1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sông Hương và những huyền thoại

(Dân trí) - Đến với Huyền thoại sông Hương, nhiều du khách kỳ vọng được thả hồn vào một hành trình vừa thực vừa ảo, thưởng thức ẩm thực và lắng nghe dòng sông kể chuyện lịch sử từ hàng trăm năm qua, nhưng thực tế lại chưa được như mong muốn.

17h ngày 5/6, một lễ hội lớn mang ý nghĩa văn hóa lịch sử, có sức lôi cuốn cao đối với người dân địa phương cũng như khách du lịch trong và ngoài nước tại TP Huế đã diễn ra trên dòng sông Hương . Đây chính là lễ hội tái hiện cảnh thuyền vua du sông dưới triều Nguyễn với tên gọi Huyền thoại sông Hương.

Sông Hương, con sông gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt của người dân xứ Huế. Chính dòng Hương giang này là nơi cội nguồn để hình thành nên một đô thị 700 năm lịch sử từ Thuận Hóa đến Phú Xuân và sau này là Kinh đô Huế - báu vật muôn đời mà tạo hóa đã ban tặng cho người dân vùng đất Cố đô.

Sự phát triển, đổi thay của vùng đất, con người xứ Huế, đều được dòng Hương Giang mang trong mình với biết bao huyền thoại, huyền thoại từ cả tên gọi đến huyền thoại gắn liền với những nhân vật cụ thể trong lịch sử.

Hành trình ngược thời gian

Chương trình Huyền thoại sông Hương gồm có hai phần chính: chương trình di chuyển và chương trình cố định. Cả hai phần này đều được dàn dựng trên mặt nước từ Ngã ba Bằng Lãng đến Nghinh Lương Đình.

Tham gia lễ hội, du khách ngồi trên những chiếc thuyền, trong đó có một chiếc thuyền cung đình được trang trí lộng lẫy, trên đó có bố trí một màn hình để chiếu hình ảnh thuyết minh thêm về các huyền thoại. Đội hình du thuyền của lễ hội còn có 20 chiếc thuyền rồng.

Từ bến thuyền lăng Minh Mạng, sau phần ngũ lân nghênh phúc, đoàn thuyền bắt đầu cuộc hành trình, du khách vừa thưởng thức ẩm thực, vừa lắng nghe dòng Hương giang kể về những huyền thoại của mình qua 18 điểm nhấn của hành trình.

Cầu Tuần là địa điểm đầu tiên của Huyền thoại sông Hương, tại đây, du khách được chào đón bởi tiếng trống rộn rã phát ra từ dàn trống lớn được đặt tại mố cầu.

Trong huyền thoại, người xem được chứng kiến cảnh đội quan binh tuần thú, cảnh các bô lão đặt hương án chào đón đoàn thuyền rồng đi qua, trong màu sắc rực rỡ của cờ xí và âm thanh của nhạc lễ. Cảnh binh lính tuần trực lăng chúa Nguyễn, cảnh dânh hương của vua và được các cung nữ dâng thẻ xăm mang lời chúc tụng lên các thuyền tại điện Hòn Chén…

Tới đồi Vọng Cảnh, du khách được thưởng thức những tác phẩm sắp đặt Lễ vật dòng sông của họa sĩ Đinh Khắc Thịnh trong khói màu huyền ảo. Cuộc sống bình lặng của các làng chài bập bùng trong ánh đèn, những thuyền chài tung lưới dưới ánh hoàng hôn, trong tiếng hò rộn rã… Không chỉ vậy người xem còn được thưởng thức cảnh chín ngọn đuốc rừng rực sáng tượng trưng cho “Thiên-Địa trục” và chín đời chúa Nguyễn đã qua; Hình ảnh Văn Miếu Môn, Đại Thành Môn trong đêm.

Tới chùa Thiên Mụ, các thuyền dừng lại, khu bờ kè chiếu các bài thơ chữ Hán của các vua, các chúa viết về chùa Thiên Mụ; bậc cấp bờ kè thắp hoa đăng theo hình chữ Hán Thiên Mụ tự, hoạt cảnh bà tiên báo mộng, chúa Nguyễn Hoàng và tùy tùng chọn cuộc đất để xây chùa, khoảng 40 nhà sư thắp sáng các hoa đăng làm rực lên 3 chữ “Thiên Mụ tự” trong âm thanh của tiếng mõ.

Tại đình Kim Long, trong sắc màu của cờ xí, các bô lão và thiếu nhi chào đón đoàn du thuyền với sự thể hiện qua nghệ thuật sắp đặt "Cửu long" với hai chữ Hán “Kim Long” ghi dấu về một thời thủ phủ Kim Long (1636-1678) và thời chúa Nguyễn, đồng thời hồi tưởng về 450 năm Chúa Nguyễn Hoàng làm cuộc Nam tiến mở mang bờ cõi (1558 - 2008).

Tại cầu Bạch Hổ, 9 ngọn đèn cực mạnh vụt sáng tượng trưng cho 9 chúa Nguyễn, một lớp pháo hoa chảy từ thành cầu đón du khách vào khu vực chương trình cố định. Bờ cây từ cầu Bạch Hổ đến Nghinh Lương Đình được chiếu sáng nghệ thuật, huyền ảo, lung linh; 13 cây đèn trời vụt sáng tượng trưng cho 13 đời vua Nguyễn.

Sân khấu Nghinh Lương đình được dàn dựng thành 3 tầng (thượng, trung, hạ); có bốn cụm rồng, hai cụm mây làm màn hình chiếu các hình ảnh phụ họa thêm cho các tiết mục. Tại đây, Huyền thoại sông Hương sẽ tiếp tục được kể qua 11 tiết mục chính gồm: tiết mục múa “Cội nguồn dòng sông”, hoạt cảnh chúa Nguyễn Hoàng vào Nam với hào khí đi mở đất… Các tiết mục được kết nối bằng lời thoại do các tiên nữ “kể mới” theo lối dẫn chuyện bằng các loại hình như hoạt cảnh, tổ khúc, vũ khúc, ngâm thơ ...

Kết thúc lễ hội Huyền thoại sông Hương là tiết mục lân sư rồng tiễn chào du khách, pháo hoa bắn sáng cả một quãng sông.

Huyền thoại sông Hương - một hành trình đầy vất vả

Tuy đã có nhiều cố gắng trong khâu tổ chức nhưng kết quả của chương trình lễ hội vẫn chưa đạt được như mong muốn. Chị Mỹ Hoàn ở TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên về Huế tham dự Festival cho biết: "Thực sự tên gọi của lễ hội Huyền thoại sông Hương rất thu hút tôi. Nhưng khi tham gia tôi thấy mình vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn vì không thể thấy hết những gì đang diễn ra".

Xung quanh chương trình rất nhiều ý kiến được đặt ra như đoàn  thuyền đi quá nhanh, khoảng cách giữa thuyền và đất liền còn quá xa, trong khi đó thì ánh sáng không đủ nên tầm nhìn của người xem cũng có phần hạn chế. Ban tổ chức thì lúng túng trong việc điều hành lễ nên còn nhiều điều đáng phải xem xét nếu thực hiện chương trình vào những lần tới.

Thiết nghĩ để có thể duy trì khai thác chương trình như một tour du lịch, phục vụ lâu dài, tạo nên một sản phẩm văn hóa đặc trưng vào ban đêm của Huế như mong muốn của Ban tổ chức Festival Huế 2008, Ban tổ chức cần có những giải pháp thiết thực hơn để Huyền thoại sông Hương trở thành một chương trình có chiều sâu trong lòng du khách.

Sông Hương và những huyền thoại - 1

Chiếc thuyền cung đình đã bị mắc cạn nên hành trình Huyền thoại sông Hương đã không diễn ra đúng như dự kiến.

Sông Hương và những huyền thoại - 2

Những người dân hai bên bờ sông đã rất háo hức ngắm nhìn đoàn thuyền đi qua.

  

Sông Hương và những huyền thoại - 3

Một cô gái trầm tư ngắm nhìn dòng sông huyền thoại qua cửa sổ thuyền rồng.

Sông Hương và những huyền thoại - 4

Lễ tế làng bên bờ sông được tái hiện nhưng ở khoảng cách quá xa nên du khách không thể cảm nhận được.

Sông Hương và những huyền thoại - 5

Du khách chỉ được tham gia một vài hoạt động nhỏ như thả hoa đăng, xin xăm.

Sông Hương và những huyền thoại - 6

Chùa Thiên Mụ lung linh trong đêm nhưng hoạt cảnh tái hiện lại huyền tích bà tiên mách đất để xây chùa đã không được như ý.

Sông Hương và những huyền thoại - 7

Hoa đăng tại chùa Linh Mụ

Sông Hương và những huyền thoại - 8

Khá nhiều du khách phàn nàn khi khoảng cách giữa sân khấu và nơi neo thuyền quá xa không thể nhìn thấy rõ các nghệ sỹ biểu diễn

Sông Hương và những huyền thoại - 9

Những tiết mục tại sân khấu nổi trên bến Văn Lâu là cái đinh của cả chương trình Huyền thoại sông Hương.

Sông Hương và những huyền thoại - 10

Mỗi thuyền rồng chỉ chở được 30 người nhưng sàn thuyền cũng không đủ chỗ cho khách ngồi xem.

Hoài Lương - Lê Anh Tuấn

Dòng sự kiện: Festival Huế 2008