Sắp khai thác 2 đoạn tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TPHCM
(Dân trí) - Hà Nội và TPHCM đang đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào khai thác đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vào cuối năm 2023 và tuyến Bến Thành - Suối Tiên vào đầu năm 2024.
Chiều 10/8, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đã họp phiên thứ 7 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính (Trưởng Ban Chỉ đạo).
Phiên họp nhằm kiểm điểm, đánh giá các công việc đã làm kể từ phiên họp thứ 6, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án
Sau phiên họp thứ 6, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung khắc phục khó khăn, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công gồm: các dự án đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị, cảng hàng không, đường vành đai Hà Nội, TPHCM.
Trong đó, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đã bàn giao được 89% mặt bằng; 5 dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây, đường vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TPHCM đạt từ 87% đến 97%...
Đặc biệt, Hà Nội và TPHCM đang đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện thủ tục để đưa vào khai thác đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vào cuối năm 2023 và tuyến Bến Thành - Suối Tiên đầu năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các chủ đầu tư, nhà thầu đã "vượt nắng thắng mưa", thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.
Cùng với việc chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, người đứng đầu Chính phủ lưu ý trong việc giải phóng mặt bằng, tái định cư, cả hệ thống chính trị ở địa phương cần vào cuộc trên tinh thần lắng nghe, cầu thị, giải quyết dứt điểm vướng mắc, bức xúc của người dân.
Về nguyên vật liệu đang khó khăn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong tuần tới chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
Về huy động vốn, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính đẩy nhanh thủ tục, không để kéo dài. Liên quan đến các dự án PPP, ngoài vốn đầu tư công, theo lãnh đạo Chính phủ, ngân hàng cần nghiên cứu, có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp vay vốn đầu tư hạ tầng.
Thủ tướng đề nghị đơn vị tư vấn phải công tâm, khách quan, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích chung lên trên hết, trước hết, tinh thần là hài hòa lợi ích giữa các bên.
Theo người đứng đầu Chính phủ, các địa phương phải xác định đầu tư hạ tầng là đầu tư cho phát triển, tạo không gian phát triển mới, khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ mới, do đó phải cập nhật quy hoạch mới và thành lập Tổ công tác để xử lý các vướng mắc.
Chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu hoàn thành sớm các thủ tục pháp lý, cân đối nguồn vốn linh hoạt cho các dự án.
Liên quan đến chỉ định thầu, đấu thầu, đấu giá, mỏ nguyên vật liệu, Thủ tướng yêu cầu phải làm công khai, minh bạch, Bộ Xây dựng linh hoạt trong vấn đề giá cả tùy theo tình hình, thị trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ các địa phương về thủ tục đất đai, mỏ vật liệu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ về vấn đề rừng.
Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành, địa phương tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát để các đơn vị làm đúng các quy định pháp luật và tuyệt đối chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.