1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Sẽ có người suốt đời mang án tích?

(Dân trí) - Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó chánh án TAND Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, cho rằng quy định về xóa án tích nêu trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) không tạo điều kiện để người ta làm lại lại cuộc đời, tái hòa nhập cộng đồng và có ích cho xã hội.

 

Trung tướng Trần Văn Độ.
Trung tướng Trần Văn Độ.

 

Theo dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được trình ra Quốc hội ngày 30/10, “người được xoá án tích coi như chưa bị kết án. Người bị kết án về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng do lỗi vô ý và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích”.

Điều 70, 71 dự thảo bộ luật quy định, người bị kết án đương nhiên được xoá án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định.

Người bị kết án được tòa án quyết định xoá án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định thì thời hạn được xoá án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

Quy định này đã gặp phải phản ứng của đại biểu Quốc hội Trần Văn Độ (An Giang) - nguyên Phó chánh án TAND Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương.

Theo ông Độ, việc quy định người được xóa án tích phải chấp hành xong tất cả các quyết định của bản án, kể cả hình phạt bổ sung như bồi thường thiệt hại cần phải xem lại, bởi bồi thường thiệt hại cho một người nào đó có thể kéo dài tới năm 18 tuổi nhưng cũng có thể tới lúc chết.

“Xóa án tích là biện pháp dân sự, nên tôi đề nghị người được xóa án tích chỉ phải chấp hành xong các quyết định hình sự của bản án là đủ. Còn dân sự có những người gây thiệt hại vô cùng lớn nhưng nhà nghèo mà khi nào phải bồi thường xong mới xóa án tích thì có người suốt đời mang án tích. Quy định như vậy là không tạo điều kiện để người ta làm lại lại cuộc đời, tái hòa nhập cộng đồng, có ích cho xã hội...”- ông Độ thẳng thắn nêu quan điểm tại hội trường Quốc hội chiều 30/10.

Ông nói tiếp: “Dự thảo Bộ luật Hình sự đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và nhân dân. Tuy nhiên trong vòng 3-4 tháng kể từ khi có ý kiến đóng góp đến giờ khi nghiên cứu lại toàn văn dự thảo chúng tôi có cảm tưởng ban soạn thảo đã phá dỡ toàn bộ dự thảo lần trước. Dự thảo lần trước chính sách hình sự hướng thiện, đề cao quyền con người, giảm hình phạt tù theo tư tưởng của Hiến pháp, nguyên tắc suy đoán vô tội,... đã được thể hiện rõ nét hơn dự thảo lần này”.

Đặc biệt, Trung tướng Trần Văn Độ cho rằng một số nội dung trong dự thảo lần trước Quốc hội không ai phản đối, ý kiến của nhân dân cũng không phản đối nhưng không hiểu sao dự thảo lần này lại thay đổi, không trở lại như cũ.

“Đây là vấn đề không sao hiểu được. Không ai phản đối tôi nghĩ không nên sửa đổi, thay đổi. Báo cáo Quốc hội, dự thảo lần này rất nhiều “vấn đề”. Tôi làm công tác nghiên cứu, 30 năm trong nghề hình sự, tôi thấy dự thảo luật như thế này sẽ nhiều bất cập, không khả thi trong chính sách áp dụng. Tôi đề nghị rà soát lại toàn bộ, nếu không kịp thì có thể để lại để làm cho kỹ”- ông Độ thẳng thắn nêu quan điểm.

Nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến băn khoăn, đồng tình với quan điểm của ông Trần Văn Độ.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm