Chuyện khốn khổ ở nơi "trồng lúa đắng… bò cũng không ăn"
(Dân trí) - Đứng giữa cánh đồng lúa khô hạn, nông dân ấp Ô Răng, xã Long Sơn (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) than thở "lúa giờ đắng lắm, cắt về bò cũng không ăn".
Trước ngõ dẫn vào nhà bà Thạch Thị Bé (52 tuổi) ở xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh có một cây xanh. Dưới tán cây là vị trí tiện nhất để nhìn ra đám ruộng đang héo khô vì gặp hạn. Vì thế, nơi đây vô tình trở thành điểm đến bất đắc dĩ của dân làng... suốt nhiều ngày nay.
Trong số đông nông dân đang khóc dở, cười dở, nhiều người than vãn, "lúa này giờ đắng lắm, cắt về bò cũng không ăn".
Những người nông dân tự nhận là "khốn khổ" khi vụ mùa chính trong năm vốn sắp được ăn... thì mất. Giữa cái nắng như thiêu đốt và gió nóng thổi rát mặt, họ cùng nhau đi thăm những mảnh ruộng dần héo khô.
"Chắc mất trắng thôi, khổ lắm"
"Một tháng rồi tôi không ngủ được", ông Na Sine, Trưởng ấp Ô Răng, xã Long Sơn (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) nói với phóng viên.
Trưởng ấp Ô Răng kể ở đây có 439 hộ dân, 243ha ruộng. Vụ đông xuân năm nay, ấp xuống giống đúng lịch thông báo của ngành nông nghiệp, nhưng khi lúa sắp trổ bông thì gặp hạn mặn. Đến nay tình trạng thiếu nước tưới đã kéo dài một tháng, nông dân như ngồi trên đống lửa.
"Chỉ cần được tưới 2 lần nữa là có thu hoạch, đây là vụ chính trong năm, thường sản lượng sẽ đạt 700-800kg/1000m2. Nhưng giờ cống đóng, không có nước tưới, nguy cơ 40% diện tích lúa của ấp sẽ mất trắng", trưởng ấp than thở.
Không nằm ngoài khó khăn của ấp, vụ này gia đình ông Na Sine trồng 1,6ha lúa, đầu tư gần 30 triệu đồng. Ngày ngày, lão nông chỉ biết ra ngồi ở bờ kênh "cầu trời" sớm có nước để còn mong vớt vát chút nào.
Nhà bà Thạch Thị Bé (52 tuổi) có một cây xanh trước ngõ. Dưới tán cây là vị trí tốt nhất để nhìn ra đám ruộng đang héo khô, vì vậy trở thành nơi dân làng tụ tập mấy ngày nay.
"Mười công (1ha) ruộng nhà tôi ở bên kia đường đó, đầu tư mười mấy triệu đồng, giờ chắc mất trắng thôi, khổ lắm. Nếu có nước thì còn cứu được chừng 60% sản lượng, không thì đành chịu. Mất vụ này là hết vốn đầu tư vụ sau luôn", bà Bé chỉ về phía đám ruộng, đôi mắt như chực chờ sắp khóc.
Trong số đông nông dân đang khóc dở, cười dở, nhiều người than vãn rằng "lúa này giờ đắng lắm, cắt về bò cũng không ăn".
Những người nông dân tự nhận là "khốn khổ" khi vụ mùa chính trong năm vốn sắp được ăn thì mất. Giữa cái nắng như thiêu đốt và gió nóng thổi rát mặt, họ dẫn chúng tôi đi thăm những mảnh ruộng đang dần héo khô.
Họ đi qua những đám ruộng đã thiếu nước từ lâu, có đám lúa đã trổ, có đám lúa đang chờ ra bông. Nền đất khô cứng như mặt đường, nhiều vạt ruộng cháy vàng, nhiều vạt còn màu xanh nhưng lúa đã héo. Trong vài hốc dấu chân dưới mặt ruộng, có những con cá lóc vùi mình lẩn trốn nhưng đã chết khô.
Giữa cánh đồng, con kênh rộng chừng 4m, sâu 2m đã cạn tới đáy, nhiều vạt bùn bị nước phèn sủi lên đóng váng vàng khè, đặc quánh. Dọc tuyến kênh, loạt họng máy bơm của dân nằm bất động.
Trưởng ấp Ô Răng cho biết, khu vực ruộng bị hạn ở cuối nguồn, kênh tưới lại nông nên khi đóng cống nước cạn rất nhanh. Để cứu đồng lúa, ông Na Sine nghĩ các hộ dân sẵn sàng góp 5 triệu đồng/ha nếu chính quyền có chủ trương vận động kinh phí bơm nước về.
Theo kết quả quan trắc ngày 23/2 của Sở NN&PTNT Trà Vinh, nước hầu hết cửa cống ở các huyện nội địa đều có độ mặn trên mức 5‰, độ mặn tăng cao gấp nhiều lần ở khu vực ven biển.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết, địa phương đã ghi nhận tình trạng thiếu nước cục bộ gây ảnh hưởng đến ruộng lúa của một số hộ dân. Ngành nông nghiệp huyện Cầu Ngang đang theo dõi sát diễn biến xâm nhập mặn, khi độ mặn ở cửa cống xuống thấp sẽ lập tức bơm nước về.
"Diện tích lúa bị hạn nằm ngoài quy hoạch, nhưng nhiều năm nay nông dân đã canh tác tự phát. Con kênh tưới cho khu vực này nông và hẹp, địa phương có chủ trương nạo vét, tuy nhiên nhiều hộ dân sợ ảnh hưởng nên chưa đồng thuận", ông Nhàn nói thêm về nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng lúa bị khô hạn ở địa phương.
