1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sắp mở rộng sân bay quốc tế Nội Bài

(Dân trí) - Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hoạt động bay huấn luyện quân sự sẽ chuyển ra khỏi Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Phương án xây dựng đường cất hạ cánh số 3 cùng hệ thống nhà ga đáp ứng công suất 50 triệu hành khách trong giai đoạn đến năm 2030 về phía Bắc đang được tính đến.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, định hướng nghiên cứu quy hoạch đường cất hạ cánh số 3 cùng hệ thống cơ sở hạ tầng về phía Bắc có tính khả thi cao hơn so với quy hoạch được duyệt năm 2008.

Tính toán sơ bộ của cơ quan quản lý nhà nước về hàng không cho thấy, chi phí đầu tư theo hướng nghiên cứu này vào khoảng 38.802 tỷ đồng, bằng ½ phương án đã được phê duyệt (về phía Nam), cụ thể: xây dựng đường cất hạ cánh số 3, đường lăn, sân đỗ máy bay và thiết bị phục vụ khai thác cần khoảng 6.000 tỷ đồng; chi phí GPMB cần 11.042 tỷ đồng; xây dựng nhà ga hành khách cần khoảng 12.000 tỷ đồng; hệ thống giao thông kết nối cần 2.000 tỷ đồng; dự phòng và các khoản chi phí khác cần 7.760 tỷ đồng.

Vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho phép thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Nội Bài theo tiến độ: tổ chức lựa chọn nhà thầu (đấu thầu quốc tế) vào quý III-2016; Khảo sát, đo đạc, lập hồ sơ quy hoạch trong 15 tháng, dự kiến hoàn thành trong Quý IV- 2016 để trình Bộ GTVT; Thẩm định, lấy ý kiến các Bộ ngành có liên quan và UBND TP Hà Nội trong quý 1-2017; Phê duyệt hồ sơ quy hoạch trong Quý I hoặc II-2017.

Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài
Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài

Theo phương án cũ, giai đoạn đến năm 2030 sẽ xây dựng đường cất hạ cánh số 3 về phía Nam của Cảng cùng hệ thống nhà ga hành khách T3, T4 để nâng công suất đạt 50 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên qua nghiên cứu, phương án này gặp nhiều khó khăn, kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) quá lớn, ước tính khoảng 75.987 tỉ đồng gồm: chi phí xây dựng đường cất hạ cánh số 3, đường lăn, sân đỗ máy bay và thiết bị phục vụ khai thác 6.000 tỉ đồng; chi phí GPMB 40.790 tỉ đồng; chi phí xây dựng nhà ga 12.000 tỉ đồng; chi phí xây dựng đường lăn Bắc Nam 2.000 tỉ đồng; chi phí khác và dự phòng (25%) 15.197 tỉ đồng.

Tuy nhiên, do chi phí cho phương án trên lớn là do việc GPMB ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội rất khó khăn. Ngoài việc đền bù GPMB còn phải quy hoạch khu tái định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ với để tái định cư cho khoảng 4.470 hộ dân với khoang 22.350 nhân khẩu; phải di chuyển các di tích lịch sử chùa, miếu có từ lâu đời và nhiều nghĩa trang của địa phương.

“Các khó khăn về GPMB sẽ ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án, trong khi đó với năng lực thông qua cảng là 50 triệu hành khách/năm sẽ gây áp lực lớn lên đường Võ Văn Kiệt. Tuy nhiên, phương án này có lợi thế là có thể nâng công suất lên tới 80-100 triệu khách/năm cho Nội Bài” – đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho hay.

Trên thực tế, từ đầu năm 2015, khi nhà ga T2 được đưa vào khai thác với công suất thiết kế đạt 10 triệu khách/năm, chuyên phục vụ khách quốc tế, toàn bộ nhà ga T1 chỉ khai thác khách quốc nội. Tuy nhiên, nhà ga hành khách xây dựng từ năm 2001 này cũng nhanh chóng đối mặt với vấn đề quá tải. Năm 2015, nhà ga T1 (bao gồm cả sảnh E mới được đưa vào sử dụng từ năm 2013) đã đón tới 12 triệu lượt khách trên tổng số hơn 17,2 triệu hành khách thông qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài có hoạt động hàng không lớn thứ 2 cả nước, là cửa ngõ giao thương quan trọng của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc với các quốc gia trên thế giới, là điểm dừng chân lý tưởng trong mạng đường bay từ châu Âu, Nam Á, đến Đông Nam Á, Đông Bắc Á và châu Á - Thái Bình Dương. CHK Nội Bài hiện có 36 hãng hàng không trong nước và quốc tế đang hoạt động, bình quân 340 chuyến bay mỗi ngày.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm