Thanh Hóa:
Sạt lở mạnh gần 100m đê ngay trước mùa mưa bão
(Dân trí) - Một đoạn đê dài gần 100m đang bị sạt lở do sự thay đổi dòng chảy, nước thúc trực tiếp vào chân đê. Đây là tuyến đê bảo vệ cho hàng vạn hộ dân thuộc nhiều huyện ở khu vực tả con sông Chu - Thanh Hóa.
Đoạn đê bị sạt lở là từ K27+585 - K28+215, qua địa bàn xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa. Đây là tuyến đê cấp II trung ương, bảo vệ cho 32 xã vùng tả sông Chu thuộc các huyện như Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định.
Do ảnh hưởng của sự thay đổi dòng chảy, từ mùa mưa bão năm 2007, đoạn đê này đã bị xói lở vào chân kè, mái kè bị sạt lở với chiều dài gần 100m.
Đoạn đê bị sạt lở nằm sát mép sông, lòng sông sâu, dòng chủ lưu thúc vuông góc đê. Thời gian gần đây, đoạn đê nằm giữa hai mỏ hàn bị sụt lở, hạn chế khả năng lái dòng chảy. Do dòng chảy thúc trực tiếp vào chân đê nên tốc độ sạt lở rất nhanh.
Theo quan sát thực địa của phóng viên, vết sạt lở đứng, bóc từng lớp đất, kéo dài gần 100m, có xu hướng lấn sâu vào chân và mái đê. Lớp đá kè bảo vệ chân đê cũng bị xói lở nham nhở.
Để chuẩn bị sẵn sàng xử lý khi có tình huống xảy ra trong mùa mưa bão, huyện Thiệu Hóa đã xây dựng phương án trọng điểm và tổ chức triển khai công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư; chỉ đạo UBND xã Thiệu Tiến chuẩn bị bao tải, đá hộc, cọc tre, rơm rạ...
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đinh Văn Thanh, Hạt phó Hạt Đê điều huyện Thiệu Hóa cho biết: “Năm 2007 đê sông Chu đã bị tróc lở, từ năm 2009 đến nay, đây là trọng điểm phòng chống lụt bão của trung ương. Trong các điểm xung yếu về đê điều thì Thiệu Hóa có 4 trọng điểm loại một - trọng điểm xung yếu. Điểm sạt lở nằm giữa hai mỏ kè số 4 và số 5. Khi có lũ nước xuống rất nguy hiểm. Hiện Chi cục đã báo cáo tỉnh và Cục Đê điều để tiến hành xử lý trước mùa mưa bão”.
Được biết, Chi cục Quản lý đê điều tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra và báo cáo Bộ NN&PTNT xin chủ trương hỗ trợ kinh phí để xử lý sự cố sạt lở đê sông Chu.
Duy Tuyên