Sữa Trung Quốc ở Việt Nam: Chủ yếu dùng làm bánh và kem
Theo Giám đốc kinh doanh một công ty sữa lớn, tất cả các nguyên liệu sữa ngoại nhập nếu theo đúng đường chính ngạch thì đều đạt tiêu chuẩn. Nhưng vấn đề ở chỗ sữa, nhập theo đường phi mậu dịch thì không ai có thể kiểm soát được.
Sữa chính ngạch: Không lo!
Sự kiện sữa nhiễm melamine Tam Lộc (Trung Quốc) đang thu hút sự chú ý của người tiêu dùng trên thế giới nói chung và cả Việt Nam nói riêng. Bởi tập đoàn Fonterra của New Zealand, liên doanh với Tam Lộc, là nhà cung cấp nguyên liệu cho nhiều công ty sữa lớn tại Việt Nam.
Trao đổi với bà Lê Thị Vân, giám đốc công ty Đại Tân Việt, nhà phân phối độc quyền sữa nguyên liệu Fonterra tại Việt Nam, về những băn khoăn này, bà Vân khẳng định: “Chúng tôi không cung cấp nguyên liệu sữa để sản xuất sữa dành riêng cho trẻ em tại Việt Nam mà chúng tôi cung cấp bột sữa béo và sữa gầy dùng để sản xuất sữa tươi, làm bánh, làm kem, dùng trong chế biến thực phẩm… Toàn bộ sữa nguyên liệu này đều nhập từ New Zealand, đạt tiêu chuẩn thế giới và tiêu chuẩn Việt Nam theo CODEX về hàm lượng các chất cần thiết”.
Theo Giám đốc kinh doanh của một công ty sữa có thương hiệu trên thị trường thì tất cả các nguyên liệu sữa ngoại nhập nếu theo đúng đường chính ngạch, chịu sự kiểm soát gắt gao của các cơ quan quản lý nhà nước thì đều đạt tiêu chuẩn. Nhưng vấn đề ở chỗ sữa, nhập theo đường phi mậu dịch thì không ai có thể kiểm soát được.
Sữa nhập đường tiểu ngạch: Rẻ là trên hết!
Cho đến nay, chưa có số liệu thống kê chính thức nào đề cập đến nguồn sữa nhập lậu này. Báo cáo mới đây từ bộ phận thị trường của một công ty sữa có doanh số hàng đầu Việt Nam cho biết: sữa lậu từ Trung Quốc tràn ngập ở chợ biên giới phía Bắc, đưa vào bán khá nhiều ở các chợ đầu mối trong TP.HCM như Kim Biên, Bình Tây, các đại lý chuyên doanh phụ gia thực phẩm…
Ở thời điểm giữa tháng 9/2008 này, bột sữa (nguyên liệu sữa cơ bản, chưa pha trộn thêm hương liệu, các chất bổ sung) nhập chính ngạch của các tập đoàn chuyên cung cấp nguyên liệu từ Úc, New Zealand có giá khoảng 80.000 - 88.000đ/kg thì loại bột sữa từ Trung Quốc có giá khoảng 60.000 - 62.000đ/kg (thường đóng bao 25 và 50kg).
Theo ghi nhận của phóng viên sáng 14/9, nhiều cửa hàng chuyên bán hương liệu, bột màu, bơ sữa và công nghiệp thực phẩm chợ Kim Biên đang bán loại sữa bột, bơ sữa có xuất xứ từ Malaysia và Trung Quốc. Loại sữa bột duy nhất được bán là sữa bột Humilk nhãn hiệu hình con bướm với giá sỉ 68.000đ/kg.
Ông chủ cửa hàng Diệp Tuyền cho biết: “Năm ngoái, chợ có một khu bán sữa hoá chất của Trung Quốc nhưng đã dẹp rồi. Hiện giờ các chủ thương ở đây chỉ còn bán một loại bột sữa hình con bướm thôi. Khách hàng chủ yếu là những người mua về làm bánh và kem để bán”.
Nhiều chủ cửa hàng lẫn người mua đều không kiểm định xem thành phần trong sữa có đạt tiêu chuẩn hay không. Khi hỏi một số khách hàng đang mua bột sữa có biết thông tin rằng hiện nay sữa bột Trung Quốc đang bị cấm vì có sử dụng chất melamine, nhiều người lắc đầu.
Ông Trần Văn Minh, một khách hàng nói: “Tôi không nghe thông tin gì về việc này. Nếu hàng không có chất lượng thì sao lại cho nhập khẩu về đây? Trước đây, tôi cũng có nghe thông tin sữa Trung Quốc giả gây chứng phù mặt ở trẻ em, một thời gian sau rồi người ta cũng mua lại thấy có bị gì đâu!”. Chị Minh Hằng, chủ một cửa hàng cho biết: “Người ta nhập về thì tôi cứ bán, hồi giờ chưa thấy khách hàng nào phàn nàn về chất lượng cả”.
Khảo sát thị trường bán lẻ ở khu vực TP.HCM như chợ Kim Biên, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Thông, Cách Mạng Tháng Tám… không có sữa của công ty Tam Lộc. Các chủ sạp, các chủ cửa hàng sữa đều khẳng định không hề có sữa Trung Quốc đóng lon bày bán ở Sài Gòn, tuy nhiên muốn mua sữa rẻ chỉ có hàng của các cơ sở tư nhân đóng gói - nguyên liệu nhập từ châu Âu.
Ông A. Dìn, một thương nhân chuyên bán sỉ sữa cho biết: trước năm 2005, các loại sữa đóng gói bao nylon hay bao giấy còn ghi rõ địa chỉ các cơ sở chế biến, đóng gói, như TT, TC, MN, PT, TN, HN… Hiện nay, hầu hết sữa loại rẻ đều ghi tiếng Anh, hoặc ghi sữa nguyên kem có chứa DHA, ARA, Taurin… hoặc sữa high calcium… và chủ yếu bán về các tỉnh, muốn mua phải dặn trước mới có. Giá sữa loại này thường rẻ hơn sữa đóng lon có thương hiệu của Việt Nam từ 20 - 40%.
Tình trạng sữa nhập lậu vào Việt Nam không phải là vấn đề mới. Trong bối cảnh giá nguyên liệu sữa của các tập đoàn cung cấp tăng lên quá nhanh trong vòng hai năm trở lại đây thì mức chênh lệch trên 30% giá bán giữa nguyên liệu có thương hiệu và không thương hiệu như một lực đẩy để sữa lậu tràn vào Việt Nam.
Lực đẩy này còn được cộng hưởng bởi quan hệ cung cầu. Thị trường sữa trong nước, theo đánh giá của các nhà kinh doanh, còn dư địa để phát triển, trong khi Việt Nam vẫn chưa sản xuất được bột sữa.
Người tiêu dùng thành phố có thể an tâm phần nào khi biết không có sữa Tam Lộc bày bán nhưng người tiêu dùng ở tỉnh chưa thể yên tâm khi sử dụng sữa đóng gói. Chưa kể tới việc sữa bột có thể hiện diện trong thực phẩm chế biến có sử dụng nguyên liệu sữa.
Cơ quan kiểm định chỉ xác định được hàm lượng melamine, chất gây sạn thận và bị cấm sử dụng trong thực phẩm, có trong sữa nhập khẩu chính thức, trong khi chất lượng sữa nhập tiểu ngạch vẫn là dấu hỏi lớn treo lơ lửng trên đầu người tiêu dùng.
Theo Bích Thảo, Hoàng Dung
Sài Gòn Tiếp Thị