(Dân trí) - Chiếc Boeing 727-200 có thể tiếp tục nằm im một cách vô dụng tại sân bay Nội Bài, hoặc nó sẽ được "tái sinh" ngay trong năm nay bởi những lãnh đạo không muốn đợi chờ thêm.
Chiếc Boeing 727-200 có thể tiếp tục nằm im một cách vô dụng tại sân bay Nội Bài, hoặc nó sẽ được "tái sinh" ngay trong năm nay bởi những lãnh đạo không muốn chờ đợi thêm.
Cảm giác nước tràn vào mũi giày, dè chừng với lũ ong vờn quanh và tin đồn về rắn hổ mang, bạn vẫn tiếp tục dấn bước qua bụi cỏ để tiến đến gần một khối kim loại khổng lồ nằm ở rìa phía đông sân bay Nội Bài, Hà Nội. Ở đó, chiếc Boeing 727-200 sắp bị mưa nắng xóa hết màu sơn trên thân vỏ.
Bước đến gần khối kim loại đang gỉ sét, bạn có thể nghe thấy tiếng chim ríu rít nhưng không biết đích xác lũ chim trốn ở đâu, trong động cơ phản lực, hốc chứa càng máy bay hay đâu đó trong các ống xả.
Chiếc máy bay đã bị "bỏ rơi" từ năm 2007. Nhà chức trách mất 16 năm nhưng vẫn chưa chốt được phương án xử lý tài sản này.
Cuối tháng 6/2023, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn ký văn bản yêu cầu Cục Hàng không khẩn trương xử lý chiếc máy bay, đồng thời cảnh báo Cục "hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc chậm triển khai phương án xử lý".
Quá trình tìm kiếm nhân chứng giai đoạn chiếc Boeing 727-200 từng hoạt động tại Nội Bài năm 2007, phóng viên liên hệ ông Vũ Ngọc Kiệm, khi đó là Giám đốc khu bay Cụm cảng hàng không miền Bắc.
Ông Kiệm đã về hưu, sống trong một căn hộ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Vị cán bộ của cụm cảng đồng thời là nguyên Phó giám đốc sân bay Nội Bài xác nhận ông vẫn còn nhớ thời điểm máy bay Boeing 727-200 từ Xiêm Riệp (Campuchia) hạ cánh xuống Nội Bài. Nó không bao giờ cất cánh nữa.
"Khoảng tháng 2/2007, Cục Hàng không Việt Nam cấp phép cho hãng Royal Khmer Airlines khai thác chặng bay Nội Bài - Xiêm Riệp với tần suất một chuyến/tuần. Ban đầu họ bay dòng Boeing 737, sau đó lại đổi sang chiếc Boeing 727-200 số hiệu XU-RKJ", nguyên lãnh đạo khu bay hồi tưởng.
Thời điểm đó, hãng bay không ký hợp đồng lâu dài với cụm cảng mà chỉ bay thuê chuyến (charter), bay chuyến nào trả tiền chuyến đó. Thấy không ổn, ông Kiệm đã yêu cầu hãng phải đặt cọc 5.000 USD.
Một ngày đầu tháng 5/2007, khi chuẩn bị thực hiện chuyến bay tiếp theo từ Nội Bài đi Xiêm Riệp, máy bay gặp trục trặc, không thể cất cánh.
Đại diện hãng bay Royal Khmer Airlines tại Việt Nam khi đó là một thanh niên người Việt mà ông Kiệm không nhớ tên. Người này thường ghé qua phòng tài chính của cụm cảng để thanh toán chi phí cất hạ cánh, sân đỗ…
Khi máy bay phát sinh sự cố kỹ thuật và bắt đầu nằm ỳ ở Nội Bài nhiều tuần lễ, người thanh niên "đại diện hãng" khẳng định sẽ thanh toán chi phí sân đỗ.
"Đúng là có thanh toán thêm một thời gian, ngắn thôi, rồi cậu ấy cũng biến mất", ông Kiệm kể.
Thời gian sau đó, hãng bay Royal Khmer Airlines phá sản. Nhà chức trách hàng không Campuchia tuyên bố xóa quốc tịch của chiếc máy bay đang mắc kẹt tại Nội Bài.
Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), vào giai đoạn 2007 là Phó giám đốc khu bay Cụm cảng miền Bắc (cấp phó của ông Kiệm). Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Hùng vẫn còn nhớ một nỗ lực cuối cùng của chủ máy bay để đưa nó về nước.
