anh là tay chơi, đi lại Việt, Lào, Thái Lan, nấu cao hổ nhoay nhoáy. Thế nên “anh giúp chú mua sừng tê giác về cho người nhà chú chữa ung thư”. Hắn đưa tôi vào nhà. Rồi gọi điện cho đàn em mang sừng tê giác đến. Sừng bọc kỹ. Nhẵn thín như con… quay, như củ khoai bằng pô-li-me (xem ảnh). Bấy giờ, cả đời tôi chưa nhìn thấy sừng tê giác được cắt ra để lên bàn bao iờ. Bọn họ chỉ trỏ: Đây là vết mài sừng để uống, khỏe lắm, khỏe cả sinh lực đàn ông, giường chiếu băng băng nhé. Cậu đàn em bảo: Đây là món quà bố em tặng cho em trước khi cưới vợ. Tuần sau em cưới, bố em vốn là kiểm lâm, được tặng hàng này. Ông em mài uống, rồi bố em mài uống, nay nó mòn vẹt thế này đây. Tính ra hơn 600 triệu cái sừng nhỏ như vốc tay đó. Em bán ngay tuần này kẻo không có tiền cưới vợ…
 
Thợ săn và... chiến lợi phẩm.


Từng vệt tròn, từng vệt xước trên “báu vật gia bảo” sừng tê giác đó đều được miêu tả lý lịch rất ly kỳ. Anh chàng còn rủ rỉ: Tê giác có loại 2 sừng, loại 1 sừng. Sừng nhỏ và sừng to đôi khi ngự trên cùng một “gương mặt”, sừng to có khi bằng cái phích, sừng nhỏ này nó tụ được nhiều chất chữa bệnh huyền diệu hơn sừng to. Chữa ung thư thì chỗ này phải cứu được hàng trăm người. Cứ mài ra uống thôi.

Thấy kế hoạch có vẻ trơn tru, hoàn hảo, tôi cho người gọi điện giả vờ hẹn địa điểm giao nhận hàng, mặc cả giá rồi… đi tìm hiểu về hai anh chàng “đại gia” bán sừng tê giác. Than ôi, chả cần đi xét nghiệm cái sừng làm gì, chỉ ngồi quán nước đầu nhà “đại gia” đã thấy người ta ỳ xèo: Xe nó đi mượn ở đâu ấy chứ, đến nhà rách mà ở nó còn chả có. Sừng tê giác làm gì có. Thằng cu “thừa kế sừng tê giác, sắp cưới vợ” kia nó chả có vợ từ đời tám hoánh, không nghề nghiệp nên nó nghĩ ra đủ mánh kiếm tiền đấy. Đừng có cho người ung thư mài uống cái sừng đó, sừng bằng nhựa đấy!

Mục đích của tôi là đi vạch mặt bọn lừa, nên chúng làm gì có cơ hội lừa tôi. Nhưng thử hỏi một bệnh nhân ung thư, sau phẫu thuật và truyền hóa chất rụng hết tóc, nôn mật xanh mật vàng, kiệt quệ kinh tế, suy kiệt sức khỏe, cái chết tính bằng ngày, mà lại mất vài trăm triệu để uống “thần dược” bằng nhựa mài ra… thì sẽ ra sao?

Sau chuyến đi Nam Phi trở về, tôi viết nhiều bài báo, đặc biệt là sau các chương trình nói chuyện trực tiếp trên VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, tổ chức các cuộc họp báo lớn, giao lưu ở các trường Đại học…, tôi liên tục nhận được phản hồi từ bà con về thảm nạn sừng tê giác giả. Sau khi xem tivi, có người gọi cho tôi: “Mời anh đến nhà tôi, tôi cho anh một mẩu sừng tê giác tôi vừa mua mất cả chục triệu đồng. Tôi bị ung thư phổi. Ông cán bộ tổ dân phố rất nhiệt tình bảo nhất quyết giới thiệu người thân tín để tôi mua được “sừng tê giác” mà… sống sót.

Người nhà ông ấy làm ở… (to lắm - PV), mang từ Tây về. Tôi mài ra định uống thì thấy nước sau khi mài bằng “đĩa Bát Tràng” (có in hình con tê giác) nó có màu… đen kịt như nước cống. Ngửi thì rất kinh khủng, như nylon ấy. Vì thế tôi không dám uống”. Khi người viết bài này có mặt, nhìn bằng mắt thường thì rất khó phân biệt sừng nhựa hay sừng gì đó. Con trai ông già bị ung thư kia đi giám định, thì người ta bảo sừng giả.

Vừa rồi, một nhóm làm phim nổi tiếng gồm các đồng nghiệp người Mỹ, Anh và Canada đến Việt Nam có liên lạc với tôi để phỏng vấn, tôi đưa đến gặp gia đình ông lão gần đất xa trời vì bệnh trọng đó, ông nói bằng tiếng Anh (ông là chuyên gia kỳ cựu trong ngành truyền hình Việt Nam): “Sao họ có thể lừa tàn độc thế?”, nói rồi ông rớm khóc. “Người nhà tôi, bạn bè tôi mua sừng tê giác thật (sau khi giám định), về uống nhưng vẫn… chết như thường. Bây giờ có sừng thật tôi cũng chả mài uống nữa đâu. Toàn một lũ lừa đảo”. Bây giờ thì phổi ông đã rỗng đi vì chứng bệnh quái ác, giọng ông đã mê sảng rồi, cuốn nhật ký “Đường về ga cuối” để chiến đấu với bệnh ung thư của ông sắp bị bỏ dở…

Sừng tê giác chữa được ung thư thì thế giới này đã khác

Chỉ có những người thậm thơ ngây, hoặc vì lý do nào đó mà bị bắt buộc phải nhìn cuộc sống màu hồng, thì họ mới có thể tin sừng tê giác chữa được ung thư; mới có thể tin vào thị trường “chợ đen” sừng tê giác ở Việt Nam. Khi chúng tôi đi qua các thảo nguyên mênh mông cỏ úa Nam Phi, thấy ở đó từng đàn tê giác nuôi chung với… trâu, bò và nhiều đại gia súc sắp giết thịt khác; khi chúng tôi biết về việc các khu bảo tồn tư nhân cho sinh sản hàng nghìn con tê giác, biến loài tê giác nơi đây từ chỗ đứng bên bờ tuyệt chủng đến chỗ đông đàn dài lũ để cho du khách thả sức săn bắn mang về nước làm chiến lợi phẩm; khi chúng tôi vào các “nông trại” nhốt tê giác, đeo chip điện tử ở tai “loài vật khổng lồ đến từ thời tiền sử” đó rồi mở nhạc êm ái cho chúng nghe… - thì chúng tôi hiểu rằng: Tê giác rất dễ tính, dễ tình dục và dễ sinh đẻ.

Vậy thì nếu tê giác chữa được ung thư, cứu một mạng người bằng xây 9 ngôi chùa, cứu người phúc đẳng hà sa, ta cũng nên nhân nuôi tê giác cắt sừng bán hoặc phát không cho người bệnh. Nên chứ, con vật nào đó khi đã có thể nhân nuôi, nếu nó phải chết một số cá thể để cứu con người thì cũng là một vinh quang cho nó. Vả lại, thị trường “chợ đen” ở Việt Nam dù không muốn thì nó vẫn tồn tại. Khi mà ra bất cứ quán xá nào hoặc cứ lên mạng internet gõ “google” là tìm thấy số điện thoại và địa chỉ mua sừng tê giác (rồi có thể đem sừng ấy đi thuê giám định để biết thật - giả ra sao!) - thì trong cơn lốc kinh hoàng ung thư ở Việt Nam hiện nay, sẽ có rất nhiều người mua được sừng tê giác (dù tới 50.000USD/cái, vài chục triệu đồng một mảnh) để cứu mình và cứu thân nhân. Vậy thì tại sao tất cả mọi người không dùng sừng tê giác để sống sót?

Tại sao các bệnh viện điều trị ung thư luôn quá tải bậc nhất trong hệ thống bệnh viện Việt Nam, người ta lại không bỏ công việc của mình đi, mua 30 cái sừng tê giác và xếp các đĩa mài bé xíu, rồi máy mài chuyên dụng ra đó để mài… cứu người? Tại sao Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela phải chết vì ung thư trong nước mắt tiếc thương chân thành nhất của nhiều triệu người khắp thế giới? Ông ấy có thiếu tiền và thiếu quyền, thiếu “quan hệ” để sở hữu một cái sừng tê giác xịn không?
 
Cơ quan chức năng bắt giữ, giám định sừng tê giác.

Cơ quan chức năng bắt giữ, giám định sừng tê giác.

Tại sao người Mỹ, người Nhật, người khắp thế giới và cả người Nam Phi đang sở hữu 80% số tê giác toàn cầu nữa, sao họ vẫn đều đặn chết vì ung thư? Chỉ có một câu trả lời: Sừng tê giác cũng như sừng trâu, sừng bò, như móng tay móng chân của chúng ta và các loài vật ngoài chúng ta, tức là nó không phải “thần dược” chữa ung thư và các bệnh hiểm nghèo. Chỉ là do bọn con buôn tung tin hỏa mù để trục lợi. (Và ta mở ngoặc luôn: Nếu sừng tê giác chỉ để mài ra uống giải rượu, giải độc hoặc hạ sốt thì thiếu gì thuốc thay thế, có khi viên áp-phê-nê-gan, ít râu ngô mã đề là xong, việc gì phải mua hàng phi pháp, bỏ ra cả núi tiền rồi mài trẹo cả tay, trẹo cả quai hàm?).

Và đứng trước trang trại tê giác Nam Phi, tôi chưa kịp nói những suy nghĩ đó ra (sau này tôi đã nói trên nhiều diễn đàn) thì một cán bộ bảo tồn nổi tiếng của nước bạn đã nhanh nhảu: “Nếu người Việt Nam chứng minh sừng tê giác chữa ung thư được, tôi sẵn sàng làm thủ tục mang tê giác sang biếu người Việt Nam cả một nông trại, để cứu người. Còn nếu cứ giết tê giác với tốc độ 2,5 con/ngày như hiện nay, để “nướng” vào những hành vi kỳ quái, những niềm tin mù quáng đáng thương thế kia, thì một con cũng không!”. Quả thật, nếu sừng tê giác hay cái gì đó có thể chữa ung thư và nhiều bệnh hiểm nghèo như đồn đoán, như cách loan tin trục lợi của cánh con buôn, thì thế giới này đã thay đổi từ lâu. Hệ thống đa ngành, đa nghề, hàng nghìn bệnh viện ung thư trên thế giới sẽ được sung sướng giải thể. Hàng vạn nạn nhân ung thư ở Việt Nam sẽ thoát “án tử hình”. Và ông Chavez vẫn còn đang làm Tổng thống Venezuela.

Mài tóc người ra uống để chữa bệnh ung thư?

Màng trinh của phụ nữ họ còn “làm giả” được, miếng thịt bò khô vài nghìn đồng/gói họ còn làm bằng nhựa, bằng xốp được, thì cớ gì mà sừng tê giác mấy trăm triệu đến mấy tỉ đồng, họ không làm giả được? Con tê giác cuối cùng ở Việt Nam chết từ năm 2010, nên hầu hết người Việt Nam chưa từng nhìn thấy… tận mắt con tê giác, càng chưa nhìn rõ cái sừng nó bao giờ. Khi có người ung thư, có người chờ chết vì bệnh trọng, người ta quáng quàng, nháo nhào đi mua “thần dược đến từ châu Phi”, có gì mà không bị lừa.

Tiến sĩ Đặng Tất Thế - Trưởng phòng Hệ thống học phân tử và Di truyền bảo tồn, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) - là người được đào tạo ở Mỹ và nhiều năm đi giám định các loại sừng tê giác và giả sừng tê giác với sự trưng cầu của cơ quan công an và nhiều tổ chức, cá nhân khác. Ông Thế đã chắc nịch khẳng định với nhà báo: 90% số sừng tê giác trên thị trường hiện nay là giả. Đại diện Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an - đại tá Lê Văn Lợi (Trưởng phòng giám định hóa pháp lý) - cũng đưa ra câu chuyện và con số như trên! Các chuyên gia nói ra điều đó làm gì, nếu không là để cảnh tỉnh, để cứu vớt những người còn niềm tin mù quáng vào cái gọi là “thần dược sừng tê giác”?
 
Tê giác nuôi trong trang trại, được gắn chíp điện tử ở Nam Phi.

Tê giác nuôi trong trang trại, được gắn chíp điện tử ở Nam Phi. 

Đấy là chưa kể, như Lao Động đã viết trong loạt bài điều tra về tàn sát tê giác ở Nam Phi mới đây: Lâu nay, nước bạn đã tổ chức bắn gây mê, khoan sừng, tiêm thuốc độc, rồi dùng máy thủy lực nhuộm đỏ sừng những con tê giác đang sống để đánh dấu, cảnh báo,… tránh bị săn trộm. Đây là một phương pháp còn gây tranh cãi, nhưng sự thật là nó đã được thực thi. Bà Nguyễn Phương Dung - Phó Giám đốc ENV - cũng vừa gửi cho tôi “kho” ảnh và tư liệu về việc: Phía bạn Nam Phi lại tổ chức tiêm thuốc độc vào sừng của những cá thể tê giác ở một khu bảo tồn đang bị săn trộm dã man nhất ở gần thủ đô Johannesburg, vào cuối tháng 10.2013.

Thực tế thì, ai cũng biết, đám thợ săn trộm thì không cần biết tê giác nào bị tiêm thuốc độc vào sừng. Nó cứ bắn, 24 tiếng sau sừng đó từ châu Phi về đến Châu Á, có thể bến đỗ là Việt Nam. Có thể ai đó, đại gia giải rượu hay người ung thư giai đoạn cuối sẽ mua cái sừng đó về dùng: Thuốc độc lại tưởng là “thần dược”. Thật sự đó là một thảm họa không ai muốn, song nó đã diễn ra và chắc chắn sẽ còn diễn ra, cùng với độ nóng rẫy của “thị trường đen” sừng tê giác ở nước ta...

Sừng tê giác không thể nào chữa được ung thư. Khi mù quáng, nghĩa là người ta đã tự bịt mắt hoặc bị bịt mắt mà thôi.

Theo Đỗ Doãn Hoàng
Lao động