“Ông già Festival”
(Dân trí) - Cách đây sáu năm, khi Festival lần đầu tiên được tổ chức tại Cố đô Huế, có một ông già tình cờ mang những đồ vật rất quen thuộc với người làm nông-ngư nghiệp đến bán tại “chợ quê ngày hội”. Từ đó đến nay, “chợ quê” Festival năm nào cũng có mặt ông.
Gian hàng đồ mỹ nghệ nông-ngư cụ do chính tay ông làm đã trở thành gian hàng không thể thiếu của phiên chợ Festival, rất hấp dẫn du khách. Tên gọi “ông già Festival” bắt đầu xuất hiện từ đây.
Tình cờ đến với Festival
Ông là Phạm Văn Bút, sinh ra và lớn lên tại vùng quê yên bình, nơi có cầu Ngói Thanh Toàn, một địa danh nổi tiếng mà nhiều du khách thường xuyên ghé thăm khi đến với vùng đất Cố đô.
Xuất thân từ một gia đình làm nông, ngay từ nhỏ ông Bút đã được cha truyền cho nghề đan lát mây tre làm những đồ dùng phục vụ cho cuộc sống thường ngày. Những vật dụng rất đỗi bình thường như cái nơm, cái giỏ, rổ, rá, nong, nia… gắn bó với người dân quê được ông Bút làm rất đẹp.
Lớn lên, ông lập gia đình và tiếp tục theo nghề mà cha ông đã truyền lại. Đôi bàn tay tài hoa và khéo léo của ông đã làm ra không biết bao nhiêu đồ vật đơn giản ấy. Rồi cuộc sống hiện đại đã đưa những sản phẩm mây tre lùi lại phía sau, nhường chỗ cho những sản phẩm bằng nhựa, vừa rẻ, vừa tiện. Ông Bút tưởng phải bỏ nghề.
Hai vợ chồng ông đành sống nhờ vào mấy sào ruộng hợp tác xã chia cho. Lâu lâu ông mới có dịp trở lại nghề cũ, ấy là khi ông giúp bọn trẻ làm bài tập thủ công ở trường.
Festival 2002, phiên “chợ quê ngày hội” được tổ chức ngay chợ cầu Ngói. Ông nảy ra ý định làm những nông ngư cụ thu nhỏ lại thành hàng mỹ nghệ đem bán tại lễ hội. Hì hục suốt gần một tháng trời, ông làm được hàng trăm sản phẩm. Chính ông cũng chẳng thể ngờ sản phẩm mình làm ra lại bán chạy đến thế, chưa hết phiên chợ hàng đã được bán sạch. “Mấy ngày sau đó, nhiều người hỏi tui để mua mà không có vì tui làm không được nhiều. Tui đành phải hẹn họ dịp khác”, ông Bút hào hứng kể lại.
Qua nhiều lễ hội Festival, hình ảnh ông già bày bán những sản phẩm nông-ngư cụ nhỏ xinh, dân dã do chính tay ông làm, đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu với du khách và người dân nơi đây. Biệt danh “ông già Festival” không biết ai đặt cho nhưng đã hình thành như vậy.
Nông-ngư cụ “lên đời”
Sau Festival 2002, “nghệ nhân” đan lát Phạm Văn Bút đã khẳng định thương hiệu riêng với những nông-ngư cụ độc bản của mình. Mỗi lần đến Festival, ông lại được mời tham dự với sự ưu tiên đặc biệt dành cho nghệ nhân đan lát duy nhất của Thừa Thiên Huế. Ông được dành riêng một gian hàng tại phiên “chợ quê ngày hội”. Festival nào du khách cũng mua hết hàng của ông.
Và cứ dịp nào có “hội thi hàng lưu niệm Huế”, người ta lại cử ông đem những sản phẩm của riêng mình đến tham dự. Vậy mà năm nào ông cũng đoạt giải, năm nào ông cũng có bằng khen của huyện, tỉnh. Những đồ vật bình thường như cái cày, cối xay lúa, chiếc thuyền nan, giỏ đựng cá… đã đem về cho ông nhiều giải thưởng.
Nhiều du khách nước ngoài tìm đến ông mua những sản phẩm nông-ngư cụ nhỏ xinh về làm quà tặng bạn bè, người thân, nghiễm nhiên sản phẩm ông làm ra đã được xuất ngoại, đi khắp thế giới. Ông còn khoe rằng mới đây có một người từ tận Sài Gòn ra đặt ông làm cho hai cái cối xay lúa thật để đem về trưng bày tại bảo tàng. Mỗi cối xay lúa, ông Bút được trả 700.000 đồng.
Festival 2008 này, ông Bút đã làm sẵn hơn năm trăm sản phẩm để đem trưng bày. Những sản phẩm của ông làm ra được vợ ông, mệ Lê Thị Ngảnh - hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư - giới thiệu cho mọi người cách sử dụng và tiện thể “làm tiếp thị”.
Ông Bút tâm sự: “Giờ tui già rồi, nay mai thôi sẽ không còn được sống trên đời này nữa. Ước nguyện của tui là tại Thủy Thanh này có được một làng nghề mỹ nghệ cho mọi người ở đây có việc làm tăng thu nhập. Chỉ sợ tui ra đi sớm quá thì làng này mất nghề, không còn ai kế tục nữa”.
Lê Hoài Phương