1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Số người chết vì tai nạn giao thông tăng đột biến ngày mùng 1 Tết

(Dân trí) - Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong ngày mùng 1 Tết, toàn quốc xảy ra 46 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 34 người chết và 35 người bị thương. Đáng nói, số người chết vì TNGT trong ngày nghỉ Tết thứ 3 tăng cao đột biến.

Ngày mùng 1 Tết, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã tổ chức hơn 4.000 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Cảnh sát giao thông đã phát hiện và xử lý hơn 3.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 900 triệu đồng, tạm giữ 546 phương tiện vi phạm, 384 giấy tờ các loại, tước 88 giấy phép lái xe; phát hiện, xử lý 16 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 10 triệu đồng.

Trong ngày mùng một Tết Mậu Tuất không có cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Số người chết vì TNGT trong ngày mùng 1 Tết tăng đột biến
Số người chết vì TNGT trong ngày mùng 1 Tết tăng đột biến

Theo thống kê, sau 3 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, toàn quốc xảy ra 101 vụ, làm chết 87 người, 84 người bị thương. Đặc biệt, tai nạn giao thông tăng cao trong ngày 30, mùng 1 Tết trong đó nguyên nhân chủ yếu là hành vi lái xe sau khi đã uống rượu bia, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy.

Một vụ TNGT đáng chú ý xảy ra ngày 14/2 tại đường Mỹ Xuân - Hoà Bình, thuộc xã Sơn Bình, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Xe mô tô BKS 59U2-111.52, trên xe có Lê Đình Tài (sinh năm 2001, trú tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Nguyễn Viết Dương (sinh năm 1999; trú tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), chưa rõ người điều khiển, lưu thông đến địa điểm trên thì xảy ra va chạm với xe mô tô BKS 72F1-137.02 do Trần Văn Sơn (sinh năm 1964, trú tại xã Sơn Bình, huyện Châu Đức) điều khiển.

Vụ TNGT khiến Tài và Dương chết tại chỗ, Trần Văn Sơn bị thương, hư hỏng 2 xe mô tô. Công an địa phương đang giải quyết.

Trong đêm giao thừa 30 Tết, tại nhiều tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đắk Nông, Quảng Trị… tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc đón giao thừa, người dân tập trung đông ở các điểm bắn pháo hoa. Các địa phương đã triển khai nhiều phương án nên tình hình giao thông được bảo đảm trật tự, an toàn.

Tại Hà Nội hàng vạn người dân đã đổ về Hồ Hoàn Kiếm và Nhà Hát lớn để đón giao thừa. Tại TPHCM, người dân cũng đổ về phố đi bộ Nguyễn Huệ để đón chào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Lực lượng Công an Hà Nội và TPHCM đã bố trí lực lượng để phân luồng giao thông, chống ùn tắc trước và sau khi người dân đón giao thừa, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động, kêu gọi người dân tuân thủ các quy tắc tham gia giao thông an toàn, đặc biệt là đã uống rượu bia tuyệt đối không lái xe.

Các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe đạp điện; tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm tại khu vực nông thôn, ngoài đô thị…

C.N.Q