"Thời điểm Royal Khmer Airlines phá sản, chủ sở hữu máy bay lúc đó là Airsmith có sang để tìm cách đưa máy bay về. Họ cũng chấp nhận thanh toán các chi phí sân đỗ. Tuy nhiên, khi đưa phi công sang và kiểm tra tình trạng kỹ thuật thì phi công từ chối không bay", ông Hùng chia sẻ.
Theo lời chủ sở hữu máy bay nói lại với ông Hùng, họ đã hứa hẹn trả cho phi công gần 10.000 USD chỉ để bay chiếc máy bay đó về nước. Nhưng sau khi kiểm tra chiếc máy bay, phi công nhất quyết không ngồi vào buồng lái.
Khi đó, ông Trần Long Nhiên, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, có hỏi về tình hình hợp đồng giữa hãng bay và cảng. Ông Kiệm trả lời rằng không có ràng buộc hợp đồng nhưng "rất may mắn" vì đã giữ được khoản tiền cọc 5.000 USD. Số tiền này về sau cũng bị trừ hết vào chi phí đỗ máy bay.
Sau đó, Cụm cảng hàng không miền Bắc có đề nghị Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu chủ máy bay phải sang giải quyết. Tuy nhiên, cả chủ sở hữu lẫn đơn vị khai thác máy bay đều không có hồi âm.
Đến khoảng năm 2014, phía sân bay tiếp tục đề nghị Cục Hàng không phải giải quyết dứt điểm. Cục Hàng không đã phát thông báo mời chủ sở hữu máy bay đến làm thủ tục nhận lại tài sản, đồng thời yêu cầu chủ máy bay thanh toán chi phí đỗ máy bay lũy kế đến năm 2014 là hơn 600.000 USD.
Sau 6 ngày đăng tải thông tin nhưng không nhận được phản hồi, Cục Hàng không Việt Nam chính thức ra thông báo xác định máy bay đã bị bỏ.
Ông Vũ Ngọc Kiệm cũng không ngờ đến năm 2019, khi nhận quyết định nghỉ hưu và rời khỏi chức vụ Phó giám đốc sân bay Nội Bài, ông vẫn thấy chiếc Boeing 727-200 nằm ở một góc sân bay, "thi gan" cùng mưa nắng.
"Thời điểm xuất hiện tại Nội Bài, chiếc B727-200 của Royal Khmer Airlines không phải là máy bay mới, nó rất cũ rồi", ông Kiệm nhớ lại.
Quay ngược thời gian về năm 2007, sân bay Nội Bài lúc đó chưa có nhà ga T2, chưa có ga VIP hay sảnh E, chỉ có duy nhất một nhà ga T1 hình sao 3 cánh. Trên đường băng vẫn còn những dòng máy bay như F70, ATR-72, nhưng cũng đã có nhiều dòng máy bay hiện đại hơn như A320, A330 hay Boeing 777…
Trong một thập kỷ đầu tiên nằm tại Nội Bài, dường như không có động lực nào đủ lớn để khiến chiếc B727 "nhúc nhích". "Cảng không dám động vào, chẳng làm gì được vì không có thẩm quyền với tài sản không phải của mình", ông Kiệm chia sẻ.
Đến năm 2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (nay là Chủ tịch Quốc hội) ra chỉ đạo về việc phải tổ chức bán đấu giá, giải quyết dứt điểm tình trạng bỏ hoang của máy bay.
Năm 2017, Cục Hàng không Việt Nam đã thuê một đơn vị định giá tài sản đến kiểm tra tổng thể máy bay. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, doanh nghiệp thẩm định giá "chào thua" vì không đủ hồ sơ, tài liệu để định giá. Họ chỉ đưa ra một mức giá ước tính là 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức giá này sau đó cũng không được dùng làm cơ sở đấu giá.
Sau khi xác định đấu giá không thành công, lãnh đạo sân bay Nội Bài và Cục Hàng không có họp với Bộ GTVT để tìm hướng xử lý.
"Trong cuộc họp, tôi đề xuất Bộ GTVT giao lại chiếc máy bay cho sân bay Nội Bài để làm mô hình phục vụ diễn tập khẩn nguy. Tuy nhiên, phía Bộ GTVT cho rằng chiếc máy bay đã thành tài sản của Nhà nước, mà lại giao tài sản này cho doanh nghiệp thì không đúng quy định", ông Kiệm kể và giải thích thêm sân bay Nội Bài trực thuộc ACV - doanh nghiệp có phần vốn ngoài Nhà nước.
Khi Bộ GTVT trả lời như vậy, ông Kiệm tiếp tục đề nghị giao lại tài sản cho Cục Hàng không, sau đó Cục Hàng không giao lại cho cảng vụ quản lý và cho phép sân bay sử dụng làm mô hình diễn tập khi cần.
"Các thành viên dự họp không thống nhất được phương án, cuộc họp phải giải tán", ông Kiệm nhớ lại.
Trong 16 năm, đơn vị quản lý sân bay Nội Bài - dù chưa một lần được nhận bàn giao chiếc máy bay - vẫn phải cắt cử nhân viên an ninh bảo vệ nó như một phần tài sản quốc gia, phòng ngừa cháy nổ và ngăn người lạ đột nhập vào bên trong.
"Thi thoảng, lũ chim lại rúc vào trong các động cơ phản lực để làm tổ, gây phiền toái cho việc xua đuổi động vật ngoại lai khỏi sân bay", ông Kiệm chia sẻ.
Cũng trong giai đoạn này, hàng không tư nhân nở rộ. Số lượng chuyến bay tăng mạnh. Bãi đỗ của sân bay trở lên chật chội khiến cho các lãnh đạo Nội Bài ngày càng "nhức mắt" với chiếc máy bay đang chiếm mất một chỗ đỗ.
Ông Kiệm cho biết chiếc B727 từng được kéo sang khu vực quân sự phía bắc sân bay để cho rộng chỗ. Tuy nhiên, phía đơn vị không quân phàn nàn, máy bay lại được kéo về đường lăn S1A.
"Chúng tôi chỉ muốn kéo máy bay ra càng xa đường băng càng tốt, vì nằm gần sẽ ảnh hưởng đến tĩnh không của đường cất hạ cánh, hoặc có thể ảnh hưởng đến hệ thống radar của các máy bay đang hoạt động", nguyên lãnh đạo sân bay chia sẻ.
Năm 2018, chiếc máy bay được kéo từ đường lăn S1A ra bãi cỏ ở rìa phía đông của sân bay cách đó 150m, chính thức rời khỏi phạm vi sân đỗ Nội Bài. Cũng từ năm này, sân bay ngừng tính phí đỗ máy bay. Khi đó, khoản phí lũy kế trong 11 năm đã lên tới hơn 20 tỷ đồng.
Sau hơn 10 năm nằm im lìm, tới năm 2019, chiếc Boeing 727-200 bị bỏ rơi tại Nội Bài lại nổi tiếng khắp mặt báo. Bắt đầu xuất hiện những ý tưởng kỳ lạ về việc "đổi chác" chiếc máy bay này.
Một doanh nghiệp đã đề xuất với Cục Hàng không về việc đổi bánh, kẹo, rượu bia lấy máy bay Boeing 727-200. Số hàng hóa quy đổi trị giá 3 tỷ đồng.
Một trung tâm dưỡng lão cũng gửi kiến nghị đổi chiếc máy bay lấy 3 suất dưỡng lão trong vòng 12 năm, tương đương 3,8 tỷ đồng. Họ mong muốn lấy chiếc máy bay về để "các cụ tại trung tâm có cơ hội trải nghiệm ngồi máy bay".
Bên cạnh những đề xuất có phần kỳ lạ, Cục Hàng không cũng ghi nhận nguyện vọng của các đơn vị Nhà nước như Bộ Công an đề nghị sử dụng máy bay làm phương tiện diễn tập chống khủng bố; ACV xin sử dụng máy bay cho công tác diễn tập an ninh, an toàn tại Nội Bài; Học viện Hàng không Việt Nam xin máy bay làm giáo cụ học tập, thực hành.
Tuy nhiên, các đề xuất nêu trên hoặc bị Cục Hàng không từ chối, hoặc không có ý kiến phản hồi vì thiếu cơ sở.
Phó Tổng giám đốc ACV Nguyễn Đức Hùng cho biết sân bay Nội Bài đã tiếp một số đoàn công tác đến khảo sát chiếc máy bay nhưng sau đó họ đều bỏ cuộc do chi phí tháo dỡ, vận chuyển theo tính toán là quá lớn, lên tới hàng chục tỷ đồng.
Bước sang năm 2023, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu Cục Hàng không phải xử lý dứt điểm chiếc B727-200 nằm tại Nội Bài theo hướng chỉ đạo trước đó của lãnh đạo Chính phủ. Cụ thể, Cục phải tiến hành bán đấu giá hoặc giao lại tài sản theo đúng quy định.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết ông ủng hộ việc giao chiếc máy bay cho Học viện Hàng không.
