1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sau vụ ông Chấn bị oan sai: Sẽ giám sát hàng loạt vụ án

“Không chỉ vụ án oan 10 năm của ông Chấn mà còn các vụ án oan sai khác cũng cần phải rút hồ sơ để giám sát”.

Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP HCM) - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trao đổi với báo chí về công tác điều tra, xét xử, đặc biệt là vụ án oan sai 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn, ở Bắc Giang.

 

Ông Đỗ Văn Đương

Ông Đỗ Văn Đương

Theo các thông tin báo chí đăng tải, hiện nay ông Chấn rất lo về việc các điều tra viên không nhận đã bức cung?

Ông Chấn không phải lo, mọi việc sẽ được xử lý theo luật pháp hiện hành của  đất nước ta. Thứ nhất, ông ấy sẽ được minh oan. Thứ hai, ông ấy sẽ được bồi thường thiệt hại và được khôi phục danh dự. Bồi thường thiệt hại không phải chỉ  là bồi thường 3.386 ngày giam giữ quy ra tiền là bao nhiêu và một ngày ngồi tù được bồi thường bằng ba ngày lương tối thiểu. Ông ấy còn được cộng thêm những tổn thất về mặt tinh thần và thu nhập thực tế bị mất, rồi gia đình ông ấy có vấn đề bị tổn thất liên quan đến vụ việc này như đi kiện tụng hết bao nhiêu tiền, con gái bỏ học, vợ con ly tán, chồng phải xa vợ…. những khoản này trong Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước đã có đấy đủ và quy định rất rõ.

Bây giờ điều quan trọng là xác định đúng ông Chấn là oan thì phải minh oan và rửa sạch tội cho ông ấy và làm đủ các thủ tục công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo công khai và khôi phục danh dự cho ông Chấn vì  ông ấy không phạm tội mà chính là Lý Văn Chung mới là kẻ giết người.

Trong việc của anh Nguyễn Thanh Chấn, luật sư không tham gia trong quá trình điều tra vụ án nên đã xảy ra sự việc oan sai?

Vụ việc ông Chấn có luật sư, nhưng không tham gia vụ án từ đầu. Thời điểm đó, Bộ luật Tố tụng hình sự mới chưa có hiệu lực pháp luật,thì người ta cho luật sư tham gia từ khi khởi tố bị can. Đối với trường hợp anh Chấn là trường hợp chỉ định, cử luật sư bào chữa ngay từ đầu điều tra chứ không phải như Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2004 là từ khi tạm giữ bị can. Cái sai này không chỉ có cơ quan điều tra mà Viện kiểm sát cũng phải chịu trách nhiệm luận tội. Không chỉ tòa án sơ thẩm mà cả tòa án phúc thẩm Tòa án tối cao. Nếu Tòa án Tối cao kết luận đúng ông Chấn bị oan thật thì tòa án phúc thẩm là cơ quan sau cùng làm người ta bị oan phải chịu trách nhiệm bồi thường và đứng ra xin lỗi đúng theo trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Bản chất của vụ này là có bằng chứng ngoại phạm nhưng không được xem xét?

Bây giờ nói như thế là võ đoán, sau này tôi cho rằng để nói cho chính xác thì phải đi giám sát lại vụ này, để xem vì sao mà lại bị oan, oan ở khâu nào và ai người làm oan đầu tiên… để phân hóa trách nhiệm ra. Theo tôi những vụ án nghiêm trọng, phức tạp và gây bức xúc trong dư luận như vậy thì phải có sự giám sát cụ thể.

Thế nhưng bây giờ các điều tra viên không nhận có bức cung thì sẽ xử lý vụ án thế nào?

Có căn cứ đâu mà người ta nhận, theo tôi thì cơ quan giám sát là Ủy ban giám sát tư pháp sẽ giám sát. Anh phải giám sát, phải rút hồ sơ lên.

Vậy Ủy ban Tư pháp đã có hướng giám sát chưa, thưa ông?
 
Hiện tại chúng tôi đang bận họp Quốc hội và sẽ vào cuộc giám sát tư pháp.

Theo tôi, không chỉ vụ án oan 10 năm của ông Chấn mà còn các vụ án oan sai khác cũng cần phải rút hồ sơ để giám sát. Hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng, bỏ lọt tội phạm, tham nhũng và những vụ án lớn, đặc biệt lớn được dư luận xã hội quan tâm từ đó mới giải quyết được tình trạng trên.

Xin cảm ơn ông!

Theo Vũ Hạnh
VOV
Dòng sự kiện: Án oan và bao nỗi đau

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm