Sạt lở nghiêm trọng kéo dài dọc bờ sông Lam, dân lo lắng
(Dân trí) - Hàng năm, dọc tuyến sông Lam đoạn qua huyện Hưng Nguyên và huyện Nam Đàn (Nghệ An) sạt lở nghiêm trọng, nhiều diện tích đất đã bị dòng sông Lam ''nuốt'' khiến người dân lo lắng.
Dọc theo tuyến sông Lam, bãi bồi nằm ở khu vực giữa cầu Yên Xuân mới và cầu Yên Xuân cũ, thuộc địa bàn hai xã Long Xá (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) và xã Trung Phúc Cường (huyện Nam Đàn, Nghệ An) những năm gần đây xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng.
Tình trạng sạt lở kéo dài hàng nghìn mét dọc sông Lam khiến người dân xã Long Xá (huyện Hưng Nguyên) và Trung Phúc Cường (huyện Nam Đàn) lo lắng.
Tình trạng sạt lở bãi đất dưới chân cầu Yên Xuân, thuộc xã Long Xá (huyện Hưng Nguyên) sạt lở phức tạp.
Theo ông Võ Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Long Xá, trước đây rất rộng, kéo dài khoảng 200m vượt ra sông. Khoảng gần 5 năm trở lại đây, bờ sông Lam qua địa bàn xã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng khiến vùng đất này bị thu hẹp.
Khu vực đất dưới chân cầu Yên Xuân hàng năm được người dân địa phương trồng hoa màu. Tuy nhiên, hiện nay nước sông lấn sâu gây sạt lở khiến nhiều diện tích đất bị cuốn trôi.
''Trung bình hàng năm nước sông cuốn trôi đất của xã, tương đương 500-1.000m2 đất'', ông Võ Văn Chiến cho biết.
Đây là khu vực bãi bồi thuộc địa bàn xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn) bị dòng nước sông Lam ''ăn'' nhiều năm qua và tình trạng này đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Từ năm 2020 trở lại nay, tình trạng sạt lở bãi bồi của xã Trung Phúc Cường (huyện Nam Đàn) diễn ra ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn.
Theo thống kê sơ bộ, trong mấy năm qua, khu vực bãi bồi xã Trung Phúc Cường bị sạt lở hơn 17ha đất.
Ông Võ Văn Kỳ, trú xã Trung Phúc Cường cho biết, tình trạng sạt lở khiến một lượng lớn đất bị cuốn trôi, hàng trăm cây keo của gia đình ông bị đổ xuống sông Lam.
''Từ năm 2022, tình trạng sạt lở lấn vào khu vực đất trồng keo của gia đình tôi ngày càng nghiêm trọng và nhiều hơn trước. Đất bị sạt lở dài khoảng 400m, lấn sâu vào hơn 35m, ước tính hơn 2ha cây keo đã bị nước cuốn sập xuống lòng sông, gây thiệt hại rất lớn. Tình trạng sạt lở diễn ra nhiều năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại'', ông Kỳ cho biết.