Sinh viên chống tham nhũng bằng cách không “cảm ơn” thầy cô
(Dân trí) - Với câu hỏi “bạn sẽ chống tham nhũng trong chính trường, lớp mình bằng cách nào”, một nam sinh viên trường ĐH Tây Bắc cho biết, bản thân sẽ “không cảm ơn thầy cô bằng phong bì”, “không tham gia chạy điểm, chạy việc”…
Ngày 22/3/2014, tại trường ĐH Tây Bắc (thành phố Sơn La) đã diễn ra buổi tọa đàm giao lưu kết nối các dự án sáng kiến phòng chống tham nhũng (Vaci) nhận được tài trợ của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2013. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ “Diễn đàn kết nối cộng đồng VACI-MINHBACH” do đề án P70 thực hiện.
Trong chương trình Vaci 2013, đề án “Hạt giống phòng chống tham nhũng trong trường học và cộng đồng” của Đoàn trường Đại học Tây Bắc là một trong những sáng kiến nhận được tài trợ để triển khai.
TS.Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Tây Bắc cho biết, chương trình được triển khai sâu rộng trong 500 cán bộ giảng viên và 12.000 sinh viên của trường. Chương trình như những hạt giống gieo vào tâm hồn sinh viên để các em sống hướng thiện và có trách nhiệm. Ban giám hiệu nhà trường đánh giá rất cao ý tưởng, hoạt động định hướng kỹ năng phòng chống tham nhũng trong sinh viên và hoàn toàn ủng hộ kế hoạch, kịch bản triển khai của Ban chấp hành Đoàn trường.
Bí thư Đoàn trường Hà Văn Niệm cho biết, khi đề án của Đoàn trường được lựa chọn hỗ trợ để triển khai, rất nhiều hoạt động đã được triển khai từ tháng 11/2013. Đến nay, Đoàn trường đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật hướng đến 400 đoàn viên là cán bộ, giảng viên. 50% sinh viên (tương đương 4.000-5.000 người) cũng sẽ được tập huấn phổ biến luật Phòng chống tham nhũng.
Với câu hỏi “Trong lớp học của bạn có hiện tượng tiêu cực trong thi cử không?”, “Tham nhũng có thâm nhập vào học đường của bạn không? Những hành vi nào bạn đã thấy và cho là tham nhũng?”... nhận về nhiều câu trả lời “có” thẳng thắn với những biểu hiện nêu ra như việc xin, “chạy” điểm để có được tấm bằng đẹp hơn, các khoản thu chi quỹ chung chưa được rõ ràng, minh bạch…
Và nhiều phiếu trả lời khiến người xem thực sự xúc động khi các sinh viên tự đưa ra cam kết với bản thân về quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực như “không đưa tiền, can thiệp để chạy xin việc, “sống thành thật với bản thân”, “xây dựng lối sống đẹp vì mọi người”…
“Chi phí chương trình Vaci hỗ trợ cho mỗi lớp tập huấn khoảng 250 đoàn viên không lớn nhưng được sự ủng hộ của Ban giám hiệu, Đoàn trường đã nỗ lực duy trì đều đặn hoạt động, hiệu quả lan tỏa rất rõ rệt. Với tâm huyết và quyết tâm, chúng tôi tin sẽ tiếp tục thúc đẩy được tinh thần, hành động của đông đảo sinh viên, cán bộ giảng viên trong trường” – Bí thư Hà Văn Niệm hào hứng chia sẻ.
Ông Dương Hồng Thành, cán bộ Cục Phòng chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ, làm nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các dự án Vaci bày tỏ sự ấn tượng vì những hoạt động và hiệu quả vượt cả mong đợi của ban tổ chức chương trình. Hoạt động tuyên truyền phòng chống tham nhũng trong nhà trường, theo ông Thành, có cái khó là làm sao để nội dung không khô cứng, thiết thực và gần gũi với sinh hoạt của đối tượng đích và chủ đề án P25 đã làm được điều đó.
“Chúng tôi cảm nhận các hạt giống đã thực sự nảy mầm và tới đây, những cây xanh sẽ vươn cao, khỏe mạnh, lan tỏa bầu không khí tốt lành” – ông Thành nhận xét.
Phó chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Văn Tính – đại diện đề án P100 “Mô hình giám sát cộng đồng với trường học” cũng trình bày thêm kinh nghiệm về việc trang bị kiến thức, thay đổi nhận thức phòng chống tham nhũng trong môi trường học đường là phải huy động được sự tham gia của cả cộng đồng (học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh…). P100 chia sẻ Bộ quy chế áp dụng để giám sát chi tiêu các khoản đóng góp của phụ huynh cho nhà trường mà nhóm đã xây dựng, đang được triển khai thử nghiệm tại nhiều trường học từ cấp mẫu giáo đến THPT ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.
P.Thảo