"Cục đã thuê doanh nghiệp định giá rồi, chẳng được bao nhiêu mà cơ sở định giá không đầy đủ, không chắc chắn. Trong khi đó, để có một giáo cục trực quan như chiếc máy bay này là rất khó", ông Thắng chia sẻ.
Trong 16 năm ròng, chiếc máy bay chỉ dịch chuyển được 150m, từ phạm vi đường lăn S1A ra một bãi cỏ nằm gần đó. Và giờ, trong 5 tháng còn lại của năm 2023, Học viện Hàng không đặt kỳ vọng đưa nó qua quãng đường gần 1.400 km để tới cơ sở đào tạo ở Cam Ranh (Khánh Hòa).
Còn bà Nguyễn Thị Hải Hằng, Giám đốc Học viện Hàng không, cho biết: "Đối với những đơn vị khác thì máy bay bỏ không này chỉ là sắt vụn, còn đối với Học viện Hàng không thì nó rất có giá trị cho việc đào tạo. Có thể nói mỗi một centimet của máy bay đều đáng quý".
Lãnh đạo học viện cho rằng nếu bỏ lỡ chiếc máy bay này, gần như họ rất khó có cơ hội kéo được một chiếc máy bay tương tự về trường. Trước đó, học viện có liên hệ với Boeing để xin máy bay cũ nhưng không thành công.
Theo bà Hằng, để chuyển nhượng cho học viện một chiếc máy bay cũ, phía Boeing phải chọn một chiếc máy bay gần hết niên hạn, sau đó làm thủ tục để bay chuyến cuối cùng vào Việt Nam. Chi phí rất đắt đỏ và thủ tục phức tạp.
Vừa qua, Học viện Hàng không đã tham khảo một đơn vị vận chuyển và ước tính được chi phí đưa chiếc máy bay từ Nội Bài vào Cam Ranh là khoảng 5-7 tỷ đồng. Họ sẽ cắt rời từng bộ phận của máy bay, vận chuyển về trường bằng xe siêu trường, siêu trọng. Sau đó, học viện sẽ bỏ thêm chi phí để sửa chữa, khôi phục lại mô hình máy bay.
Hiện, học viện đang hoàn thiện hồ sơ giải trình với Bộ GTVT về tiêu chuẩn, định mức đào tạo liên quan đến tài sản là chiếc máy bay. Bà Hằng cho biết học viện sẽ hoàn tất việc giải trình trong tháng 7.
"Nếu được Bộ GTVT chấp thuận, tôi ước chừng học viện có thể hoàn tất việc tiếp nhận và vận chuyển về trường trong vòng 3 tháng, tức là trong năm nay", lãnh đạo học viện chia sẻ.
Ông Vũ Ngọc Kiệm, người trực tiếp điều hành việc đưa máy bay từ trong khu bay ra ngoài bãi cỏ vào năm 2018, đến nay vẫn than thở rằng quãng đường 150m đó "vô cùng vất vả". Ông ủng hộ ý tưởng của Học viện Hàng không nhưng cho rằng học viện khó có thể vận chuyển được chiếc máy bay về tận Khánh Hòa.
"Chiếc máy bay được để lại sân bay Nội Bài là tốt nhất, phục vụ diễn tập an ninh an toàn", nguyên lãnh đạo sân bay chia sẻ.
Những năm gần đây, sân bay Nội Bài có một bộ thiết bị cứu hộ máy bay nhập khẩu từ nước ngoài. Họ muốn sử dụng chiếc máy bay bị bỏ rơi làm mô hình để thực nghiệm việc sử dụng bộ thiết bị. Tuy nhiên, không ai dám thao tác nâng hạ chiếc máy bay vì sợ làm hư hỏng tài sản Nhà nước.
"Chúng tôi mang máy móc ra 'tập chay' thôi, không dám động vào chiếc máy bay", đại diện sân bay chia sẻ.
Boeing 727-200 là dòng máy bay chở khách 3 động cơ duy nhất của hãng sản xuất máy bay Boeing. Dòng máy bay này được xuất xưởng từ năm 1962 đến 1984 với tổng số 1.832 chiếc.
Máy bay này được thiết kế để chở từ 150 đến 200 khách. Một điểm đặc biệt là 3 động cơ được gắn ở phía đuôi máy bay chứ không phải 2 bên cánh. Trong đó, động cơ thứ 3 có cửa hút nằm trên đỉnh và ống phản lực nằm ở chóp đuôi.