“Sống ở làng, cả trẻ con, cứ lễ hội là uống rượu thôi!”
(Dân trí) - Đó là chia sẻ thực tế tại hội trường Quốc hội của một nữ đại biểu đến từ Tây Nguyên trong phiên thảo luận về dự luật phòng chống tác hại của rượu, bia sáng 23/5. Đại biểu nghi ngại về một dự luật khó đo đếm hiệu quả nếu cố thông qua một cách khiên cưỡng…
Bày tỏ sự tán thành với tính cần thiết của luật, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nhận định, không cần phải dẫn chứng cụ thể những vụ việc thương tâm, những câu chuyện nhức nhối từ tai nạn giao thông tới bạo lực gia đình hay xâm hại tình dục… do tác hại rượu bia đã gây ra nữa vì đó thực tế đã là vấn nạn.
“Nếu đặt mình vào từng gia cảnh, từng thân phận con người đang đối mặt với những mất mát đau thương, kể cả những người vì rượu bia mà vướng vào vòng lao lý, chúng ta sẽ hiểu được nỗi đau hay bản án lương tâm mà họ đang phải trải qua mỗi ngày. Tuy nhiên, cũng chỉ có thể tính đến việc làm sao hạn chế tác hại của rượu bia” – đại biểu kêu gọi, nếu dùng rượu bia mà không thể kiểm soát những tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân hoặc là tội phạm.
Bà Hiền tập trung vào vấn đề bảo vệ trẻ em trước khả năng tác động của rượu bia. Theo đại biểu, cần chú trọng nguyên tắc, hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn, kiểm soát nội dung quảng cáo, nghĩa là làm sao cho trẻ không bị lầm tưởng rằng rượu bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng.
Đại biểu phân tích, trên thực tế, các loại bia chiếm áp đảo thị trường trong nước hiện nay đa số có độ cồn từ 4,2 đến 5%. Tổ chức Y tế thế giới từng nhận định, bia hiện là loại đồ uống phổ biến ở Việt Nam khi lượng tiêu thụ bia lên tới hàng tỷ lít/năm. Đại biểu lo ngại, trong điều kiện bia được tiếp thị, quảng cáo rộng rãi như hiện nay, bia sẽ là lựa chọn chính với giới trẻ khi bắt đầu làm quen với đồ uống có cồn.
Bà Hiền đề nghị quy định hạn chế quảng cáo bia với độ cồn từ 4% trở lên thay cho trên 5,5% mới bắt đầu kiểm soát và nới khung giờ kiểm soát quảng cáo này trong suốt chương trình truyền hình đến 21 giờ tối.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cũng quan tâm các quy định hạn chế việc phổ biến rượu bia đối với trẻ em được nêu trong dự luật. Ông Nhân không đồng tình với việc loại bỏ một quy định đã từng được thể hiện là “cấm bán rượu bia có nồng độ cồn từ 15% trở lên trên mạng internet”.
Đại biểu cũng băn khoăn với việc bia có nồng độ cồn dưới 5,5% không bị hạn chế quảng cáo trên các phương tiện truyền thông. Theo đó, loại đồ uống có khả năng nguy hại với trẻ em này trở thành sản phẩm được phủ trong “vùng trắng”, thả sức quảng bá, lan truyền tới mọi giới, mọi người, trong mọi khung giờ.
“Cần luôn cân nhắc những yếu tố tác động xấu đến trẻ em, một đối tượng yếu thế cần bảo vệ” – ông Nhân đồng tình với đại biểu Hiền ở quan điểm cần điều chỉnh quy định, “quét” cả với những sản phẩm bia rượu có độ cồn từ 4% trở lên chứ không chỉ từ mức 5,5% trở lên.
Ksor Phước Hà là một đại biểu đến từ Tây Nguyên
Đại biểu Kso Phước Hà (Gia Lai) có hướng phân tích khác. Theo bà Hà, tác động của rượu bia là khác nhau với mỗi người sử dụng. “Có người chỉ uống một ly rượu thôi cũng tắt thở nhưng có người uống cả lít vẫn bình thường. Việc sử dụng, làm quen với rượu bia cũng khác nhau ở theo địa bàn, tập quán sinh sống. Như bản thân tôi, ngay từ khi còn bé tôi đã được uống rượu, mà uống rồi, tôi vẫn thấy bình thường, không sao cả. Sinh sống, lớn lên ở làng bản Tây Nguyên thì cứ có lễ, có hội họp là uống thôi” – bà Hà bộc bạch.
Vấn đề quảng cáo, bán rượu bia trên Internet, bà Hà băn khoăn về tính khả thi. Bà chỉ rõ, trên không gian mạng, không chỉ quảng cáo, bán rượu bia mà đủ nội dung nhạy cảm khác vẫn “phơi” ra hàng ngày. Có quy định ràng buộc nên bao giờ nhà cung cấp cũng trưng lên một dòng “Bạn đã đủ 18 tuổi chưa?” nhưng việc trả lời là do người dùng tự chọn, bất cứ ai cũng có thể nhấp một click để truy cập mà không thể có công cụ nào kiểm soát có đúng người đó đã đủ 18 tuổi.
“Còn sau cú nhấp chuột đó là gì thì ai trong chúng ta cũng từng biết rồi đó” – bà Hà cảnh báo.
Liên hệ với việc luật phòng chống tác hại của thuốc lá đã vận hành lâu nay mà hiệu quả rất khó đong đếm, từ việc hạn chế các đối tượng được mua tới việc đưa hình ảnh cảnh báo ung thư phổi trên bao bì bao thuốc cũng khó thấy có tác dụng, đại biểu thẳng thắn hỏi, luật này có khả năng sẽ “ổn” hơn?
Đại biểu mạnh dạn đề nghị Quốc hội xem xét lại, chỉ nên xây dựng một chương trình hành động phòng chống tác hại rượu bia, không nên bấm nút thông qua luật, một dự luật có thể thấy rõ khó khả thi.
P.Thảo