Lo sợ phải mua nước ngọt giá "trên trời"
Giữa buổi chiều, ông Đỗ Văn Nồi (ngụ ở ấp Thập Tư, xã Thuận Điền, Giồng Trôm, Bến Tre) thấy khó chịu quá bèn đi tắm. "Tắm nước mặn thôi. Chỉ một lúc là khó chịu, lại phải tắm tiếp, ngày tắm 4 lần", người đàn ông 42 tuổi nói.
Nhà ông Nồi cạnh bờ sông, có 2 thùng bê tông dự trữ khoảng 4m3 nước ngọt. Mùa hạn mặn mới chừng một tháng, nhưng phân nửa nước dự trữ đã dùng hết.
"Nhà có 2 vợ chồng với 2 đứa nhỏ đang học cấp 1. Mình người lớn, tắm nước nhiễm mặn có thể chịu được, bọn nhỏ mẩn ngứa lên hết, đêm gãi không ngủ được. Cũng tiếc nước ngọt nhưng phải cho con tắm, đến đâu biết đến đó", ông Nồi nói.
Nói là người lớn nên chịu được, nhưng ông cho chúng tôi xem những mảng da phản ứng lại với nước muối. Giữa buổi chiều vừa tắm, ông Nồi nói cuối giờ phải tắm thêm lần nữa.
Ấp Thập Tư nằm sâu trong nội địa, cách bờ biển hơn 40km nhưng người dân cho biết từ trước Tết Âm lịch nguồn nước đã bắt đầu nhiễm mặn. Còn hiện tại, nước sông đã "mặn đắng". Sông thì nước nhiễm mặn, giếng thì nước bị phèn đặc quánh, nhiều năm nay, người dân ấp Thập Tư mong ngóng sớm có dự án nước sạch về địa phương.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tấn (66 tuổi) có điều kiện bậc nhất trong ấp, vì vậy mà có tiền sắm nhiều bồn, dự trữ được khoảng 20m3 nước ngọt. Dù vậy, ông Tấn bảo do vùng này mặn đến sớm mà hết trễ, nên nước dự trữ vẫn không đủ dùng.
Nhà ông Tấn có hơn 1ha vườn dừa, kể từ đợt mắc hạn mặn năm 2016, hoa lợi chẳng còn được bao nhiêu. Mấy lần vợ chồng ông có ý định chuyển sang trồng cây khác, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chỉ còn mỗi cây dừa chịu mặn tốt hơn cả, nên khu vườn vẫn có sao để vậy.
"Mấy cây có múi gặp hạn mặn thì chết khô hết rồi, có sống cũng không ra trái, nên giờ cũng chẳng biết trồng gì", bà Lê Thị Lợt (63 tuổi, vợ ông Tấn) nói.
Bà Lợt kể, mùa khô năm trước người dân ấp Thập Tư phải mua nước ngọt giá gần 200.000 đồng/m3. Nghe dự báo mùa khô năm nay nghiêm trọng hơn, bà lo giá nước cũng vì vậy mà tăng lên.
Cách nhà ông Tấn chừng 200m, nhà chị Đặng Thị Ngọc Điệp (41 tuổi) cùng khoảng chục nhà hàng xóm đều nằm sát bờ kênh, với lối vào bé chỉ vừa một đường xe máy chạy. Từ hồi còn mùa mưa, vợ chồng chị Điệp đã chuẩn bị 2 thùng bê tông cùng một bồn nhựa lớn để trữ nước.
"Xui rủi sao 2 thùng bê tông đều vỡ hôm trước Tết. Thùng nhựa mua hết 1,7 triệu đồng, đựng được 1m3 nước nhưng mới dùng gần tháng đã hết rồi.
Ở đây xe bồn chở nước không vào được, nên chúng tôi phải mua từng thùng nước ngọt 18 lít với giá 10.000 đồng về để dùng. Nước đắt nên chỉ dám dùng cho ăn uống, còn mọi thứ tắm giặt đều dùng nước mặn", chị Điệp chia sẻ.
Nhà có 4 người, chỉ riêng tiền nước mùa hạn mặn cũng đã đủ khiến vợ chồng chị Điệp phải đau đầu.
"Hiện cả ấp đang phải tắm nước nhiễm mặn rồi, một số hộ đã hết nước ngọt dự trữ. Từ tháng sau trở đi hầu như cả ấp sẽ hết nước ngọt.
Ấp chúng tôi có 309 hộ, gần 1.000 nhân khẩu. Chuyện thiếu nước ngọt chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, nhiều năm rồi. Chúng tôi chờ đợi nước ngọt dữ dằn lắm", bà Lê Thị Minh Luận, trưởng ấp Thập Tư nói.
Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, mùa xâm nhập mặn năm nay đã bắt đầu từ cuối tháng 11/2023, dự báo kéo dài đến đầu tháng 5. Hiện chưa phải đỉnh điểm, nhưng xâm nhập mặn đã lấn sâu khoảng 60km theo các sông chính, bao trùm gần như toàn bộ tỉnh Bến Tre.
(còn nữa...)
Mời độc giả đón đọc tuyến bài: Hạn mặn "tấn công" các tỉnh miền Tây
Bài 1: Khốc liệt hạn mặn: Đường sụt, lúa chết, thuyền dưới sông ngỡ đậu trên bờ
Bài 2: Chuyện khốn khổ ở nơi "trồng lúa đắng… bò cũng không ăn"