Sẽ có phố ẩm thực, phố miễn thuế trong khu đô thị sân bay Tân Sơn Nhất?

Q.Huy

(Dân trí) - Sở QHKT TPHCM đề nghị các địa phương nghiên cứu kết quả hội nghị liên quan đến phát triển khu đô thị sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, hội nghị tính đến phương án mở các tuyến phố miễn thuế.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) TPHCM, vừa ký văn bản gửi UBND quận Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Phú về việc nghiên cứu và vận dụng kết quả của hội nghị điều chỉnh quy hoạch theo định hướng phát triển khu đô thị sân bay - khu vực liên quận xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.

Sở QHKT đề nghị các quận nghiên cứu kết quả của hội nghị để vận dụng trong quản lý đô thị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, các quận cũng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp theo định hướng khu đô thị sân bay trong quá trình rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu trên địa bàn.

Sẽ có phố ẩm thực, phố miễn thuế trong khu đô thị sân bay Tân Sơn Nhất? - 1

Sân bay Tân Sơn Nhất có lợi thế lớn khi chỉ cách trung tâm thành phố 10km (Ảnh: Ip Thiên).

Hội nghị này đã đưa ra một số giải pháp phát triển khu đô thị xung quanh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Những nội dung chính được tổng kết liên quan tới vấn đề quy hoạch sử dụng đất, phát triển không gian đô thị, quy hoạch giao thông và tổ chức các sản phẩm dịch vụ, thương mại chất lượng cao.

Theo đó, khu đô thị sân bay Tân Sơn Nhất sẽ là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế đêm kết hợp dịch vụ giải trí, ẩm thực, văn hóa hoặc các khu vực đô thị phù hợp xung quanh sân bay với phương án tổ chức phương tiện giao thông chuyên dùng, gắn kết trực tiếp với sân bay.

Trong lĩnh vực giao thông, các loại hình giao thông chuyên biệt được tính tới là xe điện, taxi, buýt nhanh, kết nối từ các hướng tới sân bay. Hội nghị đã thống nhất phương án ưu tiên kết nối tuyến metro số 2 trong tương lai với khu vực đô thị sân bay Tân Sơn Nhất.

Một giải pháp khác là nơi đây sẽ hình thành các tuyến phố chuyên kinh doanh thương mại miễn thuế nhằm thu hút khách bay. Khu đô thị sân bay Tân Sơn Nhất sẽ ứng dụng công nghệ cao trong các sản phẩm dịch vụ nhằm giảm thiểu nhu cầu di chuyển, tạo tính đột phá, chất lượng dịch vụ cao.

Để hình thành mô hình đô thị sân bay Tân Sơn Nhất, các đơn vị cần rà soát quỹ đất có khả năng phát triển dự án, đặc biệt những nơi có diện tích lớn do Nhà nước quản lý và đất quốc phòng không còn nhu cầu sử dụng cho mục đích quốc phòng để ưu tiên quy hoạch bổ sung chức năng phục vụ sân bay.

Ngoài ra, khu vực xung quanh các nhà ga metro số 2, số 5, 2 bên đường Trường Sơn và dọc tuyến đường Cộng Hòa - Trường Chinh cần rà soát để bổ sung dịch vụ thương mại, công cộng, logistics, giao thông; triển lãm hội thảo quốc tế, khách sạn, condotel, officetel... với hệ số sử dụng đất cao.

Đặc biệt, quỹ đất tại khu vực này cần khai thác hiệu quả nhưng phải đảm bảo quy định về tĩnh không sân bay, an ninh quốc phòng và quy định hiện hành.

Hồi tháng 5/2022, Văn phòng UBND TPHCM vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố, về việc định hướng quy hoạch phát triển đô thị khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Ý kiến chỉ đạo được đưa ra sau khi TPHCM tổ chức tổng kết hội thảo định hướng quy hoạch, quản lý đô thị cấp địa phương gắn với mô hình đô thị sân bay quốc tế, áp dụng thí điểm cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Tại hội thảo này, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã góp ý nhiều mô hình, giải pháp để phát triển đô thị sân bay tại khu vực quanh Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Những ý kiến này cho rằng, hiện nay, sự kết nối giao thông tích hợp giữa đường bộ, đường sắt, metro, đường hàng không tại khu vực này chưa phát triển đồng bộ, chưa đem lại hiệu quả.

Tuyến đường bộ kết nối sân bay với khu trung tâm hiện tại thường xuyên bị kẹt xe trong giờ cao điểm. Đây là vấn đề cần giải quyết ngay để khai thác lợi thế về mặt vị trí của một sân bay trong lòng thành phố.

Thách thức khác của việc phát triển khu đô thị sân bay tại khu vực Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất là vấn đề về vốn. Kiến trúc sư Hoàng Ngọc Lan cho rằng, nguồn lực để đảm bảo đầu tư một khu đô thị sân bay với hàng loạt dự án giao thông, công trình công cộng, vui chơi giải trí là không dễ trong bối cảnh hiện nay.

Vị chuyên gia này kiến nghị, các đơn vị cần nghiên cứu khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất trên quan điểm là một khu đô thị sân bay để khai thác tối đa nguồn lực sẵn có, mang lại cộng hưởng về kinh tế - xã hội - môi trường.