1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Siết” điều kiện để chặn tình trạng xây dựng tự phát

(Dân trí) - Quyết tâm khắc phục tình trạng xây dựng tự phát, bảo đảm công khai, minh bạch đối với quy hoạch xây dựng được duyệt là thông điệp đưa ra trong dự thảo luật Xây dựng (sửa đổi) được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trình Quốc hội chiều 6/11.

Dự thảo luật Xây dựng sửa đổi khá đồ sộ, gồm 11 chương, 168 điều, tăng thêm 2 chương, 45 điều so với luật hiện hành.

Đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật để bảo đảm nguyên tắc cơ bản trong quản lý đầu tư xây dựng, tờ trình do Bộ trưởng Xây dựng trình bày thể hiện, dự án luật đã có nhiều quy định mới nhằm đổi mới phương thức và nội dung quản lý dự án nhằm quản lý chặt chẽ đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tham gia hoạt động đầu tư xây dựng.

“Các quy định về quy hoạch xây dựng cũng được sửa đổi, bổ sung để khắc phục tình trạng xây dựng tự phát, bảo đảm công khai, minh bạch đối với quy hoạch xây dựng được duyệt” - Bộ trưởng Dũng cho biết.
“Siết” điều kiện để chặn tình trạng xây dựng tự phát
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng: "Sửa đổi, bổ sung quy định để khắc phục tình trạng xây dựng tự phát". (Ảnh: Việt Hưng)

Dự án luật cũng đã thiết kế các quy định để tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng. Đồng thời đổi mới cơ chế quản lý chi phí nhằm quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước, bảo đảm sự bình đẳng quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thông qua hợp đồng xây dựng.

Cụ thể, quy định về giấy phép xây dựng, theo nguyên tắc, tất cả các công trình đều phải xin cấp giấy phép xây dựng trước khi khởi công, kể cả các công trình thuộc dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà theo quy định hiện hành là đối tượng được miễn giấy phép xây dựng.

Điều kiện cấp giấy phép xây dựng có cả nội dung yêu cầu đảm bảo năng lực của nhà thầu nhằm khắc phục các tồn tại như nhiều công trình chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện đã khởi công, nên quá trình thi công đã gặp nhiều vướng mắc, dẫn đến công trình bị chậm tiến độ, nợ đọng, tăng chi phí, hiệu quả đầu tư thấp. Tuy nhiên, trong tình hình thực tế tại Việt Nam, không phải công trình nào cũng đáp ứng được đầy đủ điều kiện trước khi khởi công xây dựng, nhất là các công trình xây dựng theo tuyến, công trình có nhiều hạng mục độc lập, mặt bằng thi công lớn, trải dài.

Vì vậy, để thông thoáng về điều kiện cấp phép xây dựng, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư và đảm bảo tính khả thi trong thực tế, dự thảo trình ra Quốc hội đã loại bỏ quy định điều kiện phải “có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định”.

Ngoài ra, dự thảo luật Xây dựng sửa đổi cũng quy định rõ trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác cấp giấy phép xây dựng, theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản thủ tục hành chính tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép xây dựng; đồng thời quy định trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép xây dựng và các cơ quan có liên quan.

Thẩm tra dự án luật, UB KH,CN&MT của Quốc hội đánh giá, hồ sơ dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) của Chính phủ trình Quốc hội đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ về cơ bản nội dung dự thảo luật bảo đảm tính khả thi. Quốc hội sẽ bố trí thời gian thảo luận cụ thể về dự thảo luật tại một phiên họp tổ và 1 phiên làm việc tại hội trường trong khuôn khổ kỳ họp này.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm