1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sở GTVT TPHCM lên tiếng vụ 300 chuyến xe bỏ bến miền Đông

Phương Nhi

(Dân trí) - Chiều 28/10, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM thông tin với báo chí liên quan vụ 300 chuyến xe khách "mất tích" ở Bến xe miền Đông mới, đang được dư luận quan tâm.

Sau hai năm vận hành, từ ngày 11/10, TPHCM dời thêm 79 tuyến với hơn 1.600 xe từ Bến xe miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) sang Bến xe miền Đông mới (TP Thủ Đức), nâng tổng số hơn 100 tuyến ở bến mới.

Các tuyến xe mới dời qua, đi 15 tỉnh, thành gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ và Cà Mau.

Sở GTVT TPHCM lên tiếng vụ 300 chuyến xe bỏ bến miền Đông - 1

Bến xe miền Đông mới vắng khách trưa 28/10 (Ảnh: Phương Nhi).

Đại diện Bến xe miền Đông mới, cho biết, theo kế hoạch hơn 1.600 xe phải có hơn 500 chuyến rời bến mỗi ngày. Tuy nhiên, hiện chỉ còn khoảng 206 chuyến/ngày (hơn 2.000 khách), mỗi ngày bến xe giảm gần 300 chuyến so với trước. Đa phần xe giảm chuyến trên chặng ngắn từ TPHCM đi Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Định, Lâm Đồng...

Bến mới giảm 300 chuyến xe mỗi ngày

Trưa 28/10, ghi nhận của PV Dân trí, Bến xe miền Đông mới, có lượng khách, lượng xe thưa thớt, chưa tương xứng quy mô của đầu mối vận tải đường bộ lớn nhất nước. Nhiều hành khách chia sẻ, nguyên nhân có thể do người dân vẫn giữ thói quen đón xe ở nội thành.

Trong lúc ngồi chờ xe đi Vũng Tàu, Mỹ Hạnh (19 tuổi) cho biết, trước đó em hay đi một xe khách quen ở Bến xe miền Đông cũ. Tuy nhiên, hôm nay khi đến Bến xe miền Đông mới, Hạnh hay tin ở đây không có hãng xe mình cần.

Hạnh nói, nếu chọn các nhà xe khác, phải đi hai chuyến mới về đến nhà. Trong lúc hỏi thăm ở quầy vé, Hạnh được một phụ nữ cho số điện thoại của xe khách quen, đón khách trên xa lộ Hà Nội. Hạnh quyết định gọi đặt vé, ngồi chờ đến giờ rồi đi bộ từ bến xe ra điểm đón.

"Bến xe mới khá tiện nghi, hiện đại nhưng nhiều chuyến chưa chuyển hẳn qua đây, hoặc chỉ đón khách ở ngoài chứ không vô bến. Trong khi đó, xe trong bến thì không về thẳng nhà, đây là cái bất tiện", Hạnh nhận xét. 

Sở GTVT TPHCM lên tiếng vụ 300 chuyến xe bỏ bến miền Đông - 2

Nhiều xe khách đón trả khách ngoài bến (Ảnh: A.X.).

Tài xế một nhà xe có tiếng, cho biết, một trong những nguyên nhân có thể đến từ việc người dân chưa quen và bến mới cách xa bến cũ. Từ bến cũ đến bến mới hơn 30 phút, cách nhau gần 20km. Bến mới ở xa, khách từ nội thành nếu đón xe ôm, taxi, tiền cước có thể tương đương vé xe khách.

Một tài xế khác chia sẻ, từ ngày chuyển về bến xe mới, số chuyến xe chạy trong ngày giảm xuống một nửa vì ít khách. Tài xế cho rằng có thêm nguyên nhân "ế" khách vì hoạt động của nạn "xe dù, bến cóc".

Theo nhiều chuyên gia giao thông, 300 chuyến xe bỏ bến mới, nhiều khả năng qua bến khác hoặc ra ngoài chạy "xe dù". Cơ quan chức năng cần có những giải pháp, xử lý kịp thời, sớm ổn định tình hình.

Xem xét rút giấy phép xe vi phạm

Chiều 28/10, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM thông tin liên quan vụ 300 chuyến xe khách "mất tích" ở Bến xe miền Đông mới.

Theo ông Hưng, việc dời các tuyến xe liên tỉnh từ Bến xe miền Đông cũ sang Bến xe miền Đông mới từ 11/10, bước đầu có một số khó khăn, sự hưởng ứng của một số nhà xe chưa tốt. 

Qua thống kê, trung bình mỗi ngày có gần 300 chuyến xe không hoạt động ở bến mới như kế hoạch. Những chuyến xe này đi đâu, làm gì đang là vấn đề dư luận quan tâm.

Sở GTVT TPHCM lên tiếng vụ 300 chuyến xe bỏ bến miền Đông - 3

Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM (Ảnh: Phương Nhi).

Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, nguyên nhân đầu tiên khiến những chuyến xe này "mất tích" ở bến mới là do họ qua một số bến xe khác như An Sương, Ngã tư ga, Miền Tây… với khoảng 160 chuyến. 

Nguyên nhân thứ hai, một số nhà xe không chấp hành việc di dời, không vào bến mà đến một số địa điểm tập kết bên ngoài đón khách. Đại diện Sở GTVT cho biết đơn vị đã nắm các "bến cóc" gần Bến xe miền Đông cũ, cây xăng dọc quốc lộ 13, đoạn gần cầu Sài Gòn, ngã tư Bình Phước...

Nguyên nhân thứ ba, có thể người dân chọn phương án khác để di chuyển như xe lửa, hàng không… hoặc do ngẫu nhiên trong tháng 10 vừa qua thời tiết xấu, hạn chế đi lại.

Cũng theo ông Hưng, việc xe không vào bến có thể do cách tính toán của nhà xe khi cho rằng vào bến ít khách và họ chọn cách làm ăn khác. "Tuy nhiên, nếu không đón khách ở bến xe, mà đón ở nơi khác là sai quy định", ông Hưng khẳng định. 

Từ số liệu 160 chuyến xe qua bến xe khác, còn lại khoảng 140 chuyến xe có thể ra ngoài chạy sai quy định.

Việc "xe dù, bến cóc" đã kéo dài nhiều năm qua, khi dời Bến xe miền Đông thì tình trạng này diễn biến phức tạp. Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường công tác kiểm tra, xử lý việc xe đón trả khách không đúng quy định.

"Sắp tới chúng tôi tiếp tục chỉ đạo thanh tra xây dựng kế hoạch, từ đây tới cuối năm, nạn "xe dù, bến cóc" phải được chấn chỉnh, khắc phục, qua đó lành mạnh hóa, phục vụ việc đi lại của người dân dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán", ông Hưng nói.

Sở GTVT TPHCM lên tiếng vụ 300 chuyến xe bỏ bến miền Đông - 4

Lực lượng chức năng xử lý nạn "xe dù, bến cóc" sáng 28/10 (Ảnh: A.X.).

Trong buổi làm việc sáng nay giữa Sở GTVT cùng đơn vị liên quan, đã thống nhất chấn chỉnh quyết liệt nạn "xe dù, bến cóc"; đề nghị Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (Samco - đơn vị quản lý Bến xe miền Đông mới) không cho phép các xe đã vi phạm hoạt động ở bến và tính toán việc rút giấy phép.

Sở GTVT cũng khuyến cáo người dân không ủng hộ "xe dù, bến cóc" vì gián tiếp tạo ra một hoạt động vận tải sai quy định pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh. "Nếu có việc bất trắc xảy ra thì thiệt thòi là người dân, nhất là vào dịp lễ Tết dễ xảy ra tình trạng nhồi nhét khách, không đảm bảo an toàn, dễ xảy ra tai nạn giao thông", ông Hưng chia sẻ.

Dự án Bến xe miền Đông mới là một quần thể phức hợp bao gồm khu vực bến xe chính kết hợp nhiều dịch vụ tiện ích, tổng diện tích hơn 16ha (rộng gần gấp 3 so với Bến xe miền Đông cũ) nằm trên địa phận TP Thủ Đức và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng.

Bến xe miền Đông mới sẽ phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc, đáp ứng nhu cầu mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến, ngày cao điểm lễ, tết lên đến 52.000 hành khách với hơn 1.800 lượt xe xuất bến.

Bến xe cũng kết hợp các tiện ích khác như bãi đậu xe cao tầng, khu vực sửa chữa, trạm tiếp nhiên liệu, khu trung chuyển và giao dịch hàng hóa, khu thương mại dịch vụ. Tháng 10/2020, bến xe được đưa vào khai thác giai đoạn đầu với khoảng 20 tuyến đi Quảng Trị trở ra Bắc.