Lai Châu:
Sau vụ lật cầu thảm khốc, người dân Chu Va vẫn chờ cầu mới
(Dân trí) - Sau vụ tai nạn lật cầu Chu Va xảy ra ngày 24/2/2014, người dân hai thôn Chu Va 6 và Chu Va 8 vẫn đang phải liều mình lưu thông trên cây cầu tạm đã xuống cấp, trong khi dự án cầu mới được trình các cấp đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy tờ…
Hàng ngày, cây cầu treo “tạm” nối giữa bản Chu Va 6 và Chu Va 8 tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu) “oằn mình” gánh hàng trăm lượt qua lại của người dân. Mỗi khi có xe máy đi qua, cây cầu lại rung lên bần bật, người đi trên cầu có cảm giác như sắp bị hất văng khỏi cầu
Đây là cây cầu treo đã được xây dựng trước cả cây cầu Chu Va 6 bị lật. Sau thảm họa lật cầu khiến 8 người chết và 38 người khác bị thương, chính quyền địa phương đã gia cố lại cây cầu này để cho người dân đi lại tạm thời.
Do được gia cố lại và hoàn thiện bằng gỗ tạm, tre nên sau một năm sử dụng, nhiều thanh gỗ đã mục nát, có những đoạn được gia cố bằng thép buộc đã trở nên lỏng lẻo và không còn an toàn.
Anh Giàng A Hồ (SN 1993), người dân thôn Chu Va 8 cho biết, mỗi khi có xe máy đi qua, cầu lại rung lên bần bật khiến mọi người rất sợ. Những thanh gỗ mục nát có thể bị gãy và rơi xuống dưới bất cứ lúc nào.
Ông Giàng A Khoa, ở bản Chu Va 8, người bị nạn trong thảm họa lật cầu Chu Va 6 cho biết, mặc dù sinh sống ở phía bên này bờ suối, nhưng hầu hết ruộng nương của người dân bản Chu Va 8 đều nằm ở bờ Chu Va 6 bên kia và ngược lại. Hơn nữa, người dân bản Chu Va 6 chỉ có con đường duy nhất là qua cầu để ra khỏi “ốc đảo”. Do đó, nhu cầu đi lại hàng ngày của hàng trăm hộ dân hai bên bờ là rất lớn.
“Sau sự cố lật cầu, mặc dù có cầu để đi lại, nhưng chúng tôi cũng không thể yên tâm bởi cây cầu tạm này còn có tuổi thọ cao hơn cả cây cầu bị lật. Sau hơn một năm gia cố để sử dụng, nó đã bị xuống cấp không còn an toàn. Hơn nữa, trâu bò không thể đi lại trên cây cầu mà phải vẫn lội suối, mùa nước cạn thì còn đi qua được, chứ đến mùa nước lũ thì cô lập hoàn toàn”.
Trước đó, khi trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Thọ Trung - Bí thư Huyện ủy Tam Đường, Lai Châu cho biết, liên quan đến cây cầu treo tạm đã được gia cố, hiện nay bà con vẫn đang sử dụng để đi lại. Trước đó, tỉnh đã thành lập đoàn công tác để thẩm định cây cầu treo bị lật, nhưng do nguyện vọng của bà con muốn làm cầu mới nên chúng tôi đã đề xuất với tỉnh và được tỉnh đồng ý. Tỉnh cũng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh nhiều cây cầu, trong đó có xây dựng mới cầu Chu Va 6.
Ông Đoàn Đức Long - Giám đốc sở Giao thông Vận tải tỉnh Lai Châu cho biết: “Chủ trương là sẽ cho xây dựng cầu mới, mặc dù vẫn là cầu treo nhưng có khổ rộng hơn (khoảng 2 mét) theo tiêu chuẩn dự án cầu treo của Bộ Giao thông Vận tải. Nguồn vốn được sử dụng từ chương trình cầu yếu, cầu treo dân sinh của Bộ Giao thông Vận tải. Trên cơ sở tỉnh đã đề nghị và đã được Bộ GTVT đồng ý giao cho Ban quản lý 3 - Tổng cục đường bộ Việt Nam xử lý và thực hiện. Hiện nay, đơn vị này đã khảo sát, thiết kế xong cây cầu và đã tìm được đơn vị thi công và dự kiến sẽ thi công, xây dựng trong thời gian sớm nhất” - ông Long cho biết.
Như Dân trí thông tin, ngày 24/2/2014, vụ lật cầu Chu Va 6 xảy ra tại xã Sơn Bình huyện Tam Đường, Lai Châu khiến cho 8 người chết và 38 người khác bị thương sau khi rơi xuống suối có độ cao hơn 9 mét.
4 ngày sau khi xảy ra thảm họa, chính quyền địa phương đã thi công và bắc một cây cầu tạm sát mặt nước để bà con đi lại. Tuy nhiên, ngày 27/4/2014, cây cầu tạm đã bị lũ quét cuốn trôi, khiến hai bờ Chu Va một lần nữa bị chia cắt, thôn chu Va 6 bị cô lập hoàn toàn.
Để khắc phục tạm thời cho bà con đi lại, UBND huyện Tam Đường đã tiến hành khắc phục để bà con địa phương đi tạm. Cùng đó, tỉnh Lai Châu cũng đã tiến hành thành lập một đoàn công tác do Sở Xây dựng làm đầu mối để thẩm định, xác định xem cây cầu treo Chu Va 6 có đủ tiêu chuẩn để tái sử dụng hay không. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm nay, hàng ngày bà con vẫn phải “đánh cược” mạng sống của mình khi đi trên cầy cầu tạm cũ đã xuống cấp, tuổi thọ cao hơn nhiều so với cầu Chu Va 6 bị lật.
Ngày 21/7, TAND tỉnh Lai Châu đã đưa ra xét xử sơ thẩm các bị cáo trong vụ án lật cầu treo Chu Va 6 tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu khiến 8 người chết và 38 người khác bị thương.
Các bị cáo bị truy tố về tội danh “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gồm Nguyễn Văn Ký, nguyên Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng tư nhân Hoa Ký; bị cáo Hoàng Đình Vấn, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Tam Đường và Bùi Hải Sơn, cán bộ kỹ thuật thực hiện chức năng giám sát của Ban Quản lý dự án huyện Tam Đường.
Trước tòa, cả 3 bị cáo đều thừa nhận, toàn bộ quá trình thi công, xây dựng và giám sát công trình đều không đảm bảo theo quy định, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Ký thừa nhận mình mới học hết lớp 3 và doanh nghiệp xây dựng tư nhân Hoa Ký không đủ điều kiện năng lực thi công cầu.
Sau hơn 2 ngày xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Văn Ký, Bùi Hải Sơn 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, Hoàng Đình Vấn 3 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Thời gian phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam.
Ngoài ra, các bị cáo phải bồi thường tổng thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản là hơn 2,5 tỷ đồng. Trách nhiệm của mỗi bị cáo như sau: Ký bồi thường hơn 1 tỷ đồng, Sơn bồi thường hơn 1 tỷ đồng, Vấn bồi thường hơn 500 triệu đồng.
Quốc Cường - Xuân